Kế toán quản trị là gì?

...

Kế toán quản trị là một nhánh của kế toán liên quan đến việc xác định, đo lường, phân tích và giải thích các thông tin kế toán nhằm giúp các nhà quản lý lập kế hoạch và đưa ra các quyết định kinh doanh.

Kế toán quản trị
💡
Kế toán quản trị tập trung vào các báo cáo nội bộ để hỗ trợ việc ra quyết định.

Các công việc chính của Kế toán quản trị bao gồm: định giá sản phẩm, phân tích dòng tiền, phân tích hàng tồn kho, lập kế hoạch ngân sách và dự báo xu hướng.

Khác với Kế toán tài chính hướng tới nhiều đối tượng (chủ doanh nghiệp, cổ đông, cơ quan thuế, chủ nợ,..), Kế toán quản trị chủ yếu phục vụ các đối tượng là các nhà quản lý doanh nghiệp.

Kế toán quản trị là một nhánh của kế toán, có nhiệm vụ liên quan đến việc xác định, đo lường, phân tích và giải thích các thông tin kế toán, nhằm giúp các nhà quản lý lập kế hoạch và đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp. Những thông tin được cung cấp bởi bộ phận Kế toán quản trị bao gồm thông tin tài chính và thông tin phi tài chính.

Mục tiêu của Kế toán quản trị

Kế toán quản trị giúp các nhà quản lý trong việc:

  • Biết được từng thành phần chi phí, tính toán và tổng hợp chi phí sản xuất, giá thành cho từng loại sản phẩm, từng loại công trình dịch vụ.
  • Xây dựng được các khoản dự toán ngân sách cho các mục tiêu hoạt động.
  • Kiểm soát thực hiện và giải trình các nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí theo dự toán và thực tế.
  • Cung cấp các thông tin cần thiết để có các quyết định kinh doanh phù hợp.

Công việc của kế toán quản trị

Tùy thuộc vào đặc điểm của từng đơn vị sản xuất - kinh doanh, mà bộ phận Kế toán quản trị có những nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Tuy nhiên, những công việc phổ biến của Kế toán quản trị gồm có:

Định giá sản phẩm. Giá thành sản phẩm liên quan đến việc xác định tổng chi phí liên quan đến việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ. Chi phí có thể được phân thành nhiều loại, chẳng hạn như chi phí biến đổi, cố định, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Phân tích dòng tiền. Kế toán quản trị thực hiện phân tích dòng tiền, từ đó xác định tác động của dòng tiền tương ứng với các quyết định kinh doanh. Khi thực hiện phân tích dòng tiền, các chuyên viên sẽ xem xét mỗi quyết định kinh doanh được đưa ra sẽ tác động đến dòng tiền vào hoặc ra như thế nào.

Phân tích hàng tồn kho. Vòng quay hàng tồn kho là phép tính số lần một doanh nghiệp đã bán và thay thế hàng tồn kho trong một khoảng thời gian nhất định. Tính toán vòng quay hàng tồn kho có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định định tốt hơn về giá sản phẩm, quy mô sản xuất, tiếp thị và mua hàng tồn kho mới.

Ngoài ra, phân tích hàng tồn kho còn xác định chi phí mà doanh nghiệp phải chịu để lưu trữ các mặt hàng tồn đọng. Nếu chi phí này quá cao, quản lý doanh nghiệp phải cân nhắc các phương án thanh lý sớm lượng hàng tồn kho này để tối ưu hoạt động.

Lập kế hoạch ngân sách. Kế hoạch ngân sách được sử dụng để xác định liệu các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp có đáng để theo đuổi hay không. Các khoản đầu tư này thường là mua máy móc thiết bị mới, xây nhà máy mới, bán sản phẩm mới, hay các dự án nghiên cứu phát triển,... Trong phân tích ngân sách vốn, các chuyên viên sẽ tính toán giá trị hiện tại ròng (NPV) và tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) để giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định.

Phân tích và dự báo xu hướng. Phân tích và dự báo xu hướng là việc xem xét xu hướng biến động của một số chi phí nhất định, cũng như ghi nhận các biến động bất thường từ các giá trị thực tế so với dự báo và lý do của các biến động đó.

Điểm khác biệt cơ bản giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

  • Kế toán tài chính chủ yếu hướng đến đối tượng rộng hơn: nhà quản trị doanh nghiệp, cổ đông, cơ quan thuế, cá đối tác... trong khi Kế toán quản trị chủ yếu phục vụ các đối tượng là các nhà quản lý doanh nghiệp.
  • Kế toán quản trị chú trọng đến việc dự báo và đưa ra các kế hoạch hành động trong tương lai; Kế toán tài chính chú trọng vào số liệu quá khứ và hiện tại.
  • Kế toán tài chính nhấn mạnh tính minh bạch, chính xác, còn Kế toán quản trị mang nhiều tính ước định, chú trọng đến sự kịp thời, phù hợp, không cần thật chính xác.
  • Kế toán tài chính buộc phải tuân theo các chuẩn mực kế toán, trong khi Kế toán quản trị thì không bị ràng buộc nhiều bởi các chuẩn mực này.