Exit strategies là gì?

...

Exit strategies hay “chiến lược rút lui” là kế hoạch thoát khỏi một khoản đầu tư của chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Exit strategies
💡
Khi một khoản đầu tư hay công việc kinh doanh trở nên kém hiệu quả, một chiến lược rút lui cho phép nhà đầu tư ngăn chặn các tổn thất lớn hơn có thể xảy ra.

Chiến lược rút lui cũng có thể được thực hiện khi một khoản đầu tư hoặc một dự án khởi nghiệp đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.

Chiến lược rút lui cũng là một trong số những yếu tố quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư mạo hiểm trước khi ra quyết định đầu tư vào startup.

Exit strategies hay “chiến lược rút lui” là kế hoạch thoát khỏi một khoản đầu tư của chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Bản chất

Chiến lược rút lui có thể được thực hiện trong cả hai tình huống kinh doanh thuận lợi hoặc khó khăn. Khi một khoản đầu tư hay công việc kinh doanh trở nên kém hiệu quả, một chiến lược rút lui cho phép nhà đầu tư ngăn chặn các tổn thất lớn hơn có thể xảy ra.

Chiến lược rút lui cũng có thể được thực hiện khi một khoản đầu tư hoặc một dự án khởi nghiệp đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Ví dụ, một nhà đầu tư thiên thần trong một công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu có thể hoạch định chiến lược rút lui tại các vòng gọi vốn tăng trưởng trong tương lai. Trong trường hợp này, việc rút lui giúp nhà đầu tư thu về lợi nhuận.

Chiến lược rút lui của công ty khởi nghiệp

Trong doanh nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp thường lên kế hoạch rút lui trong trường hợp hoạt động kinh doanh không đạt được hiệu quả như kế hoạch đề ra. Chiến lược rút lui cũng là một trong số những yếu tố quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư mạo hiểm trước khi ra quyết định đầu tư vào startup. Các chiến lược rút lui mà doanh nghiệp thường nhắm tới gồm:

IPO - Chào bán cổ phần ra công chúng

Đây từng là chiến lược được yêu thích và là mục tiêu mơ ước của hầu hết công ty khởi nghiệp. Thông thường các công ty sẽ được nâng giá trị vốn hóa lên nhiều lần và trở thành startup kỳ lân sau khi IPO thành công. Tuy nhiên rất hiếm công ty khởi nghiệp đạt được thành công này.

Chuyển giao (Pass On)

Chuyển giao thường xảy ra với các công ty gia đình. Tại đó quyền quản lý sẽ được giao cho thế hệ tiếp theo trong gia đình.

M&A

Các công ty khởi nghiệp nổi bật thường sẽ nhận được đề nghị mua lại bởi những công ty lớn hơn. Đây có thể là một tình huống đôi bên cùng có lợi, vì các công ty lớn thường bỏ ra số tiền khổng lồ để mua các startup đang phát triển với mục đích bổ sung tài nguyên hay phát triển một mảng kinh doanh mới.

Đối với các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp được mua lại, họ có thể thu về một khoản tiền khổng lồ để nghỉ hưu sớm hoặc bắt đầu xây dựng một startup mới. Hay họ sẽ nhận được một vị trí công việc tốt hơn tại công ty đã mua lại doanh nghiệp của họ. Đây cũng là cách các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook thường dùng để có nhân tài.

Quản lý hoặc nhân viên mua lại (Management or Employee Buyout)

Đây là trường hợp những người quản lý hay nhân viên đang làm việc trong doanh nghiệp mua lại vốn góp từ chủ sở hữu và trở thành cổ đông của công ty. Vì đã có thời gian dài gắn bó với doanh nghiệp nên họ sẽ là lựa chọn tốt nhất dẫn lèo lái công ty.

Thanh lý và giải thể

Đây là một chiến lược rút lui cuối cùng mà các lãnh đạo công ty nghĩ đến, khi không còn sự lựa chọn nào khác. Thanh lý thường diễn ra khi công ty làm ăn thất bại dẫn đến phải bán tất cả tài sản và đóng cửa vĩnh viễn. Sau khi bán tất cả tài sản, tiền thu về sẽ được ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ, sau đó mới đến lượt các cổ đông. Do đó trong trường hợp này cổ đông có thể sẽ ra đi tay trắng nếu số tiền thanh lý chỉ đủ để trả nợ.

Chiến lược rút lui trong đầu tư

Trong đầu tư chứng khoán, dù là nhà đầu tư cơ bản hay đầu cơ đều có các chiến lược rút lui cho cả hai kịch bản lời và lỗ. Có thể hiểu chiến lược rút lui là một trong các biện pháp quản lý rủi ro trong giao dịch, giúp loại bỏ cảm xúc và tăng cường hiệu quả đầu tư. Chiến lược rút lui trong giao dịch chia lại hai loại: Chiến lược chốt lời - Take Profit - viết tắt là T/P, và dừng lỗ - Stop Loss - viết tắt là S/L.