Giá vốn hàng bán là gì?

...

Giá vốn hàng bán là giá trị vốn của hàng hóa đã được tiêu thụ trong một kỳ cụ thể (theo tháng, quý hoặc năm).

Giá vốn hàng bán
💡
Giá vốn hàng bán là giá vốn của các hàng hóa đã được bán trong một kỳ xác định.

Giá vốn hàng bán được trừ vào doanh thu bán hàng để tính lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận gộp. Giá vốn hàng bán cao hơn dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn.

Giá trị của giá vốn hàng bán sẽ thay đổi tùy thuộc vào các chuẩn mực kế toán được sử dụng để tính toán.

Giá vốn hàng bán ("Cost of Goods Sold" - "COGS"), được hiểu là giá vốn của sản phẩm đã được tiêu thụ trong một kỳ nhất định. Giá vốn này là toàn bộ chi phí nhập hàng, sản xuất và các chi phí liên quan trực tiếp khác để có được hàng hóa sẵn sàng bán ra.

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau về giá vốn hàng bán, cụ thể:

  • Với những doanh nghiệp thương mại: doanh nghiệp nhập các sản phẩm sẵn về bán, giá vốn bao gồm chi phí từ lúc mua hàng từ nhà cung cấp, chi phí vận chuyển hàng hóa về kho lưu trữ, thuế, bảo hiểm hàng hóa.
  • Với những doanh nghiệp sản xuất: doanh nghiệp sản xuất trực tiếp ra sản phẩm thì chi phí sẽ nhiều hơn doanh nghiệp thương mại bởi có thêm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công trực tiếp để sản xuất ra thành phẩm.

Mục đích của việc tính giá vốn hàng bán

Mục đích cơ bản của việc tìm giá vốn hàng bán là để tính giá vốn thực tế của hàng hóa đã bán trong kỳ. Từ đó xác định doanh nghiệp thu được bao nhiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bằng cách tính lợi nhuận gộp.

Lợi nhuận gộp được tính bằng cách loại giá vốn hàng bán ra khỏi doanh thu, giá vốn hàng bán càng cao thì lợi nhuận gộp thu được càng giảm. Điều này sẽ giúp các chủ doanh nghiệp thực hiện hai việc:

  • Theo dõi và kiểm soát các chi phí tác động lên giá vốn, từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh.
  • So sánh chi phí này cao hơn hay thấp hơn các đối thủ cùng ngành, từ đó xác định doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hay không.

Cách tính giá vốn hàng bán

Giá vốn hàng bán được tính dựa trên giá trị của tổng lượng hàng tồn kho mà doanh nghiệp đã bán ra trong kỳ. Do đó, giá vốn hàng bán được xác định như sau:

Giá vốn hàng bán = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ - Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

Tuy nhiên, khi tính toán giá vốn hàng bán trong thực tế, công thức này có nhiều sự thay đổi tùy vào mỗi phương pháp tính trong kế toán.

Các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

Có 3 phương pháp tính giá trị hàng tồn kho được áp dụng theo quy định hiện hành, đó là: Phương pháp thực tế đích danh, phương pháp bình quân gia quyền và phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO).

Phương pháp thực tế đích danh được sử dụng cho các doanh nghiệp có ít chủng loại hàng hóa hoặc kinh doanh các mặt hàng ổn định và dễ nhận diện. Hai phương pháp còn lại sẽ phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh đa dạng chủng loại hàng hóa.

Phương pháp thực tế đích danh

Theo phương pháp này, khi xuất kho, hàng hóa xuất kho thuộc lô nào sẽ căn cứ vào đơn giá (hay giá vốn) của lô đó để xác định giá vốn thực tế của hàng hóa.

Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.

Phương pháp bình quân gia quyền

Theo phương pháp này, giá trung bình của tổng hàng hóa trong kho (bất kể ngày nhập) sẽ được sử dụng để định giá hàng hóa bán ra.

Để xác định giá vốn hàng bán, cần tính đơn giá bình quân cả kỳ sau đó lấy đơn giá này nhân với số lượng hàng hóa được bán trong kỳ.

Đơn giá bình quân cả kỳ=Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ
Số lượng hàng tồn kho đầu kỳ + Số lượng hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ

Phương pháp nhập trước xuất trước (First in, first out - FIFO)

Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.

Theo phương pháp này, giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.

Ví dụ về tính giá vốn hàng bán

Một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa là bột mì, tồn kho đầu kỳ là 300 kg, đơn giá nhập kho thực tế là 20.000 đồng/kg.

  • Ngày 1: nhập thêm 500kg, với giá 21.000 đồng/kg;
  • Ngày 10: bán ra 560 kg;
  • Ngày 15: nhập thêm 200kg, đơn giá 25.000 đồng/kg.
  • Số lượng hàng đã bán ra trong kỳ: 560kg.
  • Tồn kho còn lại: 440kg.

Tính giá vốn hàng bán theo từng phương pháp.

Phương pháp thực tế đích danh

Được biết, đơn hàng 560 kg bột mì được bán vào ngày 5 bao gồm: 200kg của hàng tồn kho đầu kỳ và 360kg được nhập vào ngày 1.

Giá vốn hàng bán = 200kg x 20.000 vnđ/kg + 360kg x 21.000 vnđ/kg = 11.560.000 vnđ

Phương pháp bình quân gia quyền

Trước tiên, ta tính giá trung bình của hàng hóa theo công thức sau:

Đơn giá bình quân cả kỳ = (Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ) / (Số lượng hàng kho tồn đầu kỳ + Số lượng hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ)

= (300kg x 20.000 vnđ/kg + 500kg x 21.000 vnđ/kg + 200kg x 25.000 vnđ/kg) / (300kg + 500kg + 200 kg) = 21.500 vnđ/kg.

Giá vốn hàng bán = Đơn giá bình quân x Số lượng hàng đã bán =  21.500 x 560 = 12.040.000 vnđ

Phương pháp nhập trước xuất trước

Theo phương pháp FIFO, 300kg hàng tồn kho đầu kỳ được nhập trước, do đó đơn giá của lô hàng này sẽ được ưu tiên tính vào giá vốn hàng bán, kế đến là đơn giá hàng tồn kho được nhập vào ngày 1.

Do đó, giá vốn hàng bán cho 560 kg bột mì sẽ được tính như sau:

Giá vốn hàng bán = 300kg x 20.000 vnđ/kg + 260kg x 21.000 vnđ/kg = 11.460.000 vnđ.