Điểm hòa vốn là gì?

...

Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó doanh nghiệp đạt được mức doanh thu bằng với tổng chi phí bỏ ra.

Điểm hòa vốn
💡
Trong kinh doanh, điểm hòa vốn là điểm mà doanh nghiệp đạt được mức doanh thu bằng với tổng chi phí bỏ ra.

Trong đầu tư, điểm hòa vốn là điểm mà giá thị trường của tài sản bằng với giá trị mua ban đầu của tài sản đó cộng thêm các chi phí giao dịch.

Việc xác định điểm hòa vốn giúp doanh nghiệp ước lượng được mục tiêu doanh thu cần đạt được để bắt đầu có lãi.

Điểm hòa vốn (Break-even point - viết tắt là BEP) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đầu tư và kinh doanh. Trong lĩnh vực đầu tư, điểm hòa vốn là điểm mà tại đó giá thị trường của tài sản bằng với giá trị mua ban đầu của tài sản cộng thêm các chi phí giao dịch.

Trong lĩnh vực  kinh doanh, điểm hòa vốn là điểm mà tại đó doanh nghiệp đạt được mức doanh thu vừa đủ để chi trả các chi phí. Chi phí này bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Mục tiêu xác định điểm hòa vốn nhằm giúp cho doanh nghiệp ước lượng được doanh thu, hay mức sản lượng sản phẩm/dịch vụ tối thiểu cần bán ra với mức giá xác định là bao nhiêu để bắt đầu có lợi nhuận.

Phân loại

Khi xem xét điểm hòa vốn, người ta phân biệt ra hai trường hợp là điểm hòa vốn kinh tế và điểm hòa vốn tài chính.

Điểm hòa vốn kinh tế

Là điểm tại đó doanh thu bằng tổng chi phí sản xuất kinh doanh (gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi, trong đó chưa tính đến chi phí lãi vay). Tại điểm hòa vốn kinh tế, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của doanh nghiệp bằng 0.

Điểm hòa vốn tài chính

Là điểm tại đó doanh thu bằng tổng chi phí sản xuất kinh doanh và lãi vay vốn kinh doanh phải trả. Tại điểm hòa vốn tài chính, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp bằng 0.

Điểm hòa vốn được xác định như thế nào?

Điểm hòa vốn được xác định bởi 2 phương trình:

Phương trình doanh thu:

Doanh thu = Số lượng hàng bán x Giá bán trên mỗi đơn vị

Phương trình chi phí:

Tổng chi phí = Chi phí cố định + (Chi phí biến đổi x Số lượng hàng bán)

Trong đó:

  • Chi phí cố định (Fixed cost): là những phần chi phí kinh doanh không thay đổi theo quy mô sản xuất như chi phí khấu hao, thuế và các loại chi phí chung.
  • Chi phí biến đổi (Variable cost): dùng để chỉ các loại chi phí có xu hướng thay đổi cùng với quy mô sản lượng. Nó là khoản tiền trả cho các nhân tố biến đổi như nguyên liệu, lao động v.v...

Theo định nghĩa về điểm hòa vốn, tại đó "Doanh thu = Tổng chi phí", do đó ta được:

Doanh thu = Tổng chi phí

⇔ Số lượng hàng bán x Giá bán trên mỗi đơn vị = Chi phí cố định + (Chi phí biến đổi x Số lượng hàng bán)

⇔ Số lượng hàng bán = Chi phí cố định / (Giá bán trên mỗi đơn vị - Chi phí biến đổi)

Như vậy với công thức trên, doanh nghiệp sẽ xác định được với giá bán này doanh nghiệp cần phải bán bao nhiêu đơn vị sản phẩm để có thể đạt được điểm hòa vốn.

Ví dụ về tính điểm hòa vốn

Xác định điểm hòa vốn của một doanh nghiệp sản xuất đồ lưu niệm thủ công. Quản lý doanh nghiệp cho biết  giá bán và các chi phí dự kiến trong năm như sau:

Giá bán dự kiến: 120.000 đồng / sản phẩm.

Chi phí dự kiến:

  • Chi phí mặt bằng: 120.000.000 đồng/năm.
  • Tiền lương cho thợ thủ công: 20.000 đồng/sản phẩm.
  • Chi phí nguyên vật liệu: 60.000 đồng/sản phẩm.

Để xác định điểm hòa vốn ta cần xác định:

Chi phí cố định = Chi phí mặt bằng = 120.000.000 đồng.

Chi phí biến đổi = Tiền lương thợ thủ công + Chi phí nguyên vật liệu = 60.000 + 20.000 = 80.000 đồng/sản phẩm.

Từ các dữ kiện trên, ta có thể tính được số lượng sản phẩm cần bán để đạt được điểm hòa vốn như sau:

Q = Chi phí cố định / (Giá bán trên mỗi đơn vị - Chi phí biến đổi).

= 120.000.000 / (120.000 - 80.000) = 3.000 sản phẩm.

Như vậy để đạt được điểm hòa vốn, doanh nghiệp phải bán được 3.000 sản phẩm trong một năm. Tương đương mức 250 sản phẩm mỗi tháng tháng với giá 120.000 đồng/sản phẩm.