Khoản phải thu là gì?

...

Khoản phải thu được hiểu là một phần tài sản của doanh nghiệp đang bị chiếm dụng bởi các cá nhân, đơn vị khác.

Khoản phải thu
💡
Các doanh nghiệp cho phép khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ theo hình thức trả chậm sẽ hình thành các khoản phải thu.

Các khoản phải thu được phân loại gồm: phải thu khách hàng, phải thu nội bộ và phải thu khác.

Các khoản phải thu nếu không được thanh toán đúng hạn có thể trở thành nợ khó đòi.

Doanh nghiệp có quá nhiều khoản phải thu có thể gặp rủi ro thiếu hụt dòng tiền.

Trong quá trình kinh doanh, khi doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng nhưng chưa được khách hàng thanh toán sẽ hình thành khoản phải thu. Ngoài ra các khoản phải thu còn phát sinh trong trường hợp như khi doanh nghiệp được bồi thường (nhưng chưa thực hiện), cho mượn vốn tạm thời, ứng trước tiền cho người bán, các khoản tạm ứng, ký quỹ, …

Nhìn chung, khoản phải thu được hiểu là một phần tài sản của doanh nghiệp đang bị chiếm dụng bởi các cá nhân, đơn vị khác

Phân loại các khoản phải thu

Phân loại theo thời hạn thanh toán, khoản phải thu được phân thành khoản phải thu ngắn hạn và khoản phải thu dài hạn.

Khoản phải thu ngắn hạn: Là các khoản nợ phải thu có thời hạn thanh toán trong vòng một năm hoặc một chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Khoản phải thu dài hạn: Là các khoản nợ phải thu có thời hạn thanh toán trên một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.

Phân loại theo nội dung, khoản phải thu được phân thành: phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, phải thu khác.

Phải thu của khách hàng gồm các khoản phải thu mang tính chất thương mại phát sinh từ giao dịch có tính chất mua – bán, như: bán hàng, cung cấp dịch vụ, thanh lý, nhượng bán tài sản giữa doanh nghiệp và người mua.

Phải thu nội bộ gồm các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc;

Phải thu khác gồm các khoản phải thu không có tính thương mại, không liên quan đến giao dịch mua - bán, như:

  • Các khoản phải thu tạo ra doanh thu hoạt động tài chính, như: khoản phải thu về lãi cho vay, tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia;
  • Các khoản chi hộ bên thứ ba được quyền nhận lại; Các khoản bên nhận ủy thác xuất khẩu phải thu hộ cho bên giao ủy thác;
  • Các khoản phải thu không mang tính thương mại như cho mượn tài sản, phải thu về tiền phạt, bồi thường, tài sản thiếu chờ xử lý…

Rủi ro từ các khoản phải thu

Có một số rủi ro liên quan đến việc doanh nghiệp có quá nhiều khoản phải thu, như:

Hình thành nợ khó đòi: trong trường hợp doanh nghiệp có khoản phải thu cao nhưng không được thực hiện trong một thời gian dài sẽ hình thành nợ khó đòi. Tình huống này xảy ra khi khách hàng bị phá sản hoặc chây ì, không thanh toán hóa đơn.

Gây thiếu hụt dòng tiền. Một doanh nghiệp cần dòng tiền cho hoạt động của mình. Hình thức bán hàng trả chậm có thể tăng doanh thu bán hàng trong ngắn hạn, nhưng nó không mang lại dòng tiền thực tế. Về ngắn hạn, doanh nghiệp có thể xoay sở được. Nhưng về lâu dài sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền và phải bù đắp bằng các khoản nợ khác để có thể tiếp tục kinh doanh.

Có quá nhiều khoản phải thu cũng có thể là biểu hiện cho doanh nghiệp đang kinh doanh trong một ngành có mức cạnh tranh cao, do đó để tồn tại doanh nghiệp buộc phải áp dụng các chính sách bán hàng trả chậm nhằm giữ chân khách hàng.