Cash Is King #1: Hành trình của một chuyên viên “treasury” trong thời kỳ biến động

...

“Treasury management” hay quản trị nguồn vốn đang ngày trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ biến động như hiện nay.

Cash Is King #1: Hành trình của một chuyên viên “treasury” trong thời kỳ biến động
Photo by Ashin K Suresh / Unsplash

Thông qua quản trị nguồn vốn, doanh nghiệp có thể sử dụng tối ưu các nguồn lực tài chính từ bên trong và bên ngoài, giúp duy trì hoạt động và vượt qua tình hình khó khăn do đại dịch.

Nội dung bài viết trích lược từ buổi hội thảo trực tuyến “Quản trị nguồn vốn và dòng tiền trong thời kỳ biến động” do Smart Train phối hợp cùng PwC Việt Nam và Hiệp hội Chuyên gia Tài chính Hoa Kỳ AFP đồng tổ chức.

“Nhiệm vụ chính của một ‘treasurer’ là nhận biết tình trạng hiện nay về tiền của công ty như thế nào, tiền ở đâu ra và làm thế nào để có tiền?”. Đây là chia sẻ kinh nghiệm làm việc thực tế của chị Trần Thị Ngọc Tuyết, Trưởng nhóm dịch vụ quản lý ngân quỹ, PwC Việt Nam.

Treasurer phải biết tình trạng về “tiền” của công ty như thế nào, tiền ở đâu ra và làm thế nào để có tiền?”

Nhận biết về tình trạng tài chính hiện tại

“Nhận biết tình trạng tài chính hiện tại của mình bằng công cụ gì?” Đó là câu hỏi mà một treasurer cần đi tìm câu trả lời.

Công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhìn thấy được hiện trạng tài chính của công ty chính là thông qua việc lập “cash forecast” (dự báo dòng tiền) thật chi tiết. Nếu như từ trước đến nay, doanh nghiệp chỉ tập trung vào “cash-flow” trong báo cáo tài chính, thì trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi báo cáo dự phóng dòng tiền phải được cụ thể và chi tiết đến từng tuần, thay vì quý hoặc năm.

Tiền có thể có từ đâu?

Những câu hỏi mà doanh nghiệp cần đặt ra để bổ sung nguồn tiền từ những yếu tố nội tại:

  • Các khoản phải thu: Bộ phận kinh doanh có đang tích cực thu tiền về hay không?
  • Các khoản tồn kho: Liệu có khoản tồn kho nào có thể bán bớt hoặc thanh lý để tạo thêm dòng tiền hay không?
  • Các khoản phải trả: Có thể thương lượng với các nhà cung cấp để cùng nhau vượt qua khó khăn do đại dịch hay không?
  • Các chi phí khác: Những chi phí nào thực sự cần thiết phải chi ngay, những chi phí nào chưa cần thiết có thể chuyển sang kỳ kế tiếp, và các khoản chi nào không cần thiết có thể loại bỏ?
  • Các khoản đầu tư ngoài ngành: Doanh nghiệp đang có những khoản đầu tư nào không thuộc kinh doanh cốt lõi, và trong đó có khoản nào có thể thoái vốn để bổ sung dòng tiền tức thì cho doanh nghiệp hay không?

Nếu doanh nghiệp đã tận dụng các nguồn tài chính nội tại nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn, các treasurer sẽ phải tích cực làm việc lại với các đối tác cho vay như ngân hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp đã đi vay hết hạn mức thì treasurer sẽ có nhiệm vụ tìm các giải pháp tài chính thay thế khác ngoài ngân hàng.

Bên cạnh đó, các treasurer cũng cần đánh giá lại thời hạn của các khoản vay. Trong thời kỳ biến động, chu kỳ vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ dài hơn. Các khoản phải thu sẽ lâu hơn và không thể đáp ứng kịp thời cho các khoản nợ đến hạn. Do đó, treasurer cũng cần tích cực làm việc lại với bên cho vay để cơ cấu lại thời hạn của các khoản nợ trên cơ sở chu kỳ kinh doanh mới.

Chức năng chính của treasury

Nhìn chung, treasury có chức năng như một “người giữ cửa”, quản lý các dòng tiền vào - ra nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì hoạt động. Các chức năng này có thể được đảm nhiệm bởi một phòng ban hoặc chỉ một người duy nhất, tùy thuộc vào quy mô và độ phức tạp trong cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp. Các chức năng chính của treasury bao gồm:

  • Cash management - Quản trị tiền, gồm: Dự báo dòng tiền, quản lý thanh khoản.
  • Debt management - Quản trị nợ, gồm: Xác định và tinh chỉnh cấu trúc vốn, quản trị xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp.
  • Working capital management - Quản trị vốn lưu động, gồm: quản trị các hệ số vốn lưu động và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Risk management - Quản trị rủi ro.
  • Report and advisory - Báo cáo và khuyến nghị, gồm: chuẩn bị các báo cáo cho ban quản trị và đề xuất các chiến lược cần thực hiện.
Quản trị rủi ro
Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tác động bất lợi mà rủi ro đó mang lại.
Các chức năng chính của treasury. Nguồn: ảnh chụp từ slide buổi hội thảo.

