Private Banking là gì?

...

Private banking là dịch vụ ngân hàng chuyên biệt chủ yếu phục vụ riêng cho các khách hàng có tài sản lớn.

Private Banking
💡
Khách hàng của private banking là những người sở hữu khối tài sản khổng lồ, hơn rất nhiều so với người bình thường.

Mục đích chính của private banking là giữ lại tối đa tài sản của khách hàng tại ngân hàng, do đó private banking phải xây dựng và cung cấp cho khách hàng các giải pháp độc quyền, có thể đáp ứng được phần lớn hoặc toàn bộ yêu cầu về tài chính của khách hàng.

Các chuyên viên của private banking (“private banker”) do đó cũng phải là những người giàu kinh nghiệm trong hầu hết lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, thuế,...

Private banking là dịch vụ ngân hàng chuyên biệt dành riêng cho các khách hàng có tài sản lớn - High Net Worth Individual. Private banking cung cấp sản phẩm khá đa dạng, từ bảo hiểm, đầu tư đến quản lý tài sản, kế hoạch thừa kế và chuyển giao tài sản cho tới các nhu cầu hoạch định cuộc sống như cư trú, y tế, thuế… Các chuyên viên của private banker do đó cũng phải là những người giàu kinh nghiệm trong hầu hết lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng,...

Khách hàng của private banking là những người sở hữu khối tài sản khổng lồ, hơn rất nhiều so với người bình thường. Người càng có nhiều tài sản thì càng có nhu cầu duy trì và bảo quản khối tài sản đó để chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp. Do vậy, những người này thường yêu cầu những dịch vụ được cá nhân hóa, phục vụ cho nhu cầu chuyên biệt của chính họ và gia đình.

Đặc điểm của private banking

Khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện

Đầu tiên, đối tượng nhắm đến của private banking là giới thượng lưu. Những cá nhân có tài sản lớn. Hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ private banking chỉ chấp nhận những khách hàng có giá trị tài sản có thể đầu tư ít nhất là 1.000.000 USD. Giá trị này chỉ tính trên các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền, các khoản tương đương tiền, và không bao gồm những thứ như bất động sản, đồ sưu tầm,...

Ngoài ra khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện riêng của ngân hàng để được hưởng các đặc quyền private banking như duy trì số dư tối thiểu dưới dạng tiền gửi, tài khoản hưu trí cá nhân (IRA), tài khoản đầu tư hoặc các loại tài sản khác.

Sự riêng tư

Sự riêng tư là đặc điểm cốt lõi mà các dịch vụ của private banking mang lại. Mục đích chính của private banking là giữ lại tối đa tài sản của khách hàng tại ngân hàng. Để làm được điều này, các ngân hàng phải xây dựng và cung cấp cho khách hàng các giải pháp độc quyền, có thể đáp ứng được phần lớn hoặc toàn bộ yêu cầu về tài chính của khách hàng. Các dịch vụ này cũng được giữ bí mật nhằm ngăn đối thủ cạnh tranh sao chép và thu hút khách hàng bằng một giải pháp tương tự.

Những người có tài sản lớn cũng thường ưa thích sự riêng tư và tính bảo mật của các ngân hàng, vì nó giúp họ che giấu các khoản đầu tư cá nhân. Một phần vì họ không muốn đối thủ cạnh tranh biết họ đang làm gì, và một phần họ muốn tránh những rắc rối về pháp lý liên quan đến những khoản đầu tư này nếu được công khai. Do đó những người càng giàu có càng muốn giữ bí mật về tài chính.

Đặc quyền

Khách hàng của ngân hàng tư nhân thường nhận được các đặc quyền như lãi vay thấp, lãi tiền gửi cao, được cung cấp dịch vụ két an toàn miễn phí. Ngoài ra, những khách hàng có hoạt động liên doanh xuất nhập khẩu hoặc kinh doanh ở nước ngoài khi thực hiện thanh toán có thể được hưởng ưu đãi về tỷ giá.

Các khách hàng của private banking còn được cung cấp những đặc quyền về đầu tư chuyên biệt. Ví dụ: khách hàng private banking có thể được cấp quyền tham gia vào quỹ đầu tư độc quyền, được quản lý bởi các đối tác hoặc chính công ty con của ngân hàng đó.

