Hiệp định thương mại tự do là gì?

...

Hiệp định thương mại tự do là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản thương mại, đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các thành viên với nhau.

Hiệp định thương mại tự do
💡
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một thỏa thuận giữa các thành viên nhằm loại bỏ các rào cản thương mại.

Các rào cản thương mại gồm có rào cản thuế quan, rào cản phi thuế quan và hạn ngạch.

Các thành viên của FTA có thể là Quốc gia (như Việt Nam, Thái Lan,...) hay khu vực thuế quan độc lập (như liên minh Châu Âu).

Mục tiêu chính mà FTA hướng đến là tự do hóa thương mại giữa các thành viên.

Hiện có nhiều cách hiểu về các Hiệp định thương mại tự do. Theo cách hiểu chung nhất thì một Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản thương mại giữa các thành viên với nhau.

FTA có thể mang nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ Hiệp định Đối tác Kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại Khu vực (Regional Trade Agreement)… nhưng bản chất đều là các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các thành viên.

Phạm vi “thương mại” trong các FTA được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh sinh lời, trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương mại (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường…).

Xem thêm: Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết tại đây.

Các rào cản thương mại

Rào cản thương mại (Trade barriers) hay còn gọi là hạn chế nhập khẩu (import restrictions) là những biện pháp mà chính phủ áp dụng nhằm hạn chế lượng hàng nhập khẩu. Các biện pháp này bao gồm thuế quan, hàng rào phi thuế quan và hạn ngạch.

Thuế quan (Tariffs) là thuế đánh vào hàng hóa khi di chuyển qua cửa khẩu của một quốc gia.

Hàng rào phi thuế quan (Non-tariff barriers) là những rào cản hạn chế thương mại thông qua các biện pháp khác ngoài việc áp thuế trực tiếp. Hàng rào phi thuế quan có thể bao gồm các biện pháp như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất, chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, hoặc là các biện pháp trợ cấp của Chính phủ cho các nhà sản xuất trong nước nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa.

Hạn ngạch (Quota) là giới hạn tối đa về khối lượng (hoặc giá trị) hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong một khoảng thời gian xác định (thường là một năm).

Thành viên của FTA

Thành viên của các FTA có thể là các Quốc gia (ví dụ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ,…) hoặc các khu vực thuế quan độc lập (ví dụ Liên minh châu Âu). Vì vậy, thông thường khi nói tới thành viên FTA, người ta hay dùng từ chung là “nền kinh tế”.

Phân loại FTA

FTA song phương: là FTA giữa 2 đối tác, ví dụ FTA giữa Việt Nam với Chi lê (VCFTA), giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA).

FTA đa phương: là FTA giữa 3 thành viên trở lên, ví dụ FTA giữa Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA).

FTA khu vực: được phân thành hai loại:

  • FTA giữa nhiều thành viên trong cùng một khu vực. Ví dụ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN giữa 10 nước trong khu vực ASEAN (AFTA), hay HIệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương;
  • FTA trong đó có một bên là tổ chức tập hợp nhiều nền kinh tế, ví dụ các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... (còn gọi là ASEAN+).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc phân loại này không thật sự rõ ràng. Ví dụ, FTA giữa Liên minh Châu Âu (EU, bao gồm 27 nước thành viên) hoặc FTA giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU, bao gồm 05 nước thành viên) với Việt Nam có thể được coi là FTA khu vực, cũng có thể được xem là FTA song phương (tùy vào việc nhìn nhận EU hay EAEU là một khối thống nhất hay tập hợp nhiều nền kinh tế).