Quiet Quitting là gì?

...

Quiet quitting (tạm dịch: nghỉ việc thầm lặng) là hiện tượng người lao động chỉ làm hết nhiệm vụ được giao, từ chối làm những công việc không tên và làm thêm giờ.

Quiet Quitting
💡
Quiet quitting là hiện tượng người lao động chỉ làm hết nhiệm vụ được giao, từ chối làm những công việc không tên và làm thêm giờ.

Hiện tượng này về bản chất có vài nét khá tương đồng với xu hướng “nằm yên” (lying flat) đang phổ biến tại Trung Quốc vài năm gần đây.

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến hiện tượng này.

Nhược điểm lớn nhất khi “nghỉ việc thầm lặng” là đánh mất cơ hội thăng tiến, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung.

Theo NPR, cụm từ quiet quitting (tạm dịch: nghỉ việc thầm lặng) bắt đầu lan truyền mạnh mẽ kể từ tháng 7/2022 - thời điểm tài khoản @zaidleppelin đăng tải video lên TikTok nói về vấn đề này. Tại phần bình luận, rất nhiều người đã chia sẻ quan điểm, trải nghiệm có liên quan. Tính đến cuối tháng 8/2022, từ khóa quiet quitting đã có gần 60 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Từ khóa này cũng xuất hiện dày đặc, thu hút nhiều sự quan tâm trên các trang mạng xã hội khác như LinkedIn, Twitter, Snapchat và YouTube.

Thực chất, cụm từ này không có nghĩa là bỏ việc hoàn toàn, mà là đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân. Người nhân viên vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong khung giờ quy định. Tuy nhiên, họ từ chối làm thêm giờ, không muốn ôm đồm thêm những công việc không nằm trong phận sự. Họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và bản thân.

Theo kết quả khảo sát 1.000 người do Resume Builder thực hiện vào tháng 8/2022, 26% thừa nhận họ là chỉ hoàn thành lượng công việc được giao, thậm chí ít hơn. Đáng chú ý, mặc dù quiet quitting đang là một xu hướng, song tỷ lệ này vẫn khá thấp trong khảo sát này, vì có đến 76% cho biết họ vẫn sẵn sàng nỗ lực làm việc, thậm chí nhiều hơn so với mô tả công việc.

Một điều khá thú vị là không ít người đã lựa chọn lối sống này trước cả khi cụm từ này phổ biến. Không chỉ vậy, định nghĩa của mỗi người về vấn đề này cũng không giống nhau.

Chia sẻ với trang CNBC Make It, Maggie Perkins - Giáo viên trung học 30 tuổi cho biết, khi cô sinh con gái nhỏ vào năm 2018 thì cô bắt đầu lựa chọn lối sống quiet quitting. Đó là thời điểm cô phải vạch ra ranh giới rõ ràng với công việc, nếu muốn đón con gái từ nhà trẻ đúng giờ. Kể từ đó, cô quyết định sẽ không làm quá 60 tiếng/tuần để có thời gian chăm sóc con gái, đồng thời tiếp tục theo học lấy bằng Tiến sĩ.

Trong khi đó, đối với Clayton Farris - một nhà sáng tạo làm việc tự do 41 tuổi tại Los Angeles, quiet quitting giống như một sự thay đổi về mặt tinh thần thay vì thay đổi lịch trình làm việc. Theo anh ấy, điều này giúp bản thân có thể đặt công việc sang một bên mà không cần thấy có lỗi về điều đó. Đó là một cách giúp anh có thể chăm sóc bản thân và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.

Hiện tượng quiet quitting về bản chất cũng có vài nét tương đồng với xu hướng ”nằm yên” (tiếng Anh: lying flat), đã và đang lan rộng tại Trung Quốc vài năm gần đây. Xu hướng “nằm yên” ý chỉ những người trẻ không còn muốn bị cuốn vào văn hóa vắt kiệt sức lao động 996 (tuần làm việc 6 ngày, từ 9h sáng đến 9h tối), cũng như không muốn chạy theo và đáp ứng những kỳ vọng quá cao từ gia đình, xã hội và chính phủ.

Tương tự như “nghỉ việc thầm lặng”, cụm từ này bắt đầu phổ biến từ một bài đăng trên mạng xã hội Baidu Tieba vào tháng 4/2021 của Luo Huazhong. Dù nhận được nhiều đồng tình từ giới trẻ, các quan chức cấp cao Trung Quốc lại công khai phản đối xu hướng này.

Theo trang SCMP, Luo Huazhong - một người đàn ông trong độ tuổi hai mươi đã sống theo phong cách “nằm yên” được hơn 2 năm cho biết, “nằm yên” ở đây không có nghĩa là chỉ nằm đó ngày qua ngày mà không làm gì cả. Theo Luo, đó là khi tâm trí anh nhận ra rằng có nhiều thứ không đáng để bận tâm hoặc bỏ ra nhiều công sức và nỗ lực. Luo cho biết, cuộc sống anh không có quá nhiều áp lực, không có nhiều tham vọng. Anh ấy không có một công việc ổn định và hiện đang sống chung với bố mẹ tại Chiết Giang.

Mặt khác, Yeung - nữ sinh viên năm cuối tại Đại học Toronto chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, cô mong muốn tìm được công việc thoải mái chứ không nhất thiết phải có lương cao. Yeung nói thêm, cô là kiểu người không thích cạnh tranh, đồng thời không muốn dành hết thời gian để kiếm tiền đến nỗi không có thời gian tiêu xài vào những thứ cho riêng mình.

Nguyên nhân dẫn đến quiet quitting

Chỉ trong vòng vài năm, văn hóa làm việc đã thay đổi rất nhiều do tác động của đại dịch toàn cầu COVID-10. Mô hình làm việc trở nên linh hoạt hơn, người lao động quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thể chất và tinh thần, thay vì chạy theo chủ nghĩa vật chất, hoặc lối sống hối hả (hustle culture) như trước đó. Ngoài ra, họ cũng sẵn sàng rời bỏ chỗ làm cũ để tìm cơ hội khác tốt hơn với mức thu nhập tương xứng với năng lực, có đầy đủ phúc lợi cần thiết, cuối cùng là phù hợp với những giá trị cá nhân của họ.

Hiện tượng quiet quitting cũng là một trong những thay đổi đó. Giờ đây, đối với nhiều người, công việc không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Theo huấn luyện viên nghề nghiệp Bryan Creely, một nguyên nhân khá lớn đó là vì trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhiều người đã cảm thấy quá mệt mỏi vì cạn kiệt năng lượng (burnout) và bị buộc phải quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian.

Nhiều người lựa chọn quiet quitting vì cảm thấy mệt mỏi do áp lực công việc. Nguồn ảnh: Alex Kotliarskyi / Unsplash

Bên cạnh đó, có khá nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng này. Dựa trên kết quả khảo sát của Resume Builder đã đề cập ở trên, những nguyên nhân dẫn đến quiet quitting bao gồm:

  • Không muốn làm những nhiệm vụ “không tên” vốn không nằm trong mô tả công việc, hợp đồng lao động ban đầu.
  • Những nhiệm vụ “không tên” không mang lại nhiều lợi ích, giá trị lâu dài cho hành trình sự nghiệp của họ.
  • Không muốn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, cũng như ranh giới cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân.

Theo quan điểm của Ed Zitron - Giám đốc điều hành cấp cao tại tổ chức quan hệ công chúng EZPR, một nguyên nhân khác đó là người quản lý trực tiếp đã không nỗ lực để trợ giúp nhân viên, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh. Nói ngắn gọn hơn, nhiều nhân viên tự hỏi vì sao họ phải nỗ lực 120% khi cấp trên của họ không hề làm điều tương tự. Hơn nữa, làm việc chăm chỉ sẽ chẳng có ích gì nếu cấp trên là một người vô tâm, chỉ muốn bóc lột nhân viên.

“Nghỉ việc thầm lặng” phải đánh đổi điều gì?

Không khó để nhận ra rằng nhược điểm lớn nhất đó chính là đánh mất cơ hội thăng chức, tăng lương. Theo phân tích từ Matt Spielman - Giám đốc tại công ty huấn luyện nghề nghiệp Inflection Point Partners, khi lựa chọn làm việc như vậy, cơ hội thăng chức thấp, ít có lương thưởng là điều không thể tránh khỏi. Trong thời đại kinh tế biến động khó lường, rất dễ để rơi vào tình trạng thiếu hụt về mặt tiền bạc.

Kevin O’Leary - Shark Tank và là Chủ tịch của quỹ ETF O’Shares chia sẻ với CNBC, quiet quitting không hề tốt cho chặng đường sự nghiệp về lâu về dài. Bạn cần phải tiến xa, tức là nỗ lực nhiều hơn nếu muốn gặt hái được thành công trong tương lai.

Tệ hơn thế, theo Jim Harter - Nhà nghiên cứu về văn hóa công sở, những người làm việc theo phong cách này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung của công ty. Cụ thể hơn, họ có thể khiến những đồng nghiệp còn lại phải gồng gánh nhiều công việc hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, hiện tượng “nghỉ việc thầm lặng” đang được quan tâm và có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh. Rất khó để phân định đúng sai vì có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến hiện tượng này. Dẫu vậy, đó có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi về quan điểm mạnh mẽ của lực lượng lao động trong tương lai gần. Dù muốn hay không, cấp quản lý và ban lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn đến nhân viên về mặt phúc lợi nếu muốn giữ chân nhân viên tài năng, đồng thời không khiến họ mất đi hứng thú và niềm vui với công việc.