Kiểm toán báo cáo tài chính là gì?

...

Kiểm toán báo cáo tài chính (Financial Statement Audit) là hoạt động của các kiểm toán viên tiến hành thu thập và đánh giá các “bằng chứng kiểm toán” về các báo cáo tài chính.

Kiểm toán báo cáo tài chính
💡
Hoạt động kiểm toán nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá mức độ trung thực, hợp lý, chính xác của báo cáo tài chính.

Bằng chứng kiểm toán là những bằng chứng liên quan tới số dư tài khoản, nghiệp vụ hay các bằng chứng khác như tình hình kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, nghĩa vụ và tình hình đơn vị tuân thủ pháp luật…

Kiểm toán viên sẽ dựa trên các bằng chứng này để kêu các ý kiến của mình trên báo cáo kiểm toán về sự hợp lý, trung thực của báo cáo tài chính.

Kiểm toán báo cáo tài chính (Financial Statement Audit) là hoạt động của các kiểm toán viên tiến hành thu thập và đánh giá các “bằng chứng kiểm toán” về các báo cáo tài chính. Hoạt động này có mục đích kiểm tra, đánh giá mức độ trung thực, hợp lý, chính xác của báo cáo tài chính.

Các “bằng chứng kiểm toán”

Là những bằng chứng liên quan tới số dư tài khoản, nghiệp vụ hay các bằng chứng khác như tình hình kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, nghĩa vụ và tình hình đơn vị tuân thủ pháp luật…

Các “bằng chứng” này được thu thập bằng nhiều kỹ thuật, từ nhiều nguồn và tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Kiểm toán viên sẽ dựa trên các bằng chứng này để kêu các ý kiến của mình trên báo cáo kiểm toán về sự hợp lý, trung thực của báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Các báo cáo tài chính

Các báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm:

Bảng cân đối kế toán: Là báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp, và nguồn vốn hình thành nên tài sản đó tại một thời điểm nhất định.

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh: Là báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Là báo cáo tài chính tổng hợp cho biết ngân quỹ của doanh nghiệp trong kỳ được hình thành và sử dụng như thế nào.

Thuyết minh báo cáo tài chính: Là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của báo cáo tài chính, dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong báo cáo tài chính.

Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính

Có hai phương pháp tiếp cận kiểm toán báo cáo tài chính là phương pháp trực tiếp và phương pháp chu kỳ. Do vậy nội dung kiểm toán theo hai phương pháp này cũng khác nhau.

Phương pháp trực tiếp tiếp cận BCTC theo các chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu như:

  • Tiền,
  • Hàng tồn kho,
  • Tài sản cố định…

Theo phương pháp này nội dung kiểm toán và đối tượng thông tin trực tiếp của kiểm toán là như nhau nên dễ xác định. Tuy nhiên các chỉ tiêu trên BCTC không hoàn toàn độc lập với nhau nên việc triển khai kiểm toán theo hướng này thường không đạt hiệu quả cao

Phương pháp kiểm toán theo chu kỳ. Theo phương pháp này những chỉ tiêu có liên quan đến cùng loại nghiệp vụ được nghiên cứu trong mối quan hệ với nhau. Ví dụ: Chu kỳ mua vào và thanh toán, bán hàng và thu tiền, nhân sự và tiền lương…Nội dung kiểm toán trong mỗi chu kỳ này là kiểm toán nghiệp vụ và kiểm toán số dư hay số tiền trên báo cáo tài chính của các chỉ tiêu có liên quan.

Dù tiếp cận theo phương pháp nào thì cuối cùng toàn bộ báo cáo tài chính sau khi được kiểm toán vẫn cần nhận xét tổng quát của kiểm toán viên.

Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính

Thông thường, mỗi quy trình kiểm toán được chia thành 3 bước:

Bước 1: Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá;

Kế hoạch kiểm toán bao gồm thời gian dự kiến và cách thức tiến hành công việc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán phải đầy đủ, chi tiết để làm cơ sở cho chương trình kiểm toán. Trong quá trình này, bắt đầu từ thư mời kiểm toán. Kiểm toán viên sẽ tìm hiểu khách hàng với mục đích hình thành hợp đồng kiểm toán và thống nhất kế hoạch chung.

Bước 2: Thực hiện kiểm toán:

Các Kiểm toán viên sử dụng các phương pháp thích hợp với từng khách hàng để thu thập bằng chứng kiểm toán. Quá trình này là việc triển khai các kế hoạch, chương trình kiểm toán.

Bước 3: Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán.

Đây là giai đoạn kiểm toán viên đưa ra kết luận kiểm toán. Các kết luận này nằm trong báo cáo hoặc biên bản ghi nhớ kiểm toán.

Cuối cùng, kiểm toán viên tổng hợp kết quả, lập nên Báo cáo kiểm toán. Đồng thời có trách nhiệm giải quyết các sự kiện phát sinh sau khi lập Báo cáo kiểm toán.

Tùy theo kết quả, các kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến:

  • Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, hoặc
  • Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, gồm: Ý kiến chấp nhận từng phần, Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược) và Ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến).