Hàng tồn kho là gì?

...

Hàng tồn kho là một loại tài sản lưu động của doanh nghiệp, bao gồm những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra để bán hoặc là những nguyên vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm.

Hàng tồn kho
💡
Hàng tồn kho là một loại tài sản lưu động được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Hàng tồn kho được phân thành năm loại chính: nguyên liệu thô, bán thành phẩm, thành phẩm, vật liệu đóng gói và hàng tồn kho MRO.

Trong quản lý hàng tồn kho, các doanh nghiệp luôn cố gắng kiểm soát giá trị hàng tồn kho ở mức vừa phải để tối ưu hiệu quả hoạt động.

Hàng tồn kho ("Inventory") là một loại tài sản lưu động được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Đây thường là những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra để bán hoặc là những nguyên vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm.

Các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khác nhau sẽ có cơ cấu hàng tồn kho khác nhau. Trong các doanh nghiệp thương mại, hàng tồn kho chủ yếu là hàng hóa mua về để bán. Trong doanh nghiệp sản xuất, hàng tồn kho thường sẽ là: nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, sản phẩm dở dang và thành phẩm.

Phân loại hàng tồn kho

Nguyên liệu thô (Raw Material) là những nguyên vật liệu mà doanh nghiệp sử dụng để tạo ra sản phẩm.

Bán thành phẩm (Work-in-process -WIP) là những sản phẩm chỉ mới hoàn thành được một hoặc một số công đoạn (trừ công đoạn cuối cùng) của quá trình sản xuất.

Thành phẩm (Finished Goods) là sản phẩm hoàn chỉnh nhưng chưa được bán ra bên ngoài.

Vật liệu đóng gói (Packing Material) là hàng tồn kho được sử dụng cho mục đích đóng gói hàng hóa. Đóng gói hàng hóa bao gồm đóng gói sơ cấp và đóng gói thứ cấp. Đóng gói sơ cấp chính là việc đóng gói mà thiếu bước này, hàng hóa không sử dụng được. Đóng gói thứ cấp là việc đóng gói để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa.

Hàng tồn kho MRO. MRO là viết tắt của bảo trì (maintenance), sửa chữa (repair), và điều hành nguồn cung cấp (operating supplies). MRO là hàng tồn kho thường ở dạng vật tư được dùng để hỗ trợ việc tạo ra sản phẩm hoặc duy trì hoạt động kinh doanh. MRO có thể là dầu bôi trơn, bu lông, đai ốc dùng để đảm bảo không có sự gián đoạn với các chuyền sản xuất.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 (VAS-02) về hàng tồn kho, hàng tồn kho được phân thành 3 loại:

Hàng tồn kho được giữ để bán, bao gồm: hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi trên đường, hàng hóa gửi đi gia công chế biến, thành phẩm, hàng hóa gửi đi bán.

Hàng tồn kho đang trong quá trình sản xuất dở dang, bao gồm: sản phẩm chưa hoàn thành (sản phẩm đang chế tạo hoặc bán thành phẩm), sản phẩm đã hoàn thành nhưng chưa được làm thủ tục nhập kho thành phẩm và chi phí dịch vụ dở dang.

Hàng tồn kho là nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.

Hàng tồn kho và giá vốn hàng bán

Hàng tồn kho là cơ sở cho việc toán giá vốn hàng bán (COGS), từ đó xác định được lợi nhuận gộp từ việc bán hàng. Giá vốn hàng bán cũng chính là giá trị của hàng tồn kho được xuất bán ra trong kỳ kế toán.

Có bốn phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, đó là:

  • Phương pháp thực tế đích danh;
  • Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO);
  • Phương pháp nhập sau xuất trước (LIFO);
  • Phương pháp bình quân gia quyền.

Tầm quan trọng của việc quản lý hàng tồn kho

  • Để tối ưu hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp luôn cố gắng kiểm soát giá trị hàng tồn kho ở mức vừa đủ.
  • Nếu giá trị hàng tồn kho quá cao, sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí như lưu kho, bảo quản, hư hỏng, và đặc biệt là tồn đọng vốn lưu động. Điều này làm gia tăng chi phí giá thành, lợi nhuận bị ảnh hưởng và doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh về giá trên thị trường.
  • Nếu tồn kho ở mức quá thấp sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất, khách hàng. Điều này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.