Giá trị cộng hưởng là gì?

...

Cộng hưởng là khái niệm cho rằng giá trị và hiệu suất của hai công ty khi được kết hợp với nhau sẽ lớn hơn tổng của từng công ty nếu hoạt động riêng biệt.

Giá trị cộng hưởng
Giá trị cộng hưởng là mục tiêu mà các bên trong thương vụ M&A kỳ vọng đạt được.

Giá trị cộng hưởng có thể được phân thành ba loại chính, gồm: cộng hưởng doanh thu, cộng hưởng chi phí và cộng hưởng tài chính. Một thương vụ M&A có thể nhắm đến một hoặc cả ba loại trên.

Đôi khi giá trị cộng hưởng cũng có thể được nhìn thấy trong các hoạt động quan hệ đối tác của các công ty. Hai công ty có thể tạo ra giá trị cộng hưởng đơn giản chỉ bằng cách kết hợp các sản phẩm hoặc thị trường.

Thuật ngữ “cộng hưởng” (synergy), có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp - “sunergos”, có nghĩa là “làm việc cùng nhau”.

Theo Investopedia, giá trị cộng thưởng là khái niệm cho rằng giá trị và hiệu suất kết hợp của hai công ty sẽ lớn hơn tổng của từng công ty nếu chúng hoạt động riêng lẻ. Đây là một khái niệm được sử dụng phổ biến trong các thương vụ M&A. Giá trị cộng hưởng - đạt được thông qua việc kết hợp các công ty - thường là động lực thúc đẩy các bên trong thương vụ sáp nhập, hợp nhất.

Các loại giá trị cộng hưởng

Giá trị cộng hưởng có thể được phân thành ba loại chính, gồm: cộng hưởng doanh thu, cộng hưởng chi phí và cộng hưởng tài chính. Cộng hưởng doanh thu dẫn đến doanh thu cao hơn cho công ty kết hợp, cộng hưởng chi phí dẫn đến giảm thiểu và tối ưu chi phí, cộng hưởng tài chính dẫn đến tình hình tài chính được cải thiện tổng thể, chẳng hạn như lãi vay, thuế thấp hơn. Một thương vụ M&A có thể nhắm đến một hoặc cả ba loại trên.

Giá trị cộng hưởng chi phí - revenue synergies

Giá trị cộng hưởng chi phí đề cập đến việc sau khi kết hợp hai công ty lại với nhau, công ty mới có thể tận dụng và phân phối lại nguồn lực sử dụng cho việc sản xuất - kinh doanh sao có hiệu quả đạt được là tối ưu. Ví dụ như cả hai công ty đều có bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, công việc của hai bộ phần này gần như tương đồng nhau. Do đó bộ phận nhân sự có thể được cắt giảm bớt để giảm thiểu chi phí vận hành.

Thông thường, hiệp lực chi phí đạt được thông qua:

  • Giảm chi phí lương. Khi hai công ty hợp nhất, rất có thể họ sẽ không cần hai vị trí nhân sự giống hệt nhau. Do vậy không khó để thấy sau khi một thương vụ M&A hoàn tất thường kèm theo hàng loạt các quyết định thay đổi nhân sự.
  • Tài nguyên được chia sẻ. Giá trị cộng hưởng cho phép các công ty nhỏ hơn tiếp cận tài nguyên, công nghệ hiện đại hơn từ công ty lớn, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm mà vẫn giữ nguyên chất lượng.
  • Tối ưu các quy trình có thể giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì chúng có khả năng làm cho công ty mới hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng cũng có thể được cải thiện, do quy mô công ty mở rộng nên có lợi thế đàm phán hơn với các nhà cung cấp.

Ví dụ: Việc sáp nhập Exxon và Mobil vào năm 1998 đã tạo ra công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Họ hợp nhất các quy trình sản xuất của mình, điều này cho phép họ cắt giảm nhiều nhà máy lọc dầu và khoảng 2.400 trạm dịch vụ. Ngoài ra, khoảng 16.000 nhân viên đã bị sa thải. Theo ước tính, giá trị cộng hưởng về chi phí của thương vụ này lên đến hơn 5 tỷ USD.

Giá trị cộng hưởng doanh thu - revenue synergies

Giá trị cộng hưởng doanh thu dựa trên giả định rằng hai công ty kết hợp lại có thể tạo ra doanh thu cao hơn so với từng công ty đơn lẻ. Có thể có nhiều ví dụ về sự cộng hưởng doanh thu trong M&A, nhưng phổ biến nhất vẫn từ bán chéo, giảm cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Cũng cần lưu ý rằng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc nắm đạt được giá trị cộng hưởng về doanh thu có thể mất nhiều thời gian hơn so với các loại còn lại. Bởi để đạt được sự tăng trưởng về doanh thu, các công ty sau khi kết hợp phải mất một khoảng thời gian để thực hiện tái cấu trúc, triển khai các chiến lược, quy trình bán hàng mới,...

Ví dụ: Việc Disney mua lại Pixar vào năm 2006 thường được coi là một ví dụ điển hình về giá trị cộng hưởng doanh thu. Vào thời điểm đó, doanh thu của Disney là 33,7 tỷ USD. Đến năm 2011, chúng tăng lên thành 40,89 tỷ USD. Giá trị cộng hưởng này được cho là đến từ các yếu tố sau:

  • Nguồn lực của Disney cho phép Pixar liên tục phát hành và phân phối các bộ phim cực kỳ nổi tiếng.
  • Các sản phẩm ăn theo nhân vật của Pixar, như mô hình đồ chơi Buzz Lightyear có thể được bán trên hệ thống cửa hàng Disney trên toàn cầu.
  • Các nhân vật của Pixar cũng được quảng bá qua các công viên giải trí của Disney.

