Latte Factor là gì?

...

“Latte factor” là những chi phí nhỏ không tên mà chúng ta ít khi chú ý đến. Tuy nhiên, đôi khi chúng ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Làm thế nào để có thể hạn chế sự lãng phí tiền bạc vào những chi phí này?

Latte Factor
💡
Latte factor là những chi phí nhỏ không tên mà chúng ta ít khi chú ý đến. Chẳng hạn như cốc cà phê hoặc trà sữa có giá 25.000 đồng, bịch bánh tráng trộn có giá 15.000 đồng.

Lạm phát lối sống được cho là nguyên nhân khiến chúng ta làm ngơ các chi phí nhỏ không tên.

Để hạn chế lãng phí tiền bạc vào các khoản nhỏ không thiết yếu, bạn cần biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Thuật ngữ latte factor xuất hiện lần đầu trong quyển sách cùng tên lọt vào danh sách bán chạy của The New York Times năm 1999, do tác giả David Bach chấp bút. Theo ông, latte factor là những chi phí nhỏ không tên mà chúng ta ít khi chú ý đến. Chẳng hạn như cốc cà phê hoặc trà sữa có giá 25.000 đồng, bịch bánh tráng trộn có giá 15.000 đồng.

Nguyên nhân tác giả lựa chọn “latte” thay cho các loại thức uống khác bắt nguồn từ câu chuyện về Kim - người phụ nữ làm việc tại The Gap luôn nghĩ rằng bản thân không có tiền để tiết kiệm. Tác giả đã nói với Kim rằng nếu xem xét cắt giảm chi phí cho latte, món ăn vặt trước giờ ăn trưa, cô ấy có thể tiết kiệm 10$/ngày. Nếu Kim dùng 10$ để đầu tư thay vì tiêu xài, cô ấy có thể trở thành triệu phú vào thời điểm nghỉ hưu. Câu chuyện này nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, vậy nên tác giả đã dùng cái tên “latte” đặt tên cho quyển sách của mình.

Ngoài ra, theo tác giả David Bach, cụm từ “latte factor” còn dùng để chỉ các chi phí nhỏ khác như: sách truyện, văn phòng phẩm (sổ tay, nhãn dán, giấy ghi chú), phụ kiện trang trí nhỏ xinh...

Những chuyên gia tài chính khác cũng đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh cụm từ latte factor. Suze Orman - Nữ chuyên gia tài chính và tác giả sách bán chạy Women and Money chia sẻ với CNBC, hiện tại bà không còn thói quen mua cà phê mang đi vì đó không phải là nhu cầu thiết yếu, đồng thời rất lãng phí. Trong khi đó, Shark Tank Kevin O’Leary cũng có ý kiến tương tự. Cả hai chuyên gia tài chính đều cho rằng dù số tiền chi ra mỗi ngày không nhỏ, song về lâu dài đây sẽ là một khoản chi tiêu rất lớn. Do vậy, lời khuyên từ Suze Orman và Kevin O’Leary đó là cắt giảm chi tiêu cho khoản này, nhằm mục đích tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai.

Vì sao chúng ta có xu hướng đánh giá thấp các chi phí nhỏ?

Rob Berger - Biên tập viên và cố vấn tại Forbes cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc bỏ qua những chi phí thấp đến từ thói quen tiêu tiền để tìm kiếm cảm giác thỏa mãn tức thời. Berger nói thêm, nhiều người thường viện cớ rằng họ muốn tận hưởng cuộc sống. Trớ trêu thay, chẳng mấy ai muốn tận hưởng cuộc sống bằng cách đọc một quyển sách hay, hoặc dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Theo ông, tận hưởng cuộc sống luôn là lý do bạo biện cho thói quen chi tiêu lãng phí.

Dựa trên chia sẻ của Rob Berger, nguyên nhân trên ít nhiều có liên quan với hiện tượng lạm phát lối sống (tiếng Anh: lifestyle inflation hoặc lifestyle creep). Theo định nghĩa từ The Balance, đây là hiện tượng khi thu nhập dần dần tăng lên, chúng ta sẽ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Lúc còn là học sinh - sinh viên hoặc mới tốt nghiệp đi làm, đại đa số mọi người đều không có điều kiện vật chất dư dả để chi tiêu thoải mái. Tầm vài năm sau, khi thu nhập tăng lên, tâm lý chúng ta sẽ có xu hướng muốn hưởng thụ bù lại những ngày tháng vất vả trong quá khứ.

Lạm phát lối sống là nguyên nhân khiến chúng ta làm ngơ các chi phí nhỏ. Nguồn ảnh: Laura Chouette / Unsplash

Nắm bắt được tâm lý trên, các nhãn hàng đã tích cực lồng ghép thông điệp yêu thương, chăm sóc bản thân cho mọi dịch vụ - sản phẩm của họ để thu hút khách hàng. Ngày nay, các chiến dịch quảng cáo phủ sóng dày đặc khắp mọi nơi, đi kèm với hình ảnh và nội dung bắt mắt, có tính thuyết phục cao. Vì thế, khi tiếp xúc thường xuyên với những thông điệp quảng cáo này, người xem sẽ cho rằng hành động mua sắm sẽ khiến bản thân vui vẻ và như thế mới là tận hưởng cuộc sống đúng cách. Từ đó, nhiều người không tiếc tiền mua sắm dù đó chỉ là niềm vui ngắn hạn không kéo dài quá lâu.

Làm thế nào hạn chế lãng phí tiền bạc vào các chi phí nhỏ không tên?

Đầu tiên, bạn cần xem xét lại chi tiêu hàng tháng để biết được khoản chi tiêu nào cần cắt giảm bớt. Bên cạnh những cách cách thủ công như điền vào sổ tay hoặc tệp Excel, hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, một số ứng dụng còn cho phép bạn sử dụng miễn phí hoặc trả mức phí không quá cao.

Tiếp theo, khi đã biết được khoản chi phí nhỏ nào tiêu tốn nhiều tiền nhất, bạn cần sắp xếp lại kế hoạch chi tiêu của bản thân. Cần lưu ý là nếu đó là sở thích cá nhân, bạn không nhất thiết phải cắt bỏ hoàn toàn mà chỉ cần giảm bớt, hoặc chuyển sang phương án khác tiết kiệm hơn. Ví dụ như bạn có thói quen mua cà phê mỗi sáng, bạn nên cân nhắc chuyển sang mua cà phê pha sẵn tại nhà rồi mang đến văn phòng. Bạn có thể đặt ra một khoản tiền cố định hàng tháng dành cho các khoản nhỏ này. Như vậy, bạn sẽ có ý thức không chi tiêu quá lố, đồng thời vẫn duy trì sở thích cá nhân. Một số phương pháp theo dõi chi tiêu được các chuyên gia tài chính đánh giá cao có thể kể đến như: nguyên tắc 50/30/20, Zero-Based Budgeting,...