Ponzi là gì?

...

Ponzi là một mô hình lừa đảo đầu tư với hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp.

Ponzi
💡
Được mệnh danh là “lừa đảo siêu cấp” - mô hình này trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách nguồn tiền từ nhà đầu tư mới.

Ponzi có một biến thể là mô hình lừa đảo kim tự tháp, cả hai hình thức này đều dựa vào tiền ký quỹ của người mới để trả lãi cho người cũ.

Cuối cùng, mô hình sẽ sụp đổ khi không còn thu hút đủ tiền để trả lãi cho toàn hệ thống.

Ponzi là một mô hình lừa đảo đầu tư với hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Được mệnh danh là “lừa đảo siêu cấp” - mô hình này trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách nguồn tiền từ nhà đầu tư mới. Tại Việt Nam, không khó để kể tên những vụ lừa đảo áp dụng mô hình Ponzi đã gây ra những hậu quả vô cùng lớn - cả về giá trị lẫn số lượng nạn nhân. Vụ án Nguyễn Văn Mười Hai huy động vốn trả lãi suất lên đến 15%/tháng ở đầu thập niên 90; cho đến gần đây là đại án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng, là những bài học không thể nào quên với nhiều người.

Ponzi có một biến thể là mô hình lừa đảo kim tự tháp, cả hai hình thức này đều dựa vào tiền ký quỹ của người mới để trả lãi cho người cũ. Cuối cùng, mô hình sẽ sụp đổ khi không còn thu hút đủ tiền để trả lãi cho toàn hệ thống.

Nguồn gốc của mô hình Ponzi

“Cha đẻ” của mô hình lừa đảo Ponzi là một người đàn ông có tên Charles Ponzi. Quay về những năm 1990s, Ponzi phát hiện ra sự chênh lệch giá của tờ IRC – một loại phiếu dùng để đổi lấy tem gửi thư giữa các quốc gia. Giá tem thư bưu chính thời đó biến động và có một số nước thì giá tem thư cao hơn nước kia. Ponzi đã thuê mướn nhiều đại lý để mua IRC ở các nước rẻ và gửi cho ông ta. Sau đó, ông ta đổi phiếu này lấy tem thư ở những nơi đắt đỏ rồi đem bán. Vậy là có lợi nhuận.

Charles Ponzi - cha đẻ của mô hình lừa đảo siêu cấp

Ponzi sau đó trở nên tham lam và tìm cách để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Lấy danh nghĩa công ty của mình, ông đã hứa hẹn lợi nhuận 50% trong 45 ngày và 100% trong 90 ngày. Vì thấy Ponzi thành công trong lĩnh vực tem thư, nhà đầu tư đã ngay lập tức bị thu hút. Tuy nhiên, thay vì đem tiền đi đầu tư, Ponzi chỉ đem nó để trả lãi cho người cũ và lấy phần còn lại xem như lợi nhuận. Tuy nhiên, khi các chuyên gia tài chính nhận thấy rằng: Charles Ponzi không hề dùng tiền của nhà đầu tư để kinh doanh phiếu IRC, mọi người bắt đầu nghi ngờ, và vô số khách hàng không còn nhận được lãi như những cam kết từ trước. Mô hình của Ponzi sụp đổ. Tổng số tiền mà ông đã lừa ở thời điểm đó lên đến 15 triệu USD.

Ngày nay, công nghệ thay đổi và mô hình Ponzi cũng vậy. Vào năm 2008, Bernard Madoff bị tố cáo sử dụng mô hình lừa đảo Ponzi để tạo ra các báo cáo giao dịch giả mạo, nhằm chứng minh với nhà đầu tư rằng quỹ đầu tư của mình có lợi nhuận.

Ảnh minh họa cho vụ lừa đảo thế kỷ của Madoff.

Những dấu hiệu để nhận biết mô hình Ponzi

1. Hứa hẹn được nhận lợi nhuận khủng

Không có cái gì đạt được dễ dàng, càng không thể có lợi nhuận cao mà không phải bỏ ra công sức hoặc chấp nhận rủi ro. Vậy nên nếu tự nhiên có ai đó đến và hứa sẽ trả cho bạn lợi nhuận gấp 5, 10 thậm chí là 20 lần lãi suất ngân hàng thì hãy cảnh giác. Chẳng có một loại hình kinh doanh nào có thể trả được mức lợi nhuận như vậy. Và nếu có, hãy đặt câu hỏi: tại sao họ đưa cho bạn “cơ hội ngàn vàng” này? May mắn?

2. Không tạo ra giá trị

Phần lớn mô hình Ponzi không có sản phẩm cụ thể nào, hoặc bạn sẽ có rất ít thông tin về sản phẩm, dịch vụ hay hoạt động kinh doanh của họ. Đôi khi, họ lại sử dụng những sản phẩm chất lượng thấp, hoặc những dịch vụ vô nghĩa núp bóng công nghệ cao, để qua mặt người tham gia. Câu hỏi cần đặt ra lúc này là: họ lấy gì để trả lãi, hay lợi nhuận cho bạn?

3. Rút lại vốn là điều rất khó

Tham gia vào thì dễ nhưng muốn lấy lại tiền đầu tư ban đầu thì lại rất khó. Những người chủ ở trên luôn tìm cách để trì hoãn việc này. Lúc thì hệ thống lỗi, lúc thì đang trong quá trình tái đầu tư, nhân viên hỗ trợ thì không thể liên hệ. Sẽ có một ít, thậm chí rất ít nhà đầu tư nhận được tiền, đa phần đó là những người tham gia ban đầu, những người ở phần trên của kim tự tháp.

4. Phải mua sản phẩm trước khi tham gia

Thông thường, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một số tiền nào đó coi như là phí tham gia. Ví dụ như mua một khóa học, một loại sản phẩm, gói tài chính ngắn hạn nhưng mang lại nhiều lợi ích, không mua nhanh sẽ hết… Đây chính là lúc bạn móc hầu bao trả tiền, và họ sẽ đem số tiền này trả cho người khác.

5. Giấy tờ không minh bạch và rõ ràng

Chính xác hơn là nhà đầu tư không được quyền và không thể xem các giấy tờ của tổ chức. Bởi đơn giản là không có giấy tờ hợp pháp để xem. Không một mô hình Ponzi lừa đảo nào có thể cung cấp được giấy tờ hợp pháp cho bạn.