Chi phí cố định là gì?

...

Chi phí cố định được hiểu là loại chi phí không thay đổi theo sự tăng, giảm quy mô sản xuất hoặc doanh số bán hàng của doanh nghiệp.

Chi phí cố định
💡
Chi phí cố định là chi phí không thay đổi khi tăng hoặc giảm quy mô sản xuất.

Chi phí cố định được phân làm chi phí cố định bắt buộc và chi phí cố định không bắt buộc.

Chi phí cố định giúp doanh nghiệp xác định chi phí đầu vào của sản phẩm, từ đó ước lượng doanh thu để đạt điểm hòa vốn.

Trong một doanh nghiệp tồn tại rất nhiều loại chi phí. Đây đều là khoản tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra cho các mục đích khác nhau. Vì thể để thuận tiện hơn trong quản trị, các loại chi phí này được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Một trong những cách phổ biến để phân loại chi phí là phân loại dựa trên mối liên hệ giữa chi phí và quy mô sản xuất. Theo đó, chi phí dựa trên tiêu chí này sẽ được phân thành chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Chi phí cố định được xác định là loại chi phí không thay đổi khi tăng hoặc giảm khối lượng sản xuất. Trong khi chi phí biến động thì lại tăng giảm theo khối lượng đơn vị sản xuất.

Các chi phí cố định phổ biến trong doanh nghiệp bao gồm: chi phí khấu hao tài sản cố định,  chi phí tiền lương cho cán bộ quản lý, chi phí quảng cáo khuyến mãi, chi phí bảo hiểm, v.v…

Chi phí biến đổi
Chi phí biến đổi là loại chi phí thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động của doanh nghiệp, thường là theo khối lượng sản xuất.

Có mấy loại chi phí cố định?

Theo góc độ quản lý, chi phí cố định được phân làm hai loại: chi phí cố định bắt buộc (định phí bắt buộc) và chi phí cố định không bắt buộc (định phí không bắt buộc).

Chi phí cố định bắt buộc được xem là chi phí không thể cắt bỏ được của doanh nghiệp. Thường là các chi phí được dùng cho các hoạt động có liên quan tới máy móc thiết bị, nhà xưởng và các cấu trúc tổ chức hoạt động cơ bản của một doanh nghiệp.

Chi phí cố định không bắt buộc là những loại chi phí phát sinh từ những chính sách hằng năm của lãnh đạo doanh nghiệp. Mục đích chính nhằm để đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Chúng thường không có mối liên hệ rõ ràng với các hoạt động sản xuất hay bán hàng của doanh nghiệp như chi phí quảng cáo, chi phí nghiên cứu và phát triển…

Ngoài ra trong trường hợp đặc biệt, chi phí cố định còn có thêm một loại là chi phí cố định cấp bậc (step-fixed costs).

Chi phí cố định cấp bậc là chi phí cố định không thay đổi theo mức độ hoạt động trong một phạm vi phù hợp. Tuy nhiên nếu mức độ hoạt động thay đổi, tăng lên hay giảm xuống vượt qua phạm vi này thì chi phí cố định cũng sẽ thay đổi theo.

Ví dụ khi khi nhu cầu thị trường tăng lên, doanh nghiệp cần phải sản xuất nhiều hàng hóa hơn, điều này dẫn đến máy móc thiết bị hiện tại không còn đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nữa. Vì thế chủ doanh nghiệp ra quyết định mua thêm máy móc thiết bị để tăng sản lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc mua thêm máy móc thiết bị này đã làm tăng chi phí cố định.

Đồ thị minh họa Chi phí cố định theo cấp bậc

Ý nghĩa của việc xác định chi phí cố định

Chi phí cố định ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ. Do vậy, xác định được tổng chi phí cố định giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các hoạt động, từ đó sản xuất ra được lượng sản phẩm hoặc dịch vụ ở mức cao nhất, tương ứng với mức chi phí cố định đã bỏ ra.

Các nhà phân tích, nhà đầu tư cũng dựa vào các chi phí cố định để so sánh các doanh nghiệp với nhau. Tuy nhiên các doanh nghiệp ở những ngành khác nhau sẽ có cơ cấu chi phí khác nhau. Như đối với ngành sản xuất, chi phí cố định chiếm phần lớn tổng chi phí của doanh nghiệp, trong khi các ngành dịch vụ lại thường có chi phí cố định chiếm tỷ trọng thấp hơn. Do đó khi so sánh chi phí cố định, các chuyên viên phân tích sẽ so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành với nhau để kết quả phân tích được chính xác hơn.