Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là gì?

...

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là những yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe người tiêu dùng, môi trường, an ninh...

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại
💡
Hàng rào kỹ thuật là những quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu.

Hàng rào kỹ thuật là những quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu.

Hàng rào kỹ thuật được chia thành: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của một loại hàng hóa với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Để áp dụng hàng rào kỹ thuật, các quốc gia thành viên WTO phải tuân thủ các nguyên tắc được đề ra trong hiệp định TBT.

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barrier to Trade, viết tắt: TBT) hay rào cản kỹ thuật thương mại, là những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng có thể là những quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các quy chuẩn kỹ thuật đó.

Các biện pháp này được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước khỏi các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, các biện pháp này cũng sẽ làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế hàng hóa nhập khẩu của các nước khác.

Hàng rào kỹ thuật có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường nội địa. Do đó chúng còn được gọi là “rào cản kỹ thuật đối với thương mại”.

Các loại hàng rào kỹ thuật

Theo hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (Hiệp định TBT), hàng rào kỹ thuật được chia làm 3 loại:

  • Quy chuẩn kỹ thuật (technical regulations) là những yêu cầu kỹ thuật có giá trị áp dụng bắt buộc (các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ).
  • Tiêu chuẩn kỹ thuật (technical regulations) là các yêu cầu về mặt kỹ thuật được một tổ chức được công nhận chấp thuận, nhưng không có giá trị bắt buộc, ví dụ như tiêu chuẩn ISO của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa.
  • Quy trình đánh giá sự phù hợp của một loại hàng hóa với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật (conformity assessment procedure).

Các nguyên tắc khi áp dụng hàng rào kỹ thuật

Hiệp định TBT đề ra các nguyên tắc chính là: không phân biệt đối xử, không cản trở thương mại, công khai minh bạch về các biện pháp kỹ thuật mà các nước sử dụng, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế, thừa nhận các kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định chất lượng của nhau.

Nguyên tắc không phân biệt đối xử được xem là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất. Nguyên tắc này được hiểu là không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nhau cho hàng hóa tương tự đến từ các nước thành viên khác nhau của WTO, và không đặt ra các biện pháp kỹ thuật cho hàng hóa nước ngoài cao hơn so với hàng hóa tương tự trong nước.

Các loại hàng hóa thường được áp dụng hàng rào kỹ thuật

  • Máy móc thiết bị: Các công cụ lắp ráp và xây dựng chạy điện, Các thiết bị chế biến gỗ và kim loại, Thiết bị y tế, Thiết bị chế biến thực phẩm.
  • Các sản phẩm tiêu dùng: Dược phẩm, Mỹ phẩm, Bột giặt tổng hợp, Đồ điện gia dụng, Đầu máy video và tivi, Thiết bị điện ảnh và ảnh, Ôtô, Đồ chơi, Thực phẩm.
  • Nguyên liệu và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp: Phân bón, Thuốc trừ sâu, Các hóa chất độc hại.

Câu hỏi thường gặp

Q: Các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế thông dụng hiện nay do các tổ chức nào ban hành?

A: Các tổ chức ban hành các tiêu chuẩn thông dụng nhất hiện nay là:

  • Tiêu chuẩn ISO do Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ban hành.
  • Tiêu chuẩn IEC do Uỷ ban Kỹ thuật Điện tử quốc tế ban hành.
  • Tiêu chuẩn ITU do Liên đoàn viễn thông quốc tế ban hành.
  • Tiêu chuẩn CODEX do Uỷ ban dinh dưỡng ban hành.