Theo khảo sát toàn cầu của PwC Global Treasury Survey, có 5 chủ đề quan trọng được các treasurer quan tâm nhiều nhất đó là:

  1. Cash forecasting - dự báo về dòng tiền;
  2. Working capital: quản lý vốn lưu động đến từ ba khoản mục chính: khoản phải thu, phải trả, và hàng tồn kho.
  3. Cash and liquidity management: quản lý tiền và thanh khoản, bao gồm các dự báo về dòng tiền và các nguồn tiền nào có thể sử dụng để bổ sung nguồn vốn khi công ty thiếu tiền;
  4. Technology and digital innovation: các dữ liệu tài chính có được cập nhật realtime cho các nhà quản trị công ty hay không. Việc này sẽ phụ thuộc nhiều vào các hệ thống ERP, hệ thống banking và các công cụ khác mà doanh nghiệp đang sử dụng.
  5. Banking: mối quan hệ giữa công ty và các bên cho vay.

Bên cạnh các công việc chính, treasurer cũng cần phải tạo mối quan hệ với các bộ phận trong doanh nghiệp và những đối tác bên ngoài. Chẳng hạn như phòng kế toán, IT, nhân sự, và các đối tác bên ngoài như ngân hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp,...

Nguồn: ảnh chụp từ slide buổi hội thảo.

Hoạt động thực tế của bộ phận treasury của một tập đoàn

Dưới đây là chia sẻ về hoạt động treasury của một khách hàng mà PwC có tham gia tư vấn. Khách hàng này là một tập đoàn có quy mô hoạt động ở nhiều quốc gia. Do đó bộ phận treasury được thiết kế để quản trị nguồn ngân quỹ tập trung trên toàn tập đoàn. Bộ phận treasury sẽ đảm nhiệm 5 nhiệm vụ chính như sau:

Thứ nhất, quản trị tiền và thanh khoản: Các dòng tiền chủ yếu được giữ lại để trang trải cho các hoạt động kinh doanh chính, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, thay vì phân bổ cho các hoạt động đầu tư như trước đây.

Hơn nữa khách hàng này cũng đang tích cực làm việc với các ngân hàng để nhận diện “cash visibility” - khả năng hiển thị tiền mặt. Cash visibility được cập nhật hằng ngày sẽ giúp doanh nghiệp biết được lượng tiền mặt thực có trên quy mô toàn hệ thống, kể cả bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, về chính sách quản trị rủi ro: nếu trước đây việc quản lý rủi ro được thực hiện một cách thận trọng thì hiện nay họ chuyển sang chiến lược quản lý linh hoạt. Tất nhiên, sẽ có một số đánh đổi. Ví dụ có những khoản phải thu từ phía nhà phân phối trước đây đều được thanh toán ngay. Nhưng trong tình trạng khó khăn doanh nghiệp sẽ cân nhắc các phương án trả chậm để hỗ trợ đối tác, đồng thời vẫn hạn chế được rủi ro cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về funding - tài trợ vốn: Khách hàng là một tập đoàn đa quốc gia, nên việc ra các quyết định quan trọng đến các công ty con ở các quốc gia khác nhau đòi hỏi bộ phận treasury phải nắm được thông tin chính xác về tình hình tài chính trên toàn bộ tập đoàn. Treasury phải biết được tiền đang nằm ở bộ phận nào, tại quốc gia nào, từ đó mới có chiến lược phân bổ phù hợp.

Thứ tư, theo dõi các khoản nợ: bao gồm quản lý các chỉ số nợ, chỉ số vốn lưu động, đặc biệt là các khoản nợ với ngân hàng. Các khoản nợ với ngân hàng cần phải được theo dõi theo từng vùng. Vì ngân hàng đóng vai trò là đối tác cung cấp nguồn vốn chính, nên việc đảm bảo khoản nợ ngân hàng được thanh toán đúng hạn sẽ đảm bảo cho nguồn tài trợ này không bị đứt gãy trong giai đoạn khó khăn.

Thứ năm, theo dõi xếp hạng tín nhiệm: vì đây là tập đoàn lớn nên các đánh giá tín dụng sẽ có vai trò quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vay vốn. Do đó bộ phận treasury cũng cần phải tích cực theo dõi xếp hạng, làm việc với các tổ chức đánh giá tín nhiệm để đảm bảo tập đoàn không bị hạ bậc xếp hạng.

Từ các chia sẻ của chuyên gia, có thể thấy quản trị nguồn vốn đang đóng vai trò khá quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp sống sót và phục hồi qua thời kỳ biến động. ProFin hy vọng qua những thông tin từ bài viết này sẽ giúp quý độc giả trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược quản trị nguồn vốn một cách hiệu quả.

Xem thêm nội dung khác trong chuỗi bài viết "Cash is king" tại đây.
Theo: A.K / ProFin