Kinh tế tuần hoàn là gì?

...

Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải, phụ phẩm của ngành này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành khác, hoặc tái sử dụng trong nội bộ nhà máy hoặc doanh nghiệp đó.

Kinh tế tuần hoàn
💡
Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải, phụ phẩm của ngành này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành khác, hoặc tái sử dụng trong nội bộ nhà máy hoặc doanh nghiệp đó.

Mục đích của Kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này.

Kinh tế tuần hoàn đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường thiên nhiên, các quốc gia, người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Khái niệm liên quan đến mô hình Kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm, điển hình nhất là mô hình Vườn - Ao - Chuồng.

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: “circular economy”) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce, D.W. và R.K. Turner vào năm 1990, chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý căn bản là “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, và “có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nền kinh tế và môi trường”. Nguyên lý này hoàn toàn trái ngược với nền Kinh tế thẳng truyền thống - hay còn gọi là nền Kinh tế tuyến tính. Trong khi đó, Ellen MacArthur Foundation lại mô tả nền Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo. Bằng việc nghiên cứu ứng dụng các loại vật liệu, hệ thống quy trình mới, hoặc lớn hơn nữa là mô hình kinh doanh mới, hệ thống này sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng của vật liệu.

Nói một cách đơn giản và trực quan hơn, Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải, phụ phẩm của ngành này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành khác, hoặc tái sử dụng trong nội bộ nhà máy hoặc doanh nghiệp đó. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo trang Wikipedia, Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. Mục đích của Kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này.

Trái ngược với nền Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế thẳng hay Kinh tế tuyến tính - vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản, với xu hướng càng bán được nhiều càng tốt, điều này dẫn đến sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên.

Những lợi ích của nền Kinh tế tuần hoàn

1. Giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo

Trong thời đại ngày nay, thế giới tiếp tục tiêu thụ nguồn tài nguyên không thể tái tạo - như dầu mỏ và quặng kim loại - như thể đó là một nguồn cung cấp vô tận. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên này. Trong khi đó, nền Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng tài nguyên và tân trang các sản phẩm cũ, thay vì vứt bỏ chúng. Điều này góp phần giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. Một nền Kinh tế tuần hoàn lý tưởng sẽ không có chất thải, nghĩa là không có gì bị vứt bỏ.

Ngoài ra, việc này cũng giúp các quốc gia giảm thiểu sự phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô như dầu mỏ, yếu tố thường xuyên dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu.

2. Giảm lượng khí thải carbon và chất thải

Cơ quan Môi Trường Châu Âu cho biết, việc sản xuất và tiêu hủy vật liệu trên toàn thế giới đóng góp ⅔ lượng phát thải khí nhà kính. Nền Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm lượng khí thải này, vì tài nguyên sẽ được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn, thông qua việc tái sử dụng, khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo. Điều này tạo nên những tác động tích cực đối với môi trường, và đặc biệt làm giảm quá trình biến đổi khí hậu.

3. Đem lại lợi ích cho người tiêu dùng

Bên cạnh những lợi ích cho thiên nhiên và môi trường, Kinh tế tuần hoàn cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Thay đổi quy trình sản xuất để tái sử dụng nguyên liệu, tạo ra khả năng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Nền Kinh tế tuần hoàn cũng giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền hơn bằng việc mua những món đồ đã qua sử dụng, thuê lại hoặc cho thuê - thay vì sở hữu.

Một lợi ích to lớn khác là tạo ra việc làm. Để hướng đến nền Kinh tế tuần hoàn, nhiều ngành công nghiệp mới sẽ ra đời, tạo ra nhiều công việc mới. Một số ý kiến phản biện cho rằng Kinh tế tuần hoàn cũng có thể làm mất đi một số cơ hội việc làm, như khai thác than hoặc các loại tài nguyên không thể tái tạo. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch sang nền Kinh tế tuần hoàn, những công việc này sẽ không những được thay thế bằng các cơ hội khác, mà còn nhiều công việc với giá trị gia tăng hơn.

4. Mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cũng có thể nhận thấy và nắm bắt cơ hội từ nền Kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo. Mô hình này mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn, chẳng hạn như tân trang và kinh doanh các mặt hàng cũ. Các doanh nghiệp sản xuất cũng có thể tái sử dụng chất thải, phế phẩm để tạo ra nguyên liệu hoặc năng lượng tái tạo, như việc xử lý rác để tạo ra điện. Ngoài ra, cũng có một lợi ích khác cho việc kinh doanh, đó là tạo ra ấn tượng tốt đối với khách hàng. Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng ủng hộ các công ty có triết lý và sáng kiến xanh, thân thiện với môi trường.

Ứng dụng nền Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Khái niệm liên quan đến mô hình Kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Điển hình nhất là mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình đã được áp dụng khá thành công ở những vùng nông thôn. Ngoài ra, các khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”; “Sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của Kinh tế tuần hoàn – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” được tổ chức ngày 28 tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.