Cannibalize là gì?

...
Cannibalize

Cannibalize hay Cannibalization dịch theo nghĩa đen là “ăn thịt đồng loại” hoặc “tự gặm chân mình”.

💡
Nội dung chính Thuật ngữ này được áp dụng trong kinh doanh để mô tả một doanh nghiệp tự làm mất đi doanh thu của mình.

Xét về tổng thể, cannibalize không làm tăng doanh thu của công ty vì người dùng chỉ có xu hướng chuyển dịch từ sản phẩm cũ sang dùng sản phẩm mới.

Riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh - FMCG, các chuyên gia cho rằng cannibalize lại chính là “sự nguy hiểm cần thiết”.

Cannibalize là gì?

Cannibalize hay Cannibalization dịch theo nghĩa đen là “ăn thịt đồng loại”. Thuật ngữ này được áp dụng trong kinh doanh để mô tả một doanh nghiệp tự tước đoạt đi doanh thu của mình. Cụ thể, khi một công ty ra mắt sản phẩm mới hoặc mở cửa hàng mới và thành công thu hút được sự chú ý của khách hàng, từ đó làm giảm đi doanh thu từ sản phẩm cũ hoặc cửa hàng cũ.

Trong ngắn hạn, cannibalize không làm tăng tổng doanh thu của công ty vì người dùng chỉ có xu hướng chuyển dịch từ sản phẩm cũ sang dùng sản phẩm mới.

Nguyên nhân hiện tượng cannibalize

Nhìn chung, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp đưa ra các chiến lược có thể gây tổn hại đến mình là nhằm đạt được lợi ích lớn hơn. Ví dụ:

  • Doanh nghiệp tự tin vào lợi ích từ sản phẩm mới, cửa hàng mới có thể giúp gia tăng thị phần nhanh chóng và giúp cạnh tranh với doanh nghiệp khác.
  • Doanh nghiệp chấp nhận đánh đổi sự sụt giảm doanh thu trong ngắn hạn để hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu, lôi kéo khách hàng.
  • Nhiều nhà bán lẻ truyền thống chuyển sang bán online trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này làm giảm lượng khách hàng đến các cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, kênh mua sắm trực tuyến sẽ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, giúp tăng doanh số bán hàng.

Tác động đến doanh nghiệp

Trong ngắn hạn, cannibalize thường có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vì các chi phí liên quan đến sản phẩm mới thường cao. Tuy nhiên nếu xem xét một cách cẩn trọng hơn, nó có thể đem lại hiệu ứng tích cực bằng cách đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, khi khách hàng có nhu cầu giảm cân, hãng Coca-cola đã tung ra các sản phẩm lành mạnh như không đường, không calo. Việc này khiến cho doanh thu sản phẩm truyền thống bị giảm sút, nhưng hãng sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần của đồ uống giảm cân - ít béo.

Riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh - FMCG, các chuyên gia cho rằng cannibalize lại chính là “sự nguy hiểm cần thiết”. FMCG - Fast Moving Consumer Goods – là ngành có quy mô thị trường lớn nhất hiện nay, gồm 4 lĩnh vực lớn là các sản phẩm gia dụng, sản phẩm ăn uống, đồ chăm sóc sức khoẻ cơ bản và đồ tiêu dùng cá nhân. Ngành này có thị trường lớn và hệ thống phân phối rộng, sức ép cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Hơn nữa, thị hiếu người tiêu dùng cũng liên tục thay đổi. Do đó các doanh nghiệp kinh doanh FMCG bị một áp lực rất lớn phải liên tục đổi mới mình để tồn tại. Điều này đồng nghĩa việc phải liên tục đưa ra các sản phẩm mới theo thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời các chương trình khuyến mãi, giảm giá, mở mới cửa hàng cũng được thực hiện liên tục để giữ chân khách hàng và gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Vì thế hiệu ứng cannibalize xảy ra như một điều tất yếu và không thể tránh khỏi.

Ví dụ thực tiễn

Apple là doanh nghiệp điển hình thường xuyên “tự ăn thịt mình”.

Steve Jobs cũng đã từng nói như sau: “If you don’t cannibalize yourself, someone else will” - Tạm dịch: Nếu bạn không thể tự “ăn thịt” chính mình, thì đối thủ của bạn sẽ làm điều đó. Kể từ năm 2006, dù doanh số bán iPod vẫn đang tăng và chiếm 50% doanh thu của Apple, nhưng Steve Jobs vẫn quyết định tung ra điện thoại iPhone đầu tiên. Không lâu sau đó, danh thu của iPod đã bị thay thế hoàn toàn bởi iPhone. Kết quả cuối cùng của chiến dịch này như chúng ta đã biết. Iphone ngày nay đã trở thành dòng điện thoại bán chạy hàng đầu trên thế giới. Mặc dù đã chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh nhưng Apple không dừng lại ở đó. Bằng chứng là mỗi năm công ty đều tung ra thị trường các sản phẩm mới cao cấp hơn.