Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

...

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ
💡
Tài sản trí tuệ là những sản phẩm được tạo ra bởi sự sáng tạo của bộ óc con người.

Tài sản trí tuệ có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v…

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc đảm bảo cho người sáng tạo, hoặc chủ sở hữu có thể khai thác giá trị kinh tế từ các tài sản trí tuệ của mình để bù đắp lại công lao nghiên cứu, sáng tạo.

Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm được tạo ra bởi sự sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v… Quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc đảm bảo cho người sáng tạo, hoặc chủ sở hữu có thể khai thác giá trị kinh tế từ các tài sản trí tuệ của mình để bù đắp lại công lao nghiên cứu, sáng tạo.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ nhãn hiệu được bảo hộ 10 năm, bằng độc quyền sáng chế có thời hạn bảo hộ là 20 năm. Tuy nhiên cũng có tài sản trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn, ví dụ như chỉ dẫn địa lý.

Nếu hết thời hạn được bảo hộ, các tài sản trí tuệ sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi người có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người sáng tạo.

Đặc điểm của tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình và có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tài sản vật chất. Điển hình là các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Facebook, Google đều có giá trị tài sản trí tuệ chiếm phần lớn cơ cấu tài sản.

Chủ sở hữu và người tạo ra tài sản trí tuệ có thể là hai người khác nhau. Có nhiều trường hợp người tạo ra tài sản trí tuệ là người sáng tạo ra tài sản nhưng chủ sở hữu lại là doanh nghiệp đầu tư cho việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm nhằm tạo ra tài sản trí tuệ đó.

Một sản phẩm có thể được bảo hộ bởi nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ sản phẩm điện thoại Iphone được bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đối với thiết kế, quyền tác giả với hệ điều hành IOS.

Các loại tài sản trí tuệ

Tác phẩm: là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Ví dụ: phim ảnh, nhạc phẩm, tác phẩm văn học,...

Sáng chế: là sản phẩm, quy trình công nghệ do con người tạo ra. Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp “Bằng độc quyền sáng chế” hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Tên thương mại: là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với chủ thể kinh doanh khác trong cùng thị trường kinh doanh.

Bí mật kinh doanh: là các thông tin kinh doanh bất kỳ, có khả năng tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh có thể coi là bí mật kinh doanh. Ví dụ: công thức đồ uống của Coca-cola là một trong những bí mật kinh doanh lớn nhất mọi thời đại.

Kiểu dáng công nghiệp: là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. VÍ dụ như hình dáng bên ngoài của chiếc xe ôtô, xe máy hoặc hình dáng thể hiện bao bì của một sản phẩm sẽ được gọi là kiểu dáng công nghiệp.

Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nguồn gốc địa lý mang tính bảo đảm cho chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính bản địa của sản phẩm. VÍ dụ: chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm.