M&A là gì?

...

M&A là một thuật ngữ mô tả việc hợp nhất các doanh nghiệp hoặc tài sản thông qua các giao dịch tài chính khác nhau.

M&A
💡
M&A là một thuật ngữ mô tả việc hợp nhất các doanh nghiệp hoặc tài sản thông qua các giao dịch tài chính khác nhau.

Các hình thức M&A phổ biến bao gồm: góp vốn, sáp nhập, mua lại, hợp nhất doanh nghiệp.

Tùy theo đặc trưng của từng thương vụ, các giao dịch M&A sẽ được phân loại thành: M&A theo chiều ngang, M&A theo chiều dọc và M&A tập đoàn.

M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là một thuật ngữ mô tả việc hợp nhất các doanh nghiệp hoặc tài sản thông qua các giao dịch tài chính khác nhau, bao gồm sáp nhập, mua lại, hợp nhất, mua tài sản.

Các hình thức M&A

Góp vốn trực tiếp: là hình thức một doanh nghiệp góp vốn vào một doanh nghiệp khác thông qua qua góp vốn điều lệ trong trường hợp doanh nghiệp được góp vốn là công ty TNHH hoặc mua cổ phần phát hành để tăng vốn điều lệ đối với công ty cổ phần.

Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Sáp nhập doanh nghiệp: là một hoặc một số doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một doanh nghiệp khác (sau đây gọi là doanh nghiệp nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang doanh nghiệp nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Hợp nhất doanh nghiệp: là hai hoặc một số doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một doanh nghiệp mới (sau đây gọi là doanh nghiệp hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

Phân loại M&A

M&A theo chiều ngang

M&A theo chiều ngang xảy ra giữa hai doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành, có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Ví dụ: một doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động sáp nhập với một doanh nghiệp khác trong ngành sản xuất điện thoại di động.

Kết quả quả sự kết hợp này sẽ mang lại cho các bên cơ hội mở rộng thị phần, kết hợp thương hiệu, tăng cường hiệu quả của hệ thống phân phối.

M&A theo chiều dọc

Là sự kết hợp diễn ra giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà cung cấp hoặc nhà phân phối trong cùng chuỗi cung ứng.

Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất sữa mua lại doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, doanh nghiệp sản xuất hộp, chai đựng sữa.

Kết hợp theo chiều dọc giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát và đảm bảo được chất lượng đầu vào hoặc đầu ra của sản phẩm, giảm chi phí trung gian…

M&A tập đoàn

M&A theo hình thức này thường diễn ra giữa các doanh nghiệp có điểm tương đồng về khách hàng trong một ngành cụ thể. Tuy nhiên các sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp này không giống nhau. Thường là các sản phẩm, dịch vụ sau khi kết hợp sẽ bổ sung cho nhau.

Ví dụ: Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết kế nội thất sáp nhập vào một công ty xây dựng.

Mục đích của việc M&A

Hoạt động M&A có thể diễn ra vì nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như:

Tăng giá trị doanh nghiệp.

Mục tiêu chung của hoạt động M&A là tạo ra sự kết hợp. Doanh nghiệp được kết hợp sẽ có giá trị hơn hai doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, việc kết hợp các hoạt động kinh doanh cũng làm tăng hiệu quả hoạt động tổng thể.

Gia tăng thị phần

Kết quả của M&A theo chiều ngang cho doanh nghiệp sáp nhập đạt được thị phần cao hơn và sẽ có được khả năng tác động đến giá cả.

Sáp nhập theo chiều dọc cũng có thể làm tăng sức ảnh hưởng lên thị trường của doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp sẽ kiểm soát được chuỗi cung ứng, kiểm soát được chi phí đầu vào và chất lượng đầu ra của sản phẩm. Từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đa dạng hóa thu nhập

Các công ty hoạt động trong các ngành có tính chu kỳ thường có nhu cầu đa dạng hóa nguồn thu nhập để tránh bị thiệt hại đáng kể trong giai đoạn suy thoái của ngành.