ROE là gì?

...

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity - viết tắt là ROE) là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp.

ROE
💡
Tỷ suất lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu là chỉ số đo lường khả năng tạo ra lợi nhuận từ Vốn chủ sở hữu.

ROE được tính bằng cách lấy Lợi nhuận sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu.

ROE càng cao cho thấy doanh nghiệp càng sử dụng hiệu quả nguồn vốn chủ sở hữu

Chỉ số ROE là một trong các chỉ số đánh giá khả năng sinh lời. ROE cho biết với một đồng Vốn chủ sở hữu (“VCSH”) bỏ ra thì doanh nghiệp sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Chỉ số này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng càng hiệu quả vốn của cổ đông.

ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ("LNST") chia cho vốn chủ sở hữu ("VCSH") bình quân.

ROE = LNST / VCSH bình quân

Lợi nhuận sau thuế và VCSH có thể dễ dàng tìm thấy trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Cũng giống như tổng tài sản, VCSH của doanh nghiệp có thể thay đổi tăng hoặc giảm trong kỳ. Vì thế việc lấy VCSH trung bình sẽ cho kết quả chuẩn xác hơn. VCSH bình quân được tính bằng cách lấy trung bình cộng của VCSH ở đầu kỳ và cuối kỳ.

VCSH bình quân = (VCSH đầu kỳ + VCSH cuối kỳ) / 2

ROE được dùng để làm gì?

Các nhà đầu tư dùng ROE để so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành, hoặc so sánh ROE của doanh nghiệp với ROE trung bình ngành trước khi ra quyết định đầu tư. Doanh nghiệp nào có ROE cao hơn cho thấy hiệu quả sử dụng vốn cao hơn.

Hạn chế của chỉ số ROE

Khi sử dụng ROE để so sánh các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành với nhau. Vì ngành kinh doanh khác nhau sẽ có cơ cấu nguồn vốn khác nhau.

ROE cao không phải lúc nào cũng tốt. Khi xem xét ROE chúng ta chỉ lấy số liệu từ vốn chủ sở hữu. Trên thực tế, ROE cao cũng có thể do doanh nghiệp đang sử dụng nhiều nợ vay hơn mức cần thiết để tạo ra lợi nhuận cao. Vì thế khi sử dụng chỉ số ROE ta cần kết hợp thêm với các chỉ số khác như ROA để có cái nhìn tổng quan nhất.

Chỉ số này được tính dựa trên số liệu của một khoản thời gian nhất định (thông thường là một năm) nên không phản ánh được cả quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài hơn một năm.

Ví dụ về tính ROE

Tính chỉ số ROE của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk trong năm 2020.

Tại BCTC của Vinamilk trong năm 2020 ta có các số liệu sau:

Lợi nhuận sau thuế: 11.236 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 là: 33.647 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2019 là: 29.731 tỷ đồng.

Từ dữ kiện trên ta có thể tinh được:

VCSH bình quân = (VCSH đầu kỳ + VCSH cuối kỳ)/2 = (33.647 + 29.731)/2 = 31.689 tỷ đồng
ROE = Lợi nhuận sau thuế / VCSH bình quân = 11.236 / 31.689 = 0,3546 = 35,46%