Quản trị tài chính là gì?

...

Quản trị tài chính là việc lập kế hoạch và đưa ra các quyết định tài chính, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận và làm tăng giá trị doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Quản trị tài chính
💡
Mục tiêu của quản trị tài chính nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp và tối đa hóa lợi nhuận ròng.

Quản trị tài chính giúp doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực hiện có với hiệu quả cao nhất.

Quản trị tài chính còn giúp các nhà quản trị có kế hoạch và dự toán chi phí hợp lý cho các tình huống phát sinh trong tương lai.

Quản trị tài chính doanh nghiệp (Financial Management) là việc lập kế hoạch và đưa ra các quyết định tài chính. Các quyết định này góp phần giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận và làm tăng giá trị doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mục tiêu của quản trị tài chính

Tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp: có thể hiểu rằng mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp kinh doanh là tăng lợi ích của các cổ đông, vì họ là chủ sở hữu của công ty và họ mua cổ phần của công ty với mong muốn nó sẽ tăng giá trị sau một khoảng thời gian. Điều đó có nghĩa rằng các quyết định tài chính nên được thực hiện theo định hướng làm tăng giá trị của doanh nghiệp, từ đó tăng giá trị cổ phiếu.

Tối đa hóa lợi nhuận ròng: là khả năng của công ty trong việc tạo ra doanh thu tối đa với mức chi phí là thấp nhất. Mức lợi nhuận ròng thu được sẽ phản ánh rõ doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không. Vì vậy, nó được xem là một trong những yếu tố quan trọng của quản trị tài chính.

Vai trò của quản trị tài chính

Giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực tài chính.

Giúp các nhà quản trị có kế hoạch và dự toán chi phí hợp lý cho các tình huống phát sinh trong tương lai.

Giúp doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực hiện có với hiệu quả cao nhất.

Đảm bảo các quyết định đầu tư, kinh doanh đưa ra đúng lúc, đúng chỗ và có hiệu quả, củng cố năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Công việc chính của quản trị tài chính

Ước tính nhu cầu vốn cần thiết

Các nhà quản trị tài chính có nhiệm vụ dự báo về lượng vốn cần thiết. Điều này phụ thuộc vào chi phí cũng như lợi nhuận dự kiến. Mọi ước tính này cần được thực hiện một cách đầy đủ nhất để có thể để làm tăng thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp.

Xác định cơ cấu vốn

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu nếu chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu. Vì thế để việc sử dụng vốn được hiệu quả, nhà quản trị cần linh hoạt sử dụng thêm vốn vay để làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển nhanh hơn.

Đánh giá và lựa chọn nguồn vốn

Nhà quản lý tài chính sẽ có nhiều phương án để có thể huy động vốn cho công ty. Khi đó cần phải lựa chọn một nguồn vốn nào có thể mang lại khả năng sinh lời lớn với mức chi phí thấp.

Đầu tư

Người quản lý tài chính sẽ phải đưa ra những quyết định về phân bổ dòng tiền vào các dự án, các khoản đầu tư mang tới lợi nhuận, nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn thu nhập cho doanh nghiệp..

Xử lý thặng dư

Giám đốc tài chính là người đưa ra những quyết định phân bổ lợi nhuận ròng theo 2 hướng sau:

  • Chi trả cổ tức cho các cổ đông.
  • Giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho doanh nghiệp.

Quản lý tiền mặt

Giám đốc tài chính sẽ đưa ra một số quyết định có liên quan tới việc quản lý tiền mặt. Tiền mặt được sử dụng cho các mục đích khác nhau chẳng hạn như việc trả lương, thanh toán các chi phí như tiền điện, nước, chi trả lãi vay…

Kiểm soát tài chính

Giám đốc tài chính không chỉ có nhiệm vụ lập kế hoạch cho việc sử dụng tài chính mà còn cần kiểm soát về tài chính. Việc làm này sẽ được thực hiện thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau như phân tích về tỷ lệ dự báo nguồn tài chính, chi phí và kiểm soát về lợi nhuận…

Nguyên tắc quản trị tài chính

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, loại hình doanh nghiệp cũng như chính sách hiện hành của nhà nước mà doanh nghiệp sẽ áp dụng những nguyên tắc quản trị tài chính phù hợp. Tuy nhiên, 5 nguyên tắc sau được áp dụng cho hầu hết các trường hợp:

Quản lý tài chính theo kế hoạch và hệ thống: Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Đồng thời, việc theo dõi, triển khai các hoạt động tài chính cũng diễn ra theo một quy trình nhất định giúp cho việc kiểm soát nguồn tài chính dễ dàng hơn.

Lợi nhuận lớn đi kèm với rủi ro cao: Mỗi quyết định tài chính của doanh nghiệp đều tiềm ẩn những rủi ro bên cạnh kỳ vọng về lợi nhuận. Việc của nhà quản trị là phân tích, kiểm soát và chấp nhận mức độ rủi ro (nếu xảy ra) để đảm bảo được mục tiêu “tối đa hóa lợi nhuận” thu về cho doanh nghiệp.

Giá trị thời gian của tiền: Khi sử dụng một khoản tiền lớn, bên cạnh chi phí cơ hội thì doanh nghiệp còn bị tác động bởi sự giảm (hoặc tăng) giá trị của tiền do các yếu tố liên quan đến lạm phát.

Ảnh hưởng của thuế: Tùy vào từng địa phương, doanh nghiệp có thể được hưởng những chính sách thuế khác nhau. Đôi khi, đây chính là yếu tố thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra một cách trơn tru hoặc ngược lại.

Vốn vay và vốn chủ sở hữu: Bên cạnh nguồn vốn hữu hạn của chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng cần sử dụng cả vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Đây cũng được coi là đòn bẩy tài chính mang lại hiệu quả kinh doanh cho bản thân doanh nghiệp nếu được sử dụng đúng cách.