Phân tích cơ bản là gì?

...

Phân tích cơ bản là một phương pháp đo lường “giá trị nội tại” của cổ phiếu bằng cách phân tích nhiều yếu tố, gồm cả vĩ mô lẫn vi mô.

Phân tích cơ bản
💡
Mục tiêu cuối cùng của phân tích cơ bản là xác định “giá trị nội tại” hay “giá trị thực” của một cổ phiếu.

Giá trị nội tại sau đó có thể được so sánh với giá thị trường của cổ phiếu để làm cơ sở giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định.

Phân tích cơ bản có thể được thực hiện bằng mô hình phân tích từ trên xuống (top-down) hoặc phân tích từ dưới lên (bottom-up).

Phân tích cơ bản (Fundamental analysis) còn được gọi tắt là FA, là một phương pháp đo lường “giá trị nội tại” của cổ phiếu bằng cách phân tích nhiều yếu tố, gồm cả vĩ mô lẫn vi mô.

Mục tiêu cuối cùng của phân tích cơ bản là xác định “giá trị nội tại” hay “giá trị thực” của một cổ phiếu, đây cũng được xem như giá trị nội tại của doanh nghiệp. Giá trị nội tại sau đó có thể được so sánh với giá thị trường của cổ phiếu để làm cơ sở giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định.

Đặc điểm của phân tích cơ bản

Mục tiêu của phân tích cơ bản là xác định giá trị nội tại của cổ phiếu: nhà đầu tư so sánh với giá hiện tại trên thị trường để xem liệu cổ phiếu đó bị định giá thấp hay được định giá cao. Dựa vào đó nhà đầu tư quyết định mua vào hoặc bán ra cổ phiếu.

Phân tích cơ bản sử dụng các dữ liệu công khai của doanh nghiệp như: doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng trong tương lai, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, biên lợi nhuận và các dữ liệu khác để xác định giá trị nội tại và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Phương pháp phân tích cơ bản trái ngược hoàn toàn với phương pháp phân tích kỹ thuật – vốn chỉ tập trung vào nghiên cứu biến động giá thị trường của cổ phiếu để đưa ra quyết định đầu tư.

Mô hình phân tích cơ bản

Mô hình phân tích từ trên xuống (top-down) khởi đầu với việc phân tích sức khỏe của nền kinh tế tổng thể. Bằng cách phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô khác nhau như: lãi suất, lạm phát, GDP. Tiếp theo, các nhóm ngành hưởng lợi những xu hướng vĩ mô đó sẽ được lựa chọn. Sau cùng, các nhà phân tích sẽ chọn ra trong các ngành này những doanh nghiệp nổi bật nhất và tiến hành phân tích, đánh giá.

Ngược với mô hình từ trên xuống, mô hình phân tích từ dưới lên (bottom-up) bắt đầu từ việc đi sâu vào phân tích các cổ phiếu riêng lẻ. Mô hình phân tích từ dưới lên chủ yếu tập trung vào các yếu tố vi mô như doanh thu và các chỉ số tài chính của một doanh nghiệp.

Ưu điểm và hạn chế

Phân tích cơ bản có những ưu điểm sau:

  • Giúp cho nhà đầu tư xác định xu hướng cổ phiếu bằng cách xác định triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.
  • Giúp cho nhà đầu tư có thể lựa chọn công ty tốt để đầu tư và nhận biết được các yếu tố chủ yếu tác động đến giá trị của công ty.

Bên cạnh những ưu điểm, phân tích cơ bản cũng bộc lộ những hạn chế như:

  • Phương pháp này tốn nhiều thời gian và công sức do phải tiếp cận và xử lý một khối lượng lớn các thông tin kinh tế, tài chính.
  • Mức độ chính xác của kết quả phân tích bị phụ thuộc vào tính chính xác của thông tin, đặc biệt là các thông tin trên báo cáo tài chính.
  • Trong phân tích cơ bản có nhiều biến số phải tính đến và giá trị của các biến số này một phần mang tính chủ quan của người phân tích.
  • Các nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng tâm lí và từ đó ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư.

Ai sử dụng phân tích cơ bản?

Phân tích cơ bản được sử dụng phần lớn bởi các nhà đầu tư giá trị với thời gian đầu tư lâu dài.

Các bộ phận phân tích của công ty chứng khoán cũng sẽ sử dụng phân tích cơ bản để đưa ra các mục tiêu giá và khuyến nghị cho khách hàng.

Các nhà quản lý cũng sử dụng phương pháp phân tích này để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty, từ đó so sánh với đối thủ cạnh tranh.