Presenteeism là gì?

...

Presenteeism (tạm dịch: sự cố gắng hiện diện mọi lúc) là một hiện tượng rất phổ biến đối với giới văn phòng trên toàn cầu, đặc biệt kể từ thập niên 1980.

Presenteeism
💡
Dù không được nhắc đến thường xuyên, song presenteeism (tạm dịch: sự cố gắng hiện diện mọi lúc) là một hiện tượng rất phổ biến tại môi trường công sở.

“Văn hóa hối hả” (tiếng Anh: hustle culture) được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng presenteeism.

Văn hóa công ty chính là yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu tình trạng presenteeism ở các nhân viên.

Theo định nghĩa bởi Từ điển Cambridge, presenteeism (tạm dịch: sự cố gắng hiện diện mọi lúc) là khi một nhân viên chứng tỏ sự chăm chỉ của bản thân bằng cách luôn ở lại văn phòng làm việc lâu hơn người khác, hoặc không xin nghỉ phép và cố gắng đến công ty dù đang bị bệnh. Dù không thuật ngữ presenteeism có phần khá xa lạ, song hiện tượng này thật chất rất phổ biến tại nhiều môi trường công sở.

Nguyên nhân dẫn đến “sự cố gắng hiện diện mọi lúc”

Lý do khiến nhiều người cố gắng làm việc mọi lúc, bất chấp những vấn đề cá nhân là do “lối sống hối hả” (tiếng Anh: hustle culture). Kể từ thập niên 1980, nhóm nhân viên văn phòng bắt đầu chạy theo chuẩn mực làm việc chăm chỉ, thậm chí đến mức kiệt quệ. Điều này thấy rõ nhất ở văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 7) của các công ty công nghệ Trung Quốc, văn hóa ppalli ppalli (nghĩa là nhanh chóng, vội vàng) của Hàn Quốc, tệ hơn là hiện tượng karoshi của Nhật Bản (làm việc đến mức tử vong).

Thêm vào đó, theo một nghiên cứu tại Hàn Quốc được thực hiện bởi Seung Won Jung, June-Hee Lee, và Kyung-Jae Lee; tại một số văn hóa công ty có tính cạnh tranh cao, nhiều nhân viên dù gặp vấn đề cá nhân vẫn cố gắng làm việc vì nỗi lo sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến, thậm chí mất việc nếu họ xin nghỉ phép. Họ cũng e ngại cấp trên sẽ hoài nghi về sự chăm chỉ, cũng như khả năng cống hiến hết mình cho công việc.

Ngoài ra, tại các công ty khởi nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, một nhân viên phải đảm nhận nhiều vị trí khác nhau cùng lúc. Do vậy, nếu xin nghỉ phép, tiến độ công việc sẽ bị đình trệ và không có người xử lý. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với các công việc mang tính đặc thù cao, không thể chuyển giao cho đồng nghiệp hoặc bộ phận khác.

Tác hại khi nhân viên “cố gắng hiện diện mọi lúc”

Đối với doanh nghiệp, thiệt hại lớn nhất là về mặt chi phí và thời gian. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, chỉ tính riêng tại Mỹ vào năm 2003, năng suất làm việc suy giảm đã khiến nền kinh tế tổn thất đến 61,2 tỷ USD.

Nguyên nhân là bởi vì khi những nhân viên đang gặp phải vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để tập trung. Từ đó, hiệu suất suy giảm có thể ảnh hưởng đến tốc độ xử lý công việc của các bộ phận còn lại. Tệ hơn thế, những cá nhân đang gặp vấn đề về thể chất, tinh thần và cảm xúc có thể mang đến nguồn năng lượng tiêu cực cho công ty. Vì đang cố gắng quá sức khi đang trong tình trạng tồi tệ, họ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, cáu gắt vô cớ với đồng nghiệp xung quanh. Điều đó sẽ khiến không khí nơi làm việc ngày càng căng thẳng, các nhân viên cũng khó lòng hợp tác làm việc cùng nhau.

Những nhân viên thường xuyên “cố gắng hiện diện để làm việc” có thể mang lại nhiều tác hại đối với công ty. Nguồn ảnh: Pixabay

Giải pháp nào cho cấp quản lý và nhân viên?

Theo kết quả của một nghiên cứu, văn hóa công ty chính là yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu tình trạng nhân viên “cố gắng hiện diện mọi lúc”. Đối với chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý, bước đơn giản nhất đó là khuyến khích nhân viên không nên làm việc quá sức, đồng thời dành thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, chính những người quản lý cũng nên làm gương cho cấp dưới. Điều đó sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và tối ưu hiệu suất tốt hơn.

Đối với nhân viên, hãy luôn ghi nhớ rằng phải giữ gìn sức khỏe thì chất lượng công việc mới được đảm bảo. Do vậy, trong trường hợp không thể làm việc, hãy trình bày lý do rõ ràng cho cấp trên, sau đó xin nghỉ phép hoặc xin về sớm để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Trong trường hợp đã giải thích cặn kẽ nguyên nhân nhưng vẫn không được thông cảm, đây là một dấu hiệu cảnh báo bạn nên lưu ý và cân nhắc nên tìm một chỗ làm mới.