R&D là gì?

...

R&D là viết tắt của Research and Development, còn được gọi là hoạt động nghiên cứu và phát triển.

R&D
💡
R&D là hoạt động nghiên cứu với mục tiêu tạo ra những cải tiến, đổi mới tích cực cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tiến hành R&D vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Công việc chính của hoạt động R&D gồm: Phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ, phát triển bao bì và phát triển quy trình.

R&D là gì?

R&D là viết tắt của Research and Development, còn được gọi là hoạt động nghiên cứu và phát triển. R&D bao gồm bất kì hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu – phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Nói một cách đơn giản, R&D là hoạt động nghiên cứu với mục tiêu tạo ra những cải tiến, đổi mới tích cực cho doanh nghiệp.

Mục đích của R&D

Các doanh nghiệp tiến hành R&D vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Trước khi bất kỳ sản phẩm mới nào được tung ra thị trường, nó phải trải qua các giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

Dưới áp lực cạnh tranh từ các đối thủ và sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ, R&D trở nên rất quan trọng để các doanh nghiệp duy trì vị thế. R&D cho phép các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mà đối thủ cạnh tranh của họ khó có thể sao chép được. Các kết quả nghiên cứu có thể giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, tăng tỷ suất lợi nhuận, tiếp tục tạo ra lợi thế vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Những công việc chính của R&D

Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Product R&D): là các nghiên cứu và phát triển thuần túy về mặt hàng hóa nhằm cho ra đời những hàng hóa có thiết kế, chất liệu, đặc tính, chức năng mới. Chẳng hạn, sản phẩm nước mắm làm từ cá hồi, bột nêm làm từ rong biển, trà thảo mộc đóng chai, cửa nhựa uPVC… Công việc nghiên cứu và phát triển này thường chú trọng nhiều đến công thức hàng hóa, thành phần cấu tạo, màu sắc, hương vị, chất liệu, kiểu dáng sản phẩm… Trong đó, nghiên cứu, phát triển hàng hóa còn bao gồm cả việc nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.

Nghiên cứu và phát triển công nghệ (Technology R&D): là việc nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ sản xuất, chế biến tối ưu để cho ra đời sản phẩm với chất lượng và giá thành tối ưu cũng là một trong những chức năng trọng yếu của phòng ban nghiên cứu, phát triển. Ví dụ như công nghệ lên men tự nhiên khác với công nghệ thủy phân bằng a-xít trong sản xuất nước tương, công nghệ sản xuất bia tươi khác với bia “luộc”, công nghệ pha chế hương liệu trong ngành thức uống.

Nghiên cứu – phát triển bao bì (Packaging R&D): Trong ngành công nghiệp thực phẩm, với những doanh nghiệp chuyên sản xuất những mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như: mì ăn liền, sữa, thức uống đóng chai… thì nhiệm vụ nghiên cứu - phát triển bao bì rất được chú trọng. Chẳng hạn đối với sản phẩm trà xanh đóng chai phải được chiết rót ở nhiệt độ cao, buộc phải có một loại chai nhựa làm bằng chất liệu chịu nhiệt mà không bị biến dạng, không độc hại. Vì thế bộ phận R&D phải nghiên cứu để chọn một loại chất liệu phù hợp với khoản chi hợp lý nhất cho sản phẩm này.

Nghiên cứu – phát triển quy trình (Process R&D): đây được xem là hoạt động nghiên cứu - phát triển “phần mềm” với mục đích cải tiến, phát triển quy trình vận hành máy móc, quy trình sản xuất sản phẩm, quy trình phục vụ… Việc cải tiến được một quy trình thành công sẽ góp phần đem lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp nào chi nhiều nhất cho R&D?

R&D được áp dụng trên các ngành và lĩnh vực khác nhau, trong đó, các công ty dược phẩm, phần mềm, công nghệ và chất bán dẫn phải chịu chi tiêu R&D cao nhất. Dưới đây là danh sách các công ty nổi bật có ngân sách khổng lồ cho hoạt động R&D:

  1. Amazon 22,6 tỷ USD: Năm 2017 Amazon đã chi 22,6 tỷ USD, rót vốn này vào Amazon Web Services (AWS), Alexa và các công nghệ mới.
  2. Alphabet (Google) 16,6 tỷ USD: Trong năm 2017, Alphabet đã đầu tư 6,6 tỷ USD vào việc nghiên cứu các công nghệ mới nhằm thúc đẩy sự phát triển.
  3. Apple 11,6 tỷ USD: Năm 2017, Apple đã chi 11,6 tỷ USD cho nghiên cứu và đổi mới trong nỗ lực tạo ra các sản phẩm tiên tiến cho doanh nghiệp.
  4. Facebook 7,8 tỷ USD: Năm 2017, Facebook đã chi khoảng 7,8 tỷ USD để nâng cao năng lực về công nghệ của mình.
  5. Pfizer 7,7 tỷ USD: Năm 2017 Pfizer đã đầu tư 7,7 tỷ USD để nghiên cứu các loại thuốc mới.
  6. Tesla 0,8 tỷ USD: Năm 2017, Tesla đã chi khoảng 0,8 tỷ USD cho các thiết kế ôtô và công nghệ mới.