Due Diligence - cửa ải tiếp theo mà startup phải vượt qua sau cú bắt tay với các Shark

...

Có thể hiểu cái bắt tay của các Shark trên sóng truyền hình chỉ là màn mở đầu cho một chặng đường dài. Để đi tiếp con đường này, các startup buộc phải trải qua một vòng thẩm định, và chỉ khi thông qua được vòng này, startup mới chính thức đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Due Diligence - cửa ải tiếp theo mà startup phải vượt qua sau cú bắt tay với các Shark

Vòng thẩm định chuyên sâu này còn được gọi là due diligence (viết tắt là“DD”). Trên thực tế, sau các mùa Shark Tank được công chiếu thì số lượng startup nhận được hỗ trợ từ các Shark là không nhiều. Nguyên do chủ yếu có thể từ sự thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong các thông tin mà startup trình bày trên sóng truyền hình so với thực tế.

Startup cần biết gì về due diligence

Due diligence là gì?

Có thể hiểu due diligence chính là một vòng “thẩm định chuyên sâu”, là quy trình để nhà đầu tư kiểm định lại những thông tin về tình trạng hoạt động, hiệu quả kinh doanh của startup. Qua đó nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về doanh nghiệp và nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn. Khi đã có đủ thông tin, nhà đầu tư sẽ ra quyết định có nên tiếp tục thương vụ này, hoặc có điều chỉnh các điều kiện thỏa thuận đã đưa ra ban đầu hay không.

Due diligence bao gồm những gì?

Tùy theo yêu cầu từ nhà đầu tư, quy mô và tính phức tạp của thương vụ sẽ có những loại DD khác nhau. Các loại DD thường gặp có thể kể đến như:

  1. Thẩm định pháp lý - Legal Due Diligence (LDD): là việc tìm hiểu, rà soát những thông tin pháp lý và đánh giá những rủi ro pháp lý của doanh nghiệp.
  2. Thẩm định tài chính - Financial Due Diligence (FDD): tập trung vào việc xác minh thông tin tài chính, đánh giá các hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm: đánh giá thu nhập, tài sản, công nợ, dòng tiền, các khoản vay cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.
  3. Thẩm định thương mại - Commercial Due Diligence (CDD): tập trung vào đánh giá môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: đánh giá khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đánh giá các giả định sử dụng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Các loại phương pháp thường được áp dụng khi thẩm định thương mại:
  • Phân tích SWOT (Strengths – Weaknesses – Opportunities – Threats): Thế mạnh - Điểm yếu - Cơ hội – Thách Thức;
  • Phân tích KPCs (Key Purchase Criterias): Các tiêu chí của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm công ty;
  • Phân tích CSFs (Critical Success Factors): CSFs là điều mà một doanh nghiệp phải có để hoàn thành mục tiêu, chiến lược của họ;
  • Phân tích dự báo (Forecast): Đưa ra quan điểm rõ ràng về viễn cảnh của công ty mục tiêu và khả năng thành công của nó. Đối chiếu tốc độ tăng trưởng dự báo của thị trường và tốc độ dự báo của DN.

Ngoài 3 loại kể trên, tùy vào yêu cầu của nhà đầu tư và đặc thù của doanh nghiệp, sẽ có các loại DD khác như: thẩm định nhân sự, công nghệ, lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ,...

Mô hình SWOT
SWOT là viết tắt của những chữ cái đầu tiên của các từ: Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats – là một mô hình phân tích nằm trong 5 bước để tạo ra chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Các startup sẽ phải làm gì trong quá trình DD?

Trong quá trình thẩm định, các startup sẽ cung cấp các hồ sơ, tài liệu như: biên bản cuộc họp cổ đông, hợp đồng bán hàng, hợp đồng lao động, các giấy phép kinh doanh liên quan đến công ty theo yêu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, startup cũng phải trình bày cụ thể hơn về các kế hoạch, định hướng hoạt động trong tương lai. Đây là phần quan trọng vì trong buổi pitching lần đầu, nhà đầu tư chưa hiểu rõ về định hướng và tiềm năng mà doanh nghiệp đang có. Do đó việc trình bày lại kế hoạch, định hướng phát triển công ty có thể xem là bước để củng cố niềm tin từ nhà đầu tư, tiến gần hơn đến việc hợp tác giữa các bên.

Pitching
Pitching được hiểu việc diễn đạt nhằm mục đích thuyết phục người khác thực hiện một việc gì đó.

Ai sẽ là người thực hiện?

Đối với các công ty chuyên đầu tư vào startup như các quỹ đầu tư mạo hiểm, họ thường thành lập riêng một bộ phận chuyên trách việc thẩm định các startup. Tuy nhiên, một số công ty sẽ chọn hình thức thuê ngoài. Các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ DD thường là các công ty kiểm toán, hoặc các hãng luật với dịch vụ thẩm định pháp lý.

Due diligence sẽ diễn ra trong bao lâu?

Không có một thời hạn nhất định cho một quy trình DD. Thời gian thực hiện trên thực tế DD có thể kéo dài từ 6 tháng cho đến 2 năm. Việc thực hiện DD nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc rất nhiều vào chính startup, đặc biệt là quy mô. Nếu các thông tin hoạt động và những định hướng của doanh nghiệp rõ ràng, giống với những gì mà startup đã trình bày trong buổi pitching gọi vốn, thì quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng. Ngược lại, nếu trong quá trình thẩm định, nhà đầu tư nhận thấy doanh nghiệp có nhiều vấn đề, nhiều rủi ro thì việc thẩm định có thể sẽ kéo dài và có thể đi đến kết quả không mong muốn.

Startup cần chuẩn bị gì

Thứ nhất, trung thực ngay từ đầu về các thông tin trong phần pitching

Dĩ nhiên mục đích của việc thẩm định nhằm rà soát lại các thông tin mà doanh nghiệp đã trình bày trong phần pitching. Vì thế cách tốt nhất mà doanh nghiệp có thể chuẩn bị cho quá trình DD được diễn ra suôn sẻ là phải trung thực đối với các thông trình bày để kêu gọi đầu tư. Việc trung thực các thông tin ngay từ đầu cũng có thể gây thiện cảm với các nhà đầu tư, việc hợp tác sau này cũng trở nên dễ dàng hơn.

Thứ hai, tham vấn từ người đi trước

Những người đi trước có thể là những startup thành công đã từng trải qua nhiều lần thẩm định từ các vòng gọi vốn. Việc áp dụng kinh nghiệm từ những người đi trước sẽ giúp startup có thể thuận lợi vượt qua các vòng thẩm định, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên.

Ngoài ra startup cũng có thể tham vấn ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực này như các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hay các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định.

Thứ ba, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết

Trong quá trình thẩm định, các hồ sơ chứng từ là những thứ không thể thiếu. Tùy theo yêu cầu thẩm định của nhà đầu tư mà doanh nghiệp phải chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết. Bảng dưới đây sẽ tóm tắt các loại hồ sơ, chứng từ mà doanh nghiệp cần chuẩn bị cho việc thẩm định:

Theo: Nguyễn Dương / ProFin