Các dịch vụ private banking cung cấp

Dịch vụ ngân hàng

Private banking cũng cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản như tiền gửi, chuyển khoản, vay, nhưng với nhiều ưu đãi hơn so với các dịch vụ thông thường. Nếu các dịch vụ khách hàng cá nhân thu phí theo từng giao dịch, thì private banking thường chỉ thu phí định kỳ, được thanh toán hằng tháng. Mức phí này sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ dịch vụ mà khách hàng yêu cầu và tùy vào lượng tài sản mà bạn giao cho ngân hàng quản lý.

Lên kế hoạch tài chính tổng hợp

Private banker có thể cố vấn khách hàng trong việc ra các quyết định tài chính quan trọng, chẳng hạn như quyết định mua nhà hoặc khi nào bắt đầu tiết kiệm cho việc học của con cái.

Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản

Private banker cũng kiêm vai trò nhà hoạch định và cố vấn tài chính, tư vấn cho khách hàng của họ về việc đầu tư, từ việc phân bổ tài sản đến quản lý rủi ro.

Lập kế hoạch di sản

Khách hàng có thể trao đổi với private banker về cách thiết lập kế hoạch di sản, mặc dù để làm được điều này cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia pháp lý như luật sư về thừa kế. Các private banker thường sẽ giới thiệu khách hàng của họ tới các chuyên gia đáng tin cậy cho mục đích đó.

Thu xếp tín dụng

Nhìn chung, một private banker có thể thu xếp các khoản tài trợ tín dụng cho khách hàng khi họ có nhu cầu. Ví dụ, khi khách hàng muốn mua nhà, bất động sản đầu tư hoặc bất động sản thương mại có thể liên hệ với private banker của họ để được hỗ trợ. Một chuyên viên có chuyên môn về các giải pháp tài chính bất động sản sẽ đưa ra những lựa chọn về tài chính tốt hơn cho các thương vụ có tính chất phức tạp. Đồng thời họ sẽ thu xếp các khoản vay phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính của bạn.

Lập kế hoạch thuế và hoạt động từ thiện

Các private banker có thể giúp khách hàng lập các chiến lược về thuế để đảm bảo vẫn tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ thuế, đồng thời tối ưu hóa dòng tiền giữ lại.

Những người có tài sản lớn thường quan tâm đến việc đóng góp cho xã hội thông qua các hoạt động từ thiện. Do đó, các private banking sẽ cung cấp các dịch vụ cố vấn cho khách hàng, giúp khách hàng kết nối với các chuyên gia có kinh nghiệm đang quản lý các quỹ từ thiện.

Ưu - nhược điểm

Ưu điểm

Đối với khách hàng, private banking cung cấp hầu như toàn bộ các giải pháp cho vấn đề tài chính. Khách hàng cũng được hưởng những ưu đãi và đặc quyền riêng biệt như vay lãi suất thấp, lãi suất tiền gửi cao, được cung cấp dịch vụ két an toàn miễn phí, và quyền tiếp cận các cơ hội đầu tư chuyên biệt.

Đối với ngân hàng, dịch vụ này cũng mang lại khoản lợi nhuận khá lớn. Đặc biệt là ở những quốc gia có mức lãi suất thấp như Hoa kỳ, các ngân hàng không thể kiếm nhiều lợi nhuận từ việc cho vay. Do vậy thu nhập từ các dịch vụ chuyên biệt như private banking đã trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận của họ.

Đối với private banker, dịch vụ này cung cấp cơ hội nghề nghiệp đáng mơ ước. Theo thống kê, mức lương trung bình cho một private banker tại Hoa Kỳ có thể lên đến hơn 180.000 USD/năm.

Nhược điểm

Thiếu minh bạch. Do bản chất “riêng tư” của private banking, nên các dịch vụ thường không được công bố rộng rãi. Do đó việc một khách hàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhu cầu có thể khó khăn.

Khó tuyển dụng nhân sự. Private banker đóng vai trò khá quan trọng góp phần tạo nên chất lượng dịch vụ của private banking. Tuy nhiên để tuyển dụng nhân sự cho vị trí này không hề đơn giản. Vì tính chất công việc yêu cầu chuyên viên phải có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực như quản lý tài sản, tư vấn thuế, thừa kế, đầu tư,... Mặt khác, việc giữ chân nhân sự trong ngành này cũng là một thách thức, do lúc nào họ cũng có thể bị các đối thủ giành mất người tài.

Giới hạn về chất lượng dịch vụ. Do phải cung cấp đa dạng dịch vụ, nhưng với nguồn lực giới hạn, một số dịch vụ sẽ có chất lượng thấp hơn so với tại các công ty chuyên, chẳng hạn như tư vấn thuế, pháp lý, hay đầu tư.