Lạm phát đình trệ là gì?

...

Lạm phát đình trệ (“Stagflation”) là sự kết hợp giữa tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát cao. Khi đó, tăng trưởng kinh tế âm và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp lên cao, và giá cả hàng hóa tăng phi mã.

Lạm phát đình trệ
💡
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi chính trị gia Iain Macleod trong thời kỳ căng thẳng kinh tế ở Anh vào những năm 1960 khi ông phát biểu tại Hạ viện.

Hai nguyên nhân chính gây ra lạm phát đình trệ: (i) việc tăng giá đột ngột và bất ngờ của một loại hàng hóa và (ii) chính phủ đưa ra các chính sách vĩ mô không phù hợp

Giới chuyên gia cho biết chưa có "thuốc đặc trị" cho hiện tượng lạm phát đình trệ. Việc chống lạm phát đình trệ thường được thực hiện thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ.

Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái đình trệ hoặc tăng trưởng âm, nhà điều hành sẽ giải quyết bằng cách tăng cung tiền. Nhờ vậy, doanh nghiệp và người dân có thể vay tiền với chi phí lãi suất rẻ hơn. Việc này giúp mở rộng quy mô sản xuất và tăng tỷ lệ việc làm, từ đó có thể ngăn ngừa hoặc chống suy thoái hiệu quả.

Ngược lại, khi có dấu hiệu lạm phát gia tăng, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách thường cố gắng kiểm soát bằng cách giảm cung tiền để làm nền kinh tế chậm lại. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tăng lãi suất, làm cho tiền vay trở nên đắt đỏ hơn. Các doanh nghiệp và người dân đi vay và chi tiêu ít hơn, nhu cầu giảm khiến giá cả ngừng tăng.

Không may là, khi cả hai điều trên xuất hiện cùng lúc: suy thoái kết hợp với lạm phát cao, gây ra lạm phát đình trệ: tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đồng thời giá cả hàng hóa tăng phi mã. Khái niệm kinh tế vĩ mô này lần đầu tiên được đề cập vào năm 1965 bởi Iain Macleod, Bộ trưởng tài chính Anh vào thời điểm đó.

Nguyên nhân gây ra lạm phát đình trệ

Các nhà kinh tế đã đưa ra hai nguyên nhân chính về hiện tượng này. Đầu tiên là việc tăng giá đột ngột và bất ngờ của một loại hàng hóa quan trọng, chẳng hạn như cú sốc về giá dầu xảy ra tại Mỹ trong những năm 1970. Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất và kéo theo đó là giá cả tăng cao.

Khi sức mua của tiền tệ giảm đi, mọi người hạn chế mua sắm để duy trì việc đáp ứng nhu cầu cơ bản. Tổng cầu suy giảm và kết quả là hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp lại. Điều này dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại; và kết quả là lạm phát đình trệ xảy ra.

Nguyên nhân thứ hai được cho là do chính phủ đã đưa ra các chính sách vĩ mô không phù hợp. Việc nới lỏng quá mức các chính sách tiền tệ và tài khóa trong một thời gian ngắn cũng làm gia tăng sức ép lạm phát một cách đáng kể.

Trong những năm 1970, Mỹ đã gánh chịu những tổn thất nặng nề khi trải qua thời kỳ lạm phát đình trệ. Lạm phát trung bình giai đoạn này lên đến 7.5%, tỷ lệ thất nghiệp 6.4% và cán cân thương mại bắt đầu thâm hụt. Nguyên nhân được biết là do tăng trưởng nóng cung tiền để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh, nguồn cung dầu mỏ bị sụt giảm mạnh và sản lượng sản xuất thép giảm đột ngột do môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Có một số dấu hiệu để nhận biết nguy cơ xảy ra lạm phát đình trệ, có thể kể đến như: Giá dầu thô tăng cao, lạm phát tăng nóng, thất nghiệp tràn lan, và suy thoái kinh tế.

Thuốc chữa cho lạm phát đình trệ

Giới chuyên gia cho biết chưa có "thuốc đặc trị” cho hiện tượng này. Theo Investopedia, các nhà kinh tế nhất trí rằng năng suất lao động phải tăng đến một mức nào đó để tăng trưởng kinh tế ổn định hơn mà không gây thêm lạm phát. Sau đó, các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Nói một cách đơn giản hơn, việc chống lạm phát đình trệ thường được thực hiện thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, tùy thuộc vào trường phái kinh tế của những người điều hành.

Những người theo trường phái trọng tiền (monetarist) cho rằng việc kiểm soát lượng cung tiền là chìa khóa quan trọng nhất, và lạm phát là yếu tố quan trọng nhất cần được kiểm soát. Theo đó, họ chủ trương giảm cung tiền cho nền kinh tế, từ đó làm giảm chi tiêu tổng thể. Về bản chất, chính sách này sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng ít hơn và giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm. Tuy nhiên, nhược điểm của chính sách này là không khuyến khích sự tăng trưởng. Tăng trưởng sẽ được giải quyết sau đó thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp với chính sách tài khóa.

Trong khi đó, những người theo trường phái trọng cung sẽ ưu tiên tăng nguồn cung hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế, bằng cách giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Họ chủ trương nỗ lực kiểm soát giá năng lượng, đẩy mạnh đầu tư hiệu quả và trợ cấp sản xuất để giúp giảm chi phí và tăng tổng cung của nền kinh tế. Điều này làm giảm giá cho người tiêu dùng, kích thích sản lượng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Một số nhà kinh tế khác lại tin rằng cách giải quyết tốt nhất với lạm phát đình trệ là chuyển sang thị trường tự do. Cung và cầu cuối cùng sẽ giải quyết giá cả tăng cao do người tiêu dùng không thể mua được hàng hóa. Thực tế này sẽ dẫn đến giảm cầu và giảm lạm phát.

Thị trường tự do cũng sẽ phân bổ lao động một cách hiệu quả và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ để thực hiện thành công, khiến người dân phải sống trong điều kiện không thuận lợi.