Suy thoái kinh tế là gì?

...

Suy thoái kinh tế (Recession hoặc Economic downturn) là một thuật ngữ trong kinh tế học vĩ mô, mô tả sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trong một khu vực nhất định.

Suy thoái kinh tế
💡
Tình trạng suy thoái kinh tế thường được ghi nhận kinh tế tăng trưởng âm, được phản ánh bởi chỉ số GDP kết hợp với các chỉ số khác như việc làm.

Suy thoái là một giai đoạn bắt buộc trong chu kỳ kinh tế, bao gồm: suy thoái, phục hồi và bùng nổ.

Các cuộc suy thoái kinh tế thường có những biểu hiện chung như: vận tải biển suy yếu, dự báo GDP kém khả quan, nhu cầu về dầu mỏ thấp, thị trường chứng khoán sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Suy thoái kinh tế (Recession hoặc Economic downturn) là một thuật ngữ trong kinh tế học vĩ mô, mô tả sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trong một khu vực nhất định.

Tình trạng suy thoái kinh tế thường được ghi nhận kinh tế tăng trưởng âm, được phản ánh bởi chỉ số GDP kết hợp với các chỉ số khác như việc làm.

Mỗi quốc gia đều sẽ trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế. Bởi suy thoái là một giai đoạn bắt buộc trong chu kỳ kinh tế, bao gồm: suy thoái, phục hồi và bùng nổ.

Biểu hiện của suy thoái kinh tế

Mỗi quốc gia, khu vực với những đặc điểm riêng về chính trị, kinh tế, xã hội sẽ có những biểu hiện khác nhau về suy thoái. Tuy nhiên, các cuộc suy thoái kinh tế thường có những biểu hiện chung như:

Vận tải biển suy yếu

Vận tải biển là một chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” của tài chính toàn cầu, bởi lẽ phần nhiều hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng phương thức này. Những hàng hóa đó bao gồm mọi thứ, từ dầu thô, nông sản cho tới ôtô xe máy.

Dự báo kém khả quan về GDP

Các tổ chức kinh tế toàn cầu đồng loạt giảm mức dự báo tăng trưởng GDP, thêm vào đó là những báo cáo kém khả quan về tình hình kinh tế, giá cả thị trường, sự biến động của thị trường tài chính,… Khi đó, khả năng rất lớn là quốc gia hay thế giới đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Nhu cầu dầu mỏ yếu

Nhu cầu về dầu mỏ quyết định rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Nếu như nhu cầu tiêu thụ dầu giảm thì đó là báo hiệu cho sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán suy giảm

Sự suy giảm trên thị trường chứng khoán cũng là minh chứng rõ ràng cho sự suy thoái kinh tế. Điều này sẽ được thể hiện rõ qua sự sụt giảm đáng kể của các chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán, ví dụ như chỉ số VNINDEX.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Mặc cho các gói kích thích kinh tế được đưa ra, sự suy thoái vẫn sẽ tác động lên tỷ lệ thất nghiệp của các quốc gia. Không chỉ những đất nước kém phát triển mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng không thể tránh khỏi tình trạng này.

Nguyên