Cộng hưởng tài chính - financial synergies

Cộng hưởng tài chính đề cập đến thương vụ sáp nhập, hợp nhất sẽ tạo ra lợi ích về thuế, tăng khả năng vay nợ và giảm chi phí vốn.

Đầu tiên là lợi ích về thuế, bên mua có thể giảm thuế phải nộp đối với thu nhập tổng hợp bởi hai công ty sau khi hoàn tất thương vụ. Điều này có thể do công ty mục tiêu được hưởng chính sách ưu đãi thuế, hoặc do việc trích lập khấu hao cao hơn do kết hợp tài sản của công ty mục tiêu, hoặc do hợp nhất báo cáo tài chính với công ty mục tiêu đang thua lỗ.

Thứ hai, tăng khả năng vay nợ. Nếu một công ty nhỏ đến ngân hàng đề nghị vay vốn, ngân hàng do e ngại về khả năng trả nợ của công ty nên có thể cho vay với mức lãi suất cao cùng với các điều khoản nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu công ty này sáp nhập với một công ty nhỏ khác, nó sẽ tạo ra một thực thể mới có quy mô lớn hơn. Dòng tiền, doanh thu và thu nhập sau khi kết hợp cũng trở nên ổn định hơn. Với kết quả đó, ngân hàng có thể cho công ty mới này vay vốn với lãi suất thấp, kèm theo các điều kiện ít nghiêm ngặt hơn.

Thứ ba, giảm chi phí vốn. Chi phí vốn thấp hơn do giảm chi phí vốn chủ hữu. Điều này thường xảy ra khi một công ty lớn, có chi phí vốn chủ sở hữu cao, mua lại một công ty nhỏ hơn có chi phí vốn chủ sở hữu thấp hơn.

Chi phí sử dụng vốn
Chi phí sử dụng vốn (Cost of Capital) là tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư hoặc chủ nợ đối với số vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Cộng hưởng tiêu cực

Nhìn chung, giá trị cộng hưởng thường được hiểu với ý nghĩa tích cực. Nhưng cũng giống như sự kết hợp hoàn hảo là mục tiêu của một thương vụ M&A lý tưởng, thì một thương vụ M&A cũng có thể trở nên tiêu cực nếu hai công ty không ăn khớp với nhau. Do vậy, trái ngược với cộng hưởng tích cực, giá trị cộng hưởng được cho là tiêu cực nếu sau khi thương vụ hoàn tất, nó không thể đạt được các lợi ích từ sự kết hợp, như tăng doanh thu, tối ưu chi phí hay cải thiện tình hình tài chính.

Ví dụ điển hình cho cộng hưởng tiêu cực là thương vụ công ty thực phẩm khổng lồ Quaker Oats mua thương hiệu nước ngọt Snapple với giá 1,7 tỷ USD vào năm 1994. Lý do chính khiến thỏa thuận này không đạt được giá trị cộng hưởng vì hai công ty đang bán sản phẩm của họ ở những kênh khác nhau. Quaker Oats ở các siêu thị lớn, Snapple ở các cửa hàng nhỏ hoặc trạm xăng. Sau khi nhận thấy các nhà phân phối của Snapple thu phí cao so với bình thường, Quaker nhanh chóng tìm cách chấm dứt các hợp đồng phân phối này, và chuyển các sản phẩm của Snapple vào trong các siêu thị và các chuỗi cửa hàng lớn. Điều này được giới phân tích cho là không phù hợp với sản phẩm của Snapple. Kết quả, sau 28 tháng kinh doanh không hiệu quả, Quaker đã phải bán lại Snapple cho Triarc với giá 300 triệu USD.

Giá trị cộng hưởng bên ngoài M&A

Đôi khi giá trị cộng hưởng cũng có thể được nhìn thấy trong các hoạt động quan hệ đối tác của các công ty. Hai công ty có thể tạo ra giá trị cộng hưởng đơn giản chỉ bằng cách kết hợp các sản phẩm hoặc thị trường. Ví dụ rõ nét nhất là mô hình “phân phối bảo hiểm qua ngân hàng” - bancassurance. Trong mô hình này, công ty bảo hiểm và các ngân hàng sẽ hợp tác với nhau. Trong đó ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng của mình để bán sản phẩm bảo hiểm cho công ty bảo hiểm, đồng thời thực hiện một số dịch vụ khác như thu phí bảo hiểm. Đổi lại công ty bảo hiểm sẽ trả hoa hồng và các khoản phí cho ngân hàng theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Với cách làm này, ngân hàng có thể có thêm nguồn thu thông qua phí hoa hồng từ bán bảo hiểm, phí dịch vụ thanh toán bảo hiểm,... Công ty bảo hiểm cũng có thể tận dụng tệp khách hàng của ngân hàng để bán thêm sản phẩm, tăng doanh thu.


Nguồn tham khảo:

  1. https://www.investopedia.com/terms/s/synergy.asp
  2. https://kinhtevimo.vn/gia-tri-cong-huong-la-gi-gia-tri-cong-huong-them-trong-ma/#:~:text=C%E1%BB%99ng%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20l%C3%A0%20kh%C3%A1i%20ni%E1%BB%87m,nh%E1%BA%A5t%20trong%20b%E1%BB%91i%20c%E1%BA%A3nh%20M%26A.
  3. https://sanmuabandoanhnghiep.vn/article/gia-tri-cong-huong-trong-thuong-vu-m_a-450.html
  4. https://dealroom.net/blog/types-of-synergies-in-mergers-and-acquisitions-with-examples#:~:text=synergies%20early%20on.-,Types%20of%20Synergies,behind%20most%20mergers%20and%20acquisitions.