Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là gì?

...

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là một chỉ số tài chính, được hiểu là số tiền mà cổ đông nhận được cho mỗi cổ phiếu phổ thông trong trường hợp doanh nghiệp phá sản và phải thanh lý toàn bộ tài sản.

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu
💡
Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu thể hiện số tiền còn lại mà cổ đông nhận được cho mỗi cổ phiếu phổ thông nếu doanh nghiệp thanh lý toàn bộ tài sản.

Nếu giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu cao hơn giá giao dịch trên thị trường, thì cổ phiếu của doanh nghiệp có thể đang bị đánh giá thấp.

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu có thể được sử dụng để tính chỉ số P/B, là thành phần quan trọng trong phương pháp định giá P/B.

Giả định rằng trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hay phá sản, và bị buộc phải thanh lý toàn bộ tài sản. Số tiền thanh lý tài sản sẽ được dùng để chi trả theo thứ tự cho: (1) các khoản nợ có bảo đảm, (2) các khoản nợ không có bảo đảm, (3) cổ đông có cổ phần ưu đãi, (4) cuối cùng là cổ đông có cổ phần phổ thông.

Giá trị sổ sách của doanh nghiệp là giá trị còn lại mà cổ đông nhận được nếu doanh nghiệp phải thanh lý toàn bộ tài sản. Giá trị này được chia đều cho mỗi cổ phiếu phổ thông, và được gọi là giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (tiếng Anh: Book Value per Share - BVPS).

Cách tính giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) được tính theo công thức sau:

BVPS=Tổng tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Tổng nợ – Giá trị cổ phiếu ưu đãi
Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành

Vì tổng tài sản trừ đi tổng nợ sẽ bằng với giá trị Vốn chủ sở hữu, nên công thức này có thể được viết lại như sau:

BVPS=Vốn chủ sở hữu - Giá trị tài sản vô hình - Giá trị cổ phiếu ưu đãi
Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành

Các số liệu tổng tài sản, tổng nợ, vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản vô hình có thể được tìm thấy trong Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành = Số lượng cổ phiếu phổ thông đã phát hành - Số lượng cổ phiếu quỹ

Trong phép tính trên, giá trị tài sản vô hình bị trừ ra khỏi tổng tài sản vì chúng khó có thể thanh lý một cách dễ dàng. Việc này giúp chỉ số phản ánh đúng hơn tình hình giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Ví dụ về tính chỉ số BVPS

Tính chỉ số BVPS của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu: HVN) vào cuối năm 2020 với các số liệu sau:

  • Tổng tài sản: 62.562 tỷ đồng.
  • Tài sản cố định vô hình: 224 tỷ đồng.
  • Nợ phải trả: 56.490 tỷ đồng.
  • Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 1,418 tỷ cổ phiếu.
  • Số lượng cổ phiếu quỹ: 0 cổ phiếu.
  • Số lượng cổ phiếu ưu đãi: 0 cổ phiếu.

BVPS = (Tổng tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ - Giá trị cổ phiếu ưu đãi)/Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

= (62.562 tỷ đồng - 224 tỷ đồng - 56.490 tỷ đồng)/1,418 tỷ cổ phiếu = 4.124 đồng/cổ phiếu.

Ý nghĩa

BVPS giúp xác định lợi ích mà các cổ đông nhận được với giả định doanh nghiệp bị phá sản và tài sản bị thanh lý.

BVPS được dùng làm mẫu số để tính toán chỉ số P/B, có ứng dụng trong việc:

  • Xác định giá mà thị trường sẵn sàng chi trả đang cao hơn hay thấp hơn giá trị sổ sách (hay giá trị cơ bản) của doanh nghiệp.
  • Là tham số trong phương pháp định giá cổ phiếu theo P/B.

Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm:

  • Giúp các cổ đông xác định được giá trị cơ bản của doanh nghiệp, từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp.
  • Đơn giản và dễ tính toán, các số liệu cần thiết để tính toán chỉ số đều có trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
  • Có thể dùng để định giá các doanh nghiệp đang thua lỗ mà các phương pháp khác như P/E hay phương pháp chiết khấu dòng tiền không làm được.

Hạn chế:

  • Chỉ số BVPS chỉ tính toán giá trị tài sản hữu hình mà không tính giá trị tài sản vô hình. Đây có thể là giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, bằng sáng chế,…. Điều này có thể sẽ không phản ánh đúng giá trị các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thiên về tài sản vô hình, ví dụ như các công ty công nghệ.
  • Giá trị tài sản trên Báo cáo tài chính có thể không phản ánh đúng giá thị trường của tài sản. Ví dụ như đối các tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn còn trong thời gian sử dụng vẫn có thể được thanh lý.
  • Sử dụng P/B để định giá sẽ không đánh giá được triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Vì thế phương pháp này nên được kết hợp với các phương pháp định giá khác như P/E hay chiết khấu dòng tiền để có kết quả chính xác nhất.