Hội chứng sợ tiền là gì?

...

Nhiều người trong chúng ta đều thích tiền, và cảm thấy lo lắng khi thiếu chúng. Tuy nhiên, có một số ít người có nỗi sợ khá phi lý, đó là sợ tiền.

Hội chứng sợ tiền
💡
Hội chứng sợ tiền có tên khoa học là Chrometophobia, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “chrimata”, nghĩa là tiền, và “phobos”, nghĩa là sợ hãi.

Một người mắc hội chứng sợ tiền thường cảm thấy bất an khi phải đối diện, hay nghĩ đến các trường hợp phải chi tiêu tiền.

Hiện chưa có tác nhân nào được cho là nguyên nhân chính gây ra hội chứng sợ tiền. Tuy nhiên, trải nghiệm đau thương về tài chính và yếu tố di truyền được cho là có liên quan mật thiết đến việc mắc hội chứng này.

Hội chứng sợ tiền có tên khoa học là Chrometophobia. Cái tên này được cho là bắt nguồn tiếng Hy Lạp “chrimata”, nghĩa là tiền, và “phobos”, nghĩa là sợ hãi. Chrometophobia là một nỗi sợ khá phi lý có liên quan đến tiền bạc. Một người đang trải qua hội chứng này thường sẽ cảm thấy sợ hãi,n cảm thấy khó chịu khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Thậm nỗi sợ xuất hiện  ngay cả khi họ chỉ nghĩ đến tiền.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ tiền

Hiện chưa có tác nhân nào được cho là nguyên nhân chính gây ra hội chứng sợ tiền. Tuy nhiên, theo bác sĩ Daramus, một nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách “Hiểu về chứng rối loạn lưỡng cực” cho biết hội chứng sợ tiền thường xuất hiện ở những người từng phải đối diện với khó khăn trầm trọng về tài chính. Trải nghiệm này khiến họ bị tổn thương về tâm lý, dẫn đến nỗi sợ khi gặp các vấn đề tương tự.

Các yếu tố di truyền cũng có thể là một trong các nguyên nhân. Một người có thể dễ dàng mắc chứng sợ tiền nếu có những người khác trong gia đình mắc hội chứng này.

Biểu hiện

Giống như hầu hết các hội chứng về ám ảnh sợ hãi khác, cảm giác lo lắng trước một tác nhân nào đó sẽ là dấu hiệu chính. Một người mắc hội chứng sợ tiền thường cảm thấy bất an khi phải đối diện, hay nghĩ đến các trường hợp phải chi tiêu tiền. Nỗi sợ này cũng xuất hiện khi họ chứng kiến người khác chi tiền một cách phù phiếm.

Để giảm thiểu cảm giác sợ hãi, người mắc chứng sợ tiền thường thực hiện những hành động khác nhau, như liên tục đếm tiền để đảm bảo; cũng có những người sợ và tránh chạm vào tiền, nói về tiền hoặc thậm chí nghĩ về nó. Trong một số trường hợp, nỗi sợ này còn lan rộng sang các tài sản giá trị cao, như trang sức, kim cương, siêu xe,...

Ảnh hưởng của hội chứng sợ tiền

Ngoài cảm giác bất an và mệt mỏi do phải đối diện với các nỗi sợ về tài chính thường nhật, việc lảng tránh các chi tiêu cần thiết cũng gây ra xáo trộn trong đời sống của người mắc hội chứng này. Cụ thể, việc tránh chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, điện, nước hay bảo dưỡng nhà có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Các vấn đề sức khỏe cũng phát sinh khi họ hạn chế các chi tiêu cho y tế như khám chữa bệnh. Các mối quan hệ trong đời sống xã hội cũng bị ảnh hưởng do họ tránh những cuộc hẹn, họp mặt, vì sợ phải chi tiêu tốn kém. Cuối cùng là các vấn đề pháp lý có thể phát sinh khi họ thường xuyên không thanh toán các hóa đơn đến hạn.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán

Bác sĩ Daramus cho biết, một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ như bác sĩ trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần có thể chẩn đoán chứng sợ tiền của khách hàng thông qua các câu hỏi. Cụ thể, các chuyên gia sẽ xác định xem các triệu chứng và hành vi của khách hàng có đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán trong “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần - DSM” hay không. Một số tiêu chí chẩn đoán các chứng ám ảnh được liệt kê gồm:

  • Cảm thấy sợ hãi một cách quá mức hoặc vô lý khi đối mặt với một đối tượng hoặc tình huống nhất định;
  • Không thể ứng phó với nỗi sợ hãi và hầu như luôn cảm thấy lo lắng hoặc hoảng sợ khi gặp phải tình huống đó;
  • Nhận ra rằng phản ứng của mình là thái quá nhưng không thể làm gì được;
  • Lảng tránh tiếp xúc với một tình huống cụ thể, hoặc cố chịu đựng nó với sự lo lắng và khổ sở;
  • Sự sợ hãi, lo lắng, đau khổ và né tránh ảnh hưởng đáng kể đến khả năng duy trì cuộc sống hàng ngày, công việc, học tập, các mối quan hệ và hoạt động nói chung;
  • Nỗi sợ hãi là dai dẳng và đã kéo dài hơn sáu tháng;
  • Các triệu chứng và hành vi không phải do tình trạng sức khỏe tâm thần khác gây ra.

Điều trị

Mặc dù vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra hội chứng sợ tiền, tuy nhiên hội chứng này vẫn có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Theo bác sĩ Daramus, hầu hết các phương pháp điều trị các hội chứng về nỗi sợ đều được dựa trên “liệu pháp nhận thức - hành vi”. Hình thức trị liệu này giúp người bệnh phát hiện đâu là những suy nghĩ phi lý và những hành vi có vấn đề do hội chứng ám ảnh gây ra. Từ đó có thể giúp họ hạn chế chúng, đồng thời phát triển các suy nghĩ và hành vi lành mạnh để chống lại chứng sợ hãi.

Trong các liệu pháp nhận thức - hành vi, “liệu pháp tiếp xúc” được cho là phù hợp nhất. Cụ thể, các nhà trị liệu từ từ để bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ hãi của họ trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù phương pháp này có thể khiến bệnh nhân lo lắng và căng thẳng, nhưng nó sẽ giúp họ trở nên vô cảm dần với các tác nhân gây nên nỗi sợ. Đến khi tiếp xúc với nó trong tương lai, nó sẽ ít ảnh hưởng hơn đến họ. Tuy nhiên cường độ tiếp xúc phải được tính toán kỹ để tránh gây các tổn hại nặng hơn đến tinh thần bệnh nhân. Do đó liệu pháp này cần được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Ngoài ra việc thực hành các kỹ năng giúp quản lý lo âu như thiền và chánh niệm cũng có tác dụng đáng kể trong việc kiểm soát lo lắng, sợ hãi.