Milestone & stepping stone là gì?

...

Trong khởi nghiệp, milestones và stepping stone đều được hiểu là những cột mốc đánh dấu sự thay đổi, phát triển của công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, về bản chất giữa hai thuật ngữ này lại có chút khác biệt.

Milestone & stepping stone
Về bản chất, milestones hay stepping stones đều là những cột mốc để doanh nghiệp đạt được mục tiêu cuối cùng.

Để xác định được những cột mốc cụ thể và ý nghĩa cho startup của mình, các nhà sáng lập có thể tham khảo phương pháp Backcasting.

Stepping stone bao gồm một nhóm các cột mốc - milestone có liên quan hỗ trợ giải quyết vấn đề cụ thể về sản phẩm, thị trường, khách hàng và đội ngũ quản lý. Chúng cũng có thể được gọi là các mốc quan trọng - key milestones.

Việc xác định các cột mốc quan trọng cho startup sẽ giúp các nhà sáng lập và đội ngũ của mình tập trung vào đúng mục tiêu trong từng giai đoạn của startup.

Milestone là gì?

Milestone dịch ra tiếng Việt chính là cột mốc, là sự kiện hay giai đoạn đánh dấu sự thay đổi trong quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu, đích đến cuối cùng của startup. Việc xác định milestones giúp chia một dự án, mục tiêu lớn thành nhiều phần nhỏ hơn, nhờ đó có thể dễ dàng phân công nhiệm vụ và thời gian cần thiết để hoàn thành chúng.

Việc xác định các cột mốc mà doanh nghiệp đã hoàn thành cũng giúp các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) biết startup đó đang ở giai đoạn nào, rủi ro và cơ hội ra sao, từ đó có thể đưa ra cân nhắc có nên rót vốn hay không. Dưới góc nhìn của các VC đang đồng hành cùng doanh nghiệp, việc hiểu rõ các cột mốc quan trọng cũng giúp họ đưa ra lời khuyên, cố vấn phù hợp cho startup, hoặc theo dõi startup ở giai đoạn này có đi đúng hướng theo kế hoạch ban đầu không.

Ví dụ các milestones thường thấy ở những công ty khởi nghiệp:

Milestones sản phẩm:

  • Ý tưởng;
  • Ra mắt sản phẩm mẫu;
  • Thu thập và xem xét phản hồi từ người dùng thử nghiệm;
  • Ra mắt sản phẩm chính thức;

Milestones quản trị

  • Kêu gọi Co-founder
  • Chọn mô hình kinh doanh phù hợp;
  • Thành lập công ty;
  • Thuê nhân sự chủ chốt để vận hành.

Milestones tài chính

  • Gây quỹ giai đoạn hạt giống, kêu gọi thêm co-founder cùng tham gia;
  • Có doanh thu từ bán sản phẩm;
  • Gọi vốn tăng trưởng.
Quỹ đầu tư mạo hiểm
Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund) là quỹ đầu tư cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Cách xác định milestones

Theo chị Hoàng Thị Kim Dung – Chuyên viên tư vấn đầu tư của Genesia Ventures Việt Nam: Để xác định được những cột mốc cụ thể và ý nghĩa cho startup của mình, các nhà sáng lập có thể tham khảo phương pháp Backcasting. Với phương pháp này, đầu tiên sẽ xác định mục tiêu cuối cùng mà startup hướng tới trong dài hạn. Sau đó xác định ngược lại cần làm những gì để đạt được mục tiêu đó theo những bước nhỏ hơn. Việc này đòi hỏi các “cột mốc” cần phải đo và đếm được một cách rõ ràng cụ thể. Và các cột mốc cũng sẽ thay đổi, cần được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của startup lẫn thị trường.

Stepping stones là gì?

Stepping stones được hiểu là các “bước đệm”, lấy hình tượng từ những tảng đá được xếp nối tiếp nhau để băng qua một con suối. Stepping stones thường được dùng để nói về một sự kiện hoặc trải nghiệm góp phần vào thành công của một người.

Theo định nghĩa trong Financing Workbook của MaRS - nền tảng chuyên hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và khởi nghiệp: Stepping stone là các nền tảng góp phần cho một kế hoạch dài hạn. Một bước đệm bao gồm một nhóm các cột mốc - milestones có liên quan hỗ trợ giải quyết vấn đề cụ thể về sản phẩm, thị trường, khách hàng và đội ngũ quản lý. Chúng cũng có thể được gọi là các mốc quan trọng - key milestones.

Stepping stones trong hoạch định chiến lược

Các chuyên gia về hoạch định chiến lược cho rằng việc chọn một đích đến trong dài hạn sau đó vạch ra những cột mốc theo đường thẳng tuyến tính để thực hiện có thể là một chiến lược khá lạc quan, bởi vì trong dài hạn, không ai có thể biết trước những biến cố nào sẽ diễn ra.

Những nhà quản trị ngày nay phải chấp nhận rằng các “cột mốc” để đi đến mục tiêu cuối cùng thường khá mơ hồ, và trên thực tế chúng không phải lúc nào cũng đạt được như kế hoạch. Do vậy, thay vì chỉ chăm chăm vào các mục tiêu cột mốc cụ thể, đi theo một đường thẳng tuyến tính, các chiến lược của công ty nên được thiết kế theo một hình nón, tức là vẫn chừa không gian cho sự thay đổi hướng đi trong quá trình thực hiện, miễn sao công ty vẫn hoàn thành các “bước đệm” và chúng vẫn hướng đến mục tiêu ban đầu. Nhìn chung, một chiến lược theo stepping stones trên thực tế sẽ đi theo hình nón nằm ngang, như hình minh họa bên dưới.

Hình minh họa: Con đường đi đến mục tiêu dài hạn không phải lúc nào cũng là một đường thẳng tuyến tính, đó là một hành trình đôi khi quanh co thông qua một hình nón.

Doanh nghiệp vẫn sẽ ổn nếu các stepping stones lệch ra khỏi đường đi tuyến tính ban đầu, chỉ cần đừng rẽ phải ra khỏi hình nón. Để thực hiện điều đó, yêu cầu việc xác định các stepping stones hiệu quả nên theo các tiêu chí sau:

  • Stepping stones liên quan đến việc hoàn thành một cột mốc quan trọng nào đó, ví dụ như tạo ra sản phẩm mẫu đầu tiên.
  • Stepping stones mang lại một giá trị thực.
  • Stepping stones phải nằm trong phạm vi hình nón của chiến lược. Con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng có thể sẽ quanh co, nhưng về tổng thể chúng phải hướng đến một mục tiêu cụ thể.

Ngoài ra, các chiến lược theo bước đệm cũng cho phép các công ty khởi nghiệp theo kịp các “điểm uốn chiến lược - strategic inflection points”, là một giai đoạn mà doanh nghiệp phải ứng phó với sự thay đổi đột ngột trong môi trường kinh doanh. Các điểm uốn này làm sai lệch đến các giả định ban đầu khi vạch ra các chiến lược. Do vậy, chiến lược theo hình nón sẽ cho phép startup mở ra các lựa chọn mới cho tương lai từ các bước đệm đã hoàn thành trước đó.


Nguồn tham khảo

  1. https://www.academia.edu/38833973/Business_Planning_and_Financing_Management_Series
  2. https://medium.com/@jamesacowling/stepping-stones-not-milestones-e6be0073563f
  3. Guy Kawasaki - Khởi thuật - 11 BÍ QUYẾT GÂY DỰNG DOANH NGHIỆP - NXB Tri Thức