Mệnh giá chứng khoán là gì?

...

Mệnh giá là giá trị danh nghĩa của một chứng khoán do tổ chức phát hành ấn định hoặc do pháp luật quy định.

Mệnh giá chứng khoán
💡
Mệnh giá cổ phiếu được hiểu là phần vốn góp của mỗi cổ phiếu vào vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Mệnh giá cổ phiếu cũng là cơ sở để tính số tiền cổ tức mà cổ đông được nhận.

Mệnh giá trái phiếu là số tiền mà tổ chức phát hành phải trả cho trái chủ khi trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Mệnh giá trái phiếu cũng là cơ sở để tính số tiền lãi định kỳ mà trái chủ được nhận khi nắm giữ trái phiếu.

Mệnh giá (Par value hay Face Value) còn được gọi là giá trị danh nghĩa của chứng khoán, là giá trị mà tổ chức phát hành ấn định hoặc do pháp luật quy định cho chứng khoán được phát hành.

Theo quy định hiện hành, mệnh giá của chứng khoán được chào bán trên lãnh thổ Việt Nam được ghi bằng Đồng Việt Nam.

Mệnh giá cổ phiếu

Mệnh giá cổ phiếu hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của cổ phiếu là giá trị mà công ty cổ phần ấn định cho một cổ phiếu. Giá trị mệnh giá của một cổ phiếu cũng là giá trị ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, mệnh giá của cổ phiếu được quy định là 10.000 đồng (mười nghìn đồng).

Mệnh giá cổ phiếu cũng là cơ sở xác định số tiền cổ tức mà doanh nghiệp chi trả cho cổ đông.

Ví dụ: Công ty A có 100.000 cổ phiếu phổ thông, vào cuối năm 20XX, công ty A quyết định chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ chia là 20%.

Như vậy, với 100.000 cổ phiếu phổ thông, công ty A sẽ có mức vốn điều lệ được xác định như sau:

Vốn điều lệ = Số lượng cổ phiếu phổ thông x Mệnh giá cổ phiếu

= 100.000 cổ phiếu x 10.000 đồng = 1.000.000.000 đồng (một tỷ VNĐ).

Giá trị cổ tức bằng tiền được xác định như sau:

Giá trị cổ tức bằng tiền = Mệnh giá cổ phiếu x Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền

= 10.000 đồng x 20% = 2.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, với mỗi cổ phiếu A, nhà đầu tư sẽ được nhận 2.000 đồng tiền cổ tức.

Mệnh giá trái phiếu

Mệnh giá trái phiếu hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của trái phiếu, là giá trị được ghi trên trái phiếu. Giá trị này được gọi là số vốn gốc.

Mệnh giá của trái phiếu là số tiền mà tổ chức phát hành sẽ trả cho cho trái chủ khi trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Mệnh giá trái phiếu cũng là căn cứ để xác định số tiền lãi định kỳ tổ chức phát hành chi trả cho trái chủ.

Tại Việt Nam, mệnh giá trái phiếu được quy định là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng).

Ví dụ: Với mức lãi suất danh nghĩa 9%/năm, số tiền lãi định kỳ mà trái chủ nhận được xác định bằng cách:

Số tiền lãi = Mệnh giá trái phiếu x Lãi suất danh nghĩa

= 100.000 đồng x 9% = 9.000 đồng/trái phiếu.

Như vậy, với việc nắm giữ tái phiếu, mỗi năm trái chủ sẽ được nhận 9.000 đồng tiền lãi cho đến ngày đáo hạn.

Mệnh giá và giá thị trường

Mệnh giá của cổ phiếu hoặc trái phiếu không biểu thị giá trị thị trường, được xác định dựa trên các nguyên tắc cung - cầu. Giá trị thị trường chính là mức giá mà các nhà đầu tư sẵn sàng mua và bán loại chứng khoán cụ thể. Trên thực tế, tùy thuộc vào điều kiện thị trường, mệnh giá và giá trị thị trường có thể có rất ít mối tương quan.

Trên thị trường có rất nhiều trường hợp giá thị trường có sự chênh lệch đáng kể so với mệnh giá. Trong số đó có thể kể đến trường hợp cổ phiếu Vinamilk. Mệnh giá của cổ phiếu Vinamilk (VNM) được ấn định là 10.000 đồng trong khi giá trị thị trường của cổ phiếu có lúc đạt mức trên 100.000 đồng, gấp 10 lần so với mệnh giá.