Phương pháp Berkus là gì?

...

Phương pháp Berkus là một trong những cách để định giá các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, khi các dữ liệu về doanh thu và lợi nhuận còn khá mơ hồ.

Phương pháp Berkus
💡
Theo phương pháp này, giá trị của một công ty sẽ được dựa trên giá trị bằng tiền của 5 yếu tố: ý tưởng kinh doanh, chất lượng sản phẩm mẫu, chất lượng nhân sự điều hành, quan hệ chiến lược, khả năng triển khai sản phẩm và bán hàng.

Phương pháp Berkus cung cấp cho các nhà sáng lập và nhà đầu tư vốn hạt giống một phương pháp định giá nhanh chóng và đơn giản.

Phương pháp này còn có thể được tùy chỉnh để phù hợp với từng thị trường, từng khẩu vị đầu tư khác nhau.

Phương pháp Berkus là một trong những cách để định giá các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, khi các dữ liệu về doanh thu và lợi nhuận còn khá mơ hồ. Tên của phương pháp này được đặt theo người phát minh ra nó - Dave Berkus, một nhà đầu tư thiên thần nổi tiếng ở California. Berkus nghĩ ra phương pháp này vào những năm 1990, ban đầu chỉ định dùng để phục vụ công việc của chính bản thân. Tuy nhiên sau đó, với ưu điểm dễ sử dụng và thích hợp để định giá các công ty khởi nghiệp chưa có doanh thu, phương pháp Berkus đã dần trở nên phổ biến hơn và được ứng dụng rộng trong các thương vụ gọi vốn hạt giống hay tiền hạt giống.

Cách phương pháp Berkus hoạt động

Theo phương pháp này, giá trị của một công ty sẽ được dựa trên giá trị bằng tiền của 5 yếu tố: ý tưởng kinh doanh, chất lượng sản phẩm mẫu, chất lượng nhân sự điều hành, quan hệ chiến lược, khả năng triển khai sản phẩm và bán hàng. Ví dụ, Berkus ban đầu ấn định giá trị định giá cho mỗi yếu tố từ 0 đến 500.000 USD. Do vậy nếu một startup hội tụ đủ 5 yếu tố, và nếu chất lượng của mỗi yếu tố đều đạt mức "hoàn hảo" thì công ty sẽ có giá trị tối đa là 2,5 triệu USD.

Ý tưởng hình thành nên phương pháp Berkus

Theo Berkus, ban đầu phương pháp này được tạo ra để giúp giải quyết vấn đề thiếu chính xác về cách định giá các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ. Nhìn chung, cách thức phổ biến nhất để ước tính giá trị của một doanh nghiệp là dựa trên khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai. Điều này phụ thuộc nhiều vào các dự báo doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên với các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, các dự báo này hầu như đều không chính xác. Trên thực tế, tính đến năm 2021, số lượng công ty khởi nghiệp thất bại trong 5 năm đầu lên tới 50%, theo Investopedia.

Mô hình Berkus đã giải quyết vấn đề này. Theo Berkus, một công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu nên được định giá dựa trên các yếu tố cốt lõi mà một công ty non trẻ phải có. Những yếu tố này, theo Berkus sẽ giúp startup tăng khả năng thành công và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Chúng bao gồm:

Ý tưởng thú vị. Ý tưởng hay là yếu tố cốt lõi đầu tiên mà một công ty khởi nghiệp phải có. Một ý tưởng thú vị sẽ đáng giá hơn khi nó giúp giải quyết được một vấn đề thực tế, một nhu cầu cụ thể trên thị trường mà chưa ai giải quyết được. Ngoài ra, các yếu tố sau cũng cần được xem xét khi muốn đánh giá một ý tưởng:

  • Đảm bảo tính độc quyền của ý tưởng: Ý tưởng kinh doanh này có thể  giữ vị thế độc quyền thông qua đăng ký bằng sáng chế / bản quyền hay không.
  • Khả năng triển khai của ý tưởng.
  • Khả năng mở rộng của ý tưởng.
  • Sự phù hợp của ý tưởng với môi trường chính trị xã hội.

Đội ngũ sáng lập chất lượng. Một nhà đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư thiên thần trước tiên sẽ kiểm tra kinh nghiệm hoặc năng lực của người sáng lập. Trong trường hợp người sáng lập đã đạt đạt được một số thành tựu có liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp  cho thấy tiềm năng thành công của startup. Do vậy, năng lực của người sáng lập, người quản trị càng cao thì giá trị công ty cũng càng cao.

Đã hoàn thành sản phẩm mẫu. Sản phẩm mẫu là yếu tố quan trọng trong việc định giá các công ty khởi nghiệp theo phương pháp Berkus. Sản phẩm mẫu được xem là bài kiểm tra tính phù hợp của ý tưởng với nhu cầu thị trường.

Có các mối quan hệ chiến lược. Một startup biết tận dụng các mối quan hệ chiến lược một cách hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Một Startup thường tham gia vào các mối quan hệ chiến lược với các công ty lớn và có uy tín để khai thác chuyên môn và nguồn lực của họ. Dễ thấy nhất là các startup thường chưa hoàn thiện quy trình phân phối bán hàng, do vậy họ thường tận dụng các mối quan hệ chiến lược từ các nhà bán lẻ, vận chuyển, để bù đắp.

Đã tung sản phẩm ra thị trường hoặc đã có doanh thu ban đầu. Tung sản phẩm ra thị trường chính là yếu tố bắt buộc quyết định startup sẽ đi tiếp hay thất bại. Quá trình này bắt đầu từ các hoạt động trước khi ra mắt đến sau sau khi triển khai chào bán sản phẩm. Người sáng lập phải lên kế hoạch triển khai một cách cẩn trọng. Thành công của việc triển khai sản phẩm là một tín hiệu cho khả năng mở rộng trong tương lai của công ty.

Ưu điểm và hạn chế của phương pháp Berkus

Phương pháp Berkus là một mô hình đơn giản chỉ dựa trên các yếu tố định tính, cho phép đưa ra một mức giá sơ bộ cho một công ty khởi nghiệp chưa hoặc mới bắt đầu có doanh thu. Nó cung cấp cho các nhà sáng lập và nhà đầu tư vốn hạt giống một phương pháp định giá nhanh chóng và đơn giản. Phương pháp này còn có thể được tùy chỉnh để phù hợp với từng thị trường, từng khẩu vị đầu tư khác nhau.

Phương pháp này khiến nhà đầu tư có thể đánh giá tổng quan về vấn đề quản trị công ty và quản lý rủi ro, chẳng hạn như điểm mạnh và điểm yếu của công ty, liệu đội ngũ quản lý có sở hữu các kỹ năng và năng lực để quản trị hay không, cách công ty khởi nghiệp giải quyết xung đột giữa những người sáng lập, v.v.

Ngoài ra phương pháp này cũng có một số hạn chế nhất định. Yếu tố định tính vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của nó. Những người sáng lập và nhà đầu tư có lợi ích đối lập nhau. Các nhà sáng lập thường đánh giá cao về tiềm năng công ty khởi nghiệp của mình, trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm thường nhìn vào rủi ro trước. Do vậy việc đính giá theo phương pháp Berkus thường sẽ không cho kết quả nhất quán giữa các bên. Phương pháp này cũng bỏ qua cạm bẫy chết người các công ty khởi nghiệp hay mắc phải, đó là rủi ro tài chính. Phương pháp định giá hoàn toàn không quan tâm đến các dự báo tài chính của startup, mặc dù về cơ bản khả năng chính xác của dự báo khá thấp. Tuy nhiên bất kỳ doanh nghiệp nào vẫn phải có một kế hoạch tài chính hoàn chỉnh để đánh giá tổng quan nhu cầu về vốn và kế hoạch sử dụng chúng để phát triển.