Chính sách tiền tệ là gì?

...

Chính sách tiền tệ là các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương (“NHTW”) để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô, như tăng trưởng bền vững, ổn định giá cả và giảm thất nghiệp.

Chính sách tiền tệ
💡
Chính sách tiền tệ được chia làm 2 loại: Chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Thông qua chính sách tiền tệ NHTW có thể kiểm soát được hệ thống tiền tệ để từ đó kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, ổn định sức mua của đồng tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện tốt chính sách tiền tệ, NHTW thường sử dụng 3 công cụ sau đây: nghiệp vụ thị trường mở (Open market operation - OMO), lãi suất chiết khấu và dự trữ bắt buộc.

Chính sách tiền tệ (tiếng Anh là Monetary Policy) là các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương (“NHTW”) để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng bền vững, ổn định giá cả và giảm thất nghiệp.

Vai trò của chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết lượng tiền lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế. Thông qua chính sách tiền tệ NHTW có thể kiểm soát được hệ thống tiền tệ để từ đó kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, ổn định sức mua của đồng tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác chính sách tiền tệ còn là công cụ để kiểm soát toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Phân loại chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ được chia làm 2 loại: Chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chính sách tiền tệ mở rộng

Chính sách tiền tệ mở rộng còn được gọi là chính sách tiền tệ nới lỏng, là chính sách mà NHTW mở rộng mức cung tiền lớn hơn mức bình thường cho nền kinh tế. Các  dấu hiệu của chính sách tiền tệ mở rộng gồm: giảm lãi suất hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cung tiền, tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hoặc mua ở trên thị trường mở. Thông qua các kênh này, tiền sẽ chảy đến tiêu dùng, sản xuất và đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế đang bị suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Chính sách tiền tệ thắt chặt

Chính sách tiền tệ thắt chặt hay còn gọi là chính sách tiền tệ thu hẹp, là chính sách mà NHTW tác động nhằm giảm bớt mức cung tiền trong nền kinh tế. Các dấu hiệu của chính sách thắt chặt được kể đến như: tăng lãi suất, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm cung tiền, giảm tỷ lệ tăng trưởng và bán ở trên thị trường mở thì thông qua cách này, tiền sẽ rút ra khỏi tiêu dùng, sản xuất và thị trường chứng khoán. Kết quả , hệ quả đó là thị trường chứng khoán giảm.

Thông thường chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế của một quốc gia đã có sự phát triển thái quá, lạm phát ngày càng gia tăng. Do đó chính sách tiền tệ thắt chặt được coi là chính sách tiền tệ chống lạm phát.

Các công cụ của chính sách tiền tệ

Công cụ của chính sách tiền tệ chủ yếu được dùng để điều chỉnh mức cung tiền như:

Nghiệp vụ thị trường mở (Open market operation - OMO)

Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động NHTW mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường (trái phiếu chính phủ), nhằm mục đích điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.

Ví dụ: Khi FED mua trái phiếu chính phủ, tiền được đưa thêm vào lưu thông. Tiền lưu thông tăng khiến lãi suất giảm xuống và chi tiêu, vay ngân hàng sẽ gia tăng. Ngược lại, khi FED bán ra trái phiếu chính phủ, tác động sẽ diễn ra ngược lại. Tiền rút bớt khỏi lưu thông, khan hiếm tiền sẽ làm tăng lãi suất dẫn đến vay nợ từ ngân hàng khó khăn hơn.

Dự trữ bắt buộc

Đây là tỉ lệ giữa lượng tiền cần phải dự trữ so với tổng số tiền huy động. NHTW sẽ quy định cụ thể về mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải chấp hành. Nếu NHTW tăng tỷ lệ dự trữ bắt buôc, khi đó số tiền mà các ngân hàng được phép cho vay sẽ giảm đi, làm giảm lượng cung tiền.

Lãi suất chiết khấu

Các ngân hàng vay tiền từ NHTW để phục vụ cho các nhu cầu ngắn hạn. Lãi suất mà NHTW ấn định cho các khoản vay này gọi là lãi suất chiết khấu.

Khi NHTW tăng lãi suất chiết khấu sẽ hạn chế các ngân hàng thương mại vay tiền tại NHTW. Từ đó làm giảm mức cung tiền trong nền kinh tế.

Tái cấp vốn

Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của NHTW nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các tổ chức tín dụng, thông qua các hình thức như cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá, chiết khấu giấy tờ có giá,...