Accelerator Program là gì?

...

Accelerator program còn được gọi là chương trình tăng tốc khởi nghiệp hạt giống, là một chương trình chuyên hỗ trợ các startup trong giai đoạn đầu.

Accelerator Program

Nội dung chính

Accelerator program thường có một thời gian biểu được định trước, kéo dài từ 3-6 tháng.

Các startup tham gia cùng bắt đầu chương trình vào một ngày nhất định và cùng kết thúc chương trình vào “Demo day”, được ví là ngày tốt nghiệp của các startup.

Mỗi accelerator program khác nhau cũng sẽ có một chương trình hỗ trợ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh việc làm sao để giúp nâng cao năng lực của người sáng lập, giúp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của công ty lên gấp nhiều lần so với thông thường.

Accelerator program là gì?

Các chương trình tăng tốc khởi nghiệp thường có thời gian cố định, được tổ chức định kỳ với mục đích hỗ trợ các startup ở giai đoạn early stage bằng cách cung cấp các buổi đào tạo, cố vấn và nguồn vốn. Mục đích chính của chương trình là thúc đẩy các startup sau khi đã qua giai đoạt hạt giống, đã định hình sản phẩm, dịch vụ có thể đi đến bước tiếp theo với tốc độ nhanh và hiệu quả nhất.

Accelerator program có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, có thể là một chương trình được tổ chức bởi các công ty lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nhóm các nhà đầu tư thiên thần, được dùng để sàng lọc startup trước khi đầu tư nhiều tiền hơn vào đó.

Cách accelerator program hoạt động

Trong suốt chương trình kéo dài từ 3-6 tháng, những người sáng lập sẽ được cung cấp sự hỗ trợ tối đa như các cố vấn, là những chuyên gia trong ngành hay những người đi trước, không gian làm việc chung, dịch vụ pháp lý, khả năng tiếp cận những người có ảnh hưởng trong ngành, và cả các nhà đầu tư tiềm năng.

Accelerator program thường có một thời gian biểu được định trước. Ví dụ trong một chương trình accelerator program của Ycombinator (“YC”) sẽ diễn ra 2 đợt, thường kéo dài 3 tháng. Đợt 1 từ tháng giêng đến tháng 3 và đợt 2 từ tháng 6 đến tháng 8. Các startup tham gia cùng bắt đầu chương trình vào một ngày nhất định và cùng kết thúc chương trình vào “Demo day”, được ví là ngày tốt nghiệp của các startup. Trong ngày này, các nhà sáng lập startup sẽ phải hoàn thành bài thuyết trình về doanh nghiệp của mình với một nhóm những nhà đầu tư khách mời. Nếu may mắn, họ có thể nhận được lời mời hợp tác từ các nhà đầu tư. Ngày "demo" được cho là cơ hội vàng cho startup bởi các nhà đầu tư không cho nhiều cơ hội.

Để tham gia chương trình, startup cần lọt qua vòng thẩm định sau khi nộp đơn đăng ký. Với những chương trình lớn, số lượng startup được nhận có thể lên đến 55 đến 100 startup trong một đợt. Tuy nhiên, phần lớn các accelerator program thường chỉ dừng ở con số 10 - 15 startup. Tiêu chí sàng lọc trong vòng thẩm định thường tập trung vào các startup đã trải qua giai đoạn hạt giống, đã định hình sản phẩm và được thị trường đón nhận. Sau khi vượt qua sàng lọc, các startup được nhận sẽ được cung cấp một khoản vốn đầu tư ban đầu để đổi lấy khoảng 7%-10% cổ phần trong công ty. Khoản tiền này có thể được dùng để trang trải cho các chiến lược được đưa ra trong suốt quá trình đào tạo bởi các cố vấn.

Những điều startup được nhận  trong suốt chương trình

Mỗi accelerator program khác nhau cũng sẽ có một chương trình hỗ trợ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh việc làm sao để giúp nâng cao năng lực của người sáng lập, từ đó đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của công ty lên gấp nhiều lần so với thông thường. Sau đây hãy cùng tham khảo chương trình hỗ trợ của Ycombinator, được cho là accelerator program đầu tiên trên thế giới.

Đầu tiên, sau khi vượt qua vòng sàng lọc, các startup sẽ được phân thành nhiều nhóm nhỏ, được dẫn dắt bởi các cố vấn, những người tư vấn trực tiếp cho startup trong suốt chương trình. Nội dung cố vấn sẽ tùy thuộc vào những vấn đề mà startup đang gặp phải và hướng giải quyết.

Trong thời gian đầu, YC sẽ tổ chức một loạt các buổi workshop kéo dài 3 ngày. Các chủ đề thường xoay quanh “SEO cho người mới khởi nghiệp”, “Cách tiếp cận thị trường, làm thế nào để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị trường đó”. Trong khoảng thời gian còn lại, những người sáng lập có thể tập trung vào việc xây dựng công ty dưới sự hỗ trợ của các cố vấn. Ngoài ra, định kỳ hằng tuần, YC còn tổ chức một buổi hội thảo với khách mời là những người nổi tiếng từ thế giới khởi nghiệp, như các founders từ Airbnb, Stripe, Doordash và Ginkgo Bioworks, với chủ đề thường là những gì đã xảy ra trong những ngày đầu khởi nghiệp của họ.

Khi startup đã tìm ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp và muốn tung ra thị trường, YC cũng sẽ giúp founder trong việc ra mắt sản phẩm đó với người dùng và truyền thông.

Vào “ngày tốt nghiệp” - demo day, YC cũng sẽ giúp startup tăng hiệu quả pitch bằng cách thận trọng xếp loại các nhà đầu tư, và cung cấp các thông tin quý giá này cho founder. Thậm chí, trong những tuần sau đó, nếu startup may mắn được một nhà đầu tư nhắm đến, YC cũng sẽ giúp họ trong việc đàm phán bằng cách đưa ra ý kiến cố vấn để giải mã các điều khoản mơ hồ có chủ đích.

Những accelerator program nổi tiếng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mặc dù vẫn chưa có nhiều accelerators program để lựa chọn, nhưng cơ bản đã có những chương trình tăng tốc có chất lượng, có thể kể đến như:

Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator - VIISA)

Được thành lập vào tháng 1 năm 2017 bởi FPT Ventures và Dragon Capital, VIISA là một chương trình tăng tốc và cung cấp vốn cho startup giai đoạn sớm của Việt Nam. Sau nhiều đợt đào tạo, đã có 35 startup “tốt nghiệp” với một số cái tên nổi bật như Medigo, UrBox, WisePass, VDes, BoxShop, EcomEasy, TripHunter. Các startup này đã tạo ra hơn 450 việc làm và huy động được tổng cộng 5 triệu USD  từ các nhà đầu tư khác.

Chương trình huấn luyện khởi nghiệp Topica Founder Institute (“TFI”)

TFI là chương trình huấn luyện khởi nghiệp ở Việt Nam với sự hợp tác giữa Tập đoàn Topica EdTech và Founder Institute - Chương trình khởi nghiệp nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Khóa huấn luyện của TFI kéo dài khoảng 14 đến 15 tuần. Tại đây, founder sẽ được tiếp cận và nắm bắt những kiến thức về SEO, phát triển sản phẩm hoặc kỹ năng về tài chính bao gồm quản lý vốn, kế toán, quản trị nhân lực, xây dựng mô hình kinh doanh,... Các cố vấn của TFI là các CEO của những đơn vị tên tuổi như VNG, IDG Ventures Vietnam, Vatgia, DFJ Vinacapital, Cyberagent Ventures, Vietnamworks,.... Đến nay sau hơn 8 năm hoạt động, TFI đã cho tốt nghiệp hơn 70 startup, gọi vốn được hơn 30 triệu USD, tổng định giá hơn 150 triệu USD.

SK Startup Fellowship

SK Group là tập đoàn lớn thứ hai tại Hàn Quốc với 107 công ty con, hoạt động toàn cầu tại hơn 40 quốc gia. SK Group tập trung vào các mảng Petroleum/gas, ICT/semiconductor, và Logistics/Services. Từ năm 2018, SK Group đã chính thức đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ lớn: 1 tỷ USD vào Vingroup, hơn 1,2 tỷ USD vào Masan Group và các công ty thành viên, và 30 triệu USD để hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Hà Nội. Kể từ năm 2020, SK Group đã trực tiếp điều hành SK Startup Fellowship, thể hiện cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Thông tin cơ bản về SK Startup Fellowship Program:

  • Startup mục tiêu: Startups ở giai đoạn hậu hạt giống.
  • Số lượng startups/đợt: 12 Startups phù hợp nhất.
  • Thời lượng chương trình: khoảng 8 tháng, trải dài từ tháng 2 đến tháng 10.

Một số giá trị mà Startups nhận được khi tham gia:

  • Chương trình tùy chỉnh cho từng Startup thông qua hỗ trợ của SK.
  • Mỗi Startup nhận được $20.000, top 4 Startup tốt nhất được nhận thêm $30.000.
  • Được kết nối trong một cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh bền vững.
  • Hoàn toàn miễn phí cho các startup tham gia.
  • Các cố vấn từ các “cựu sinh viên” đã từng tốt nghiệp chương trình. Một số cựu sinh viên nổi bật là các founders đến từ Evable, Ecomobi, Logivan, Luxstay, MindX,..
Các cố vấn của SK Startup Fellowship ProgramNguồn: skstartupfellowship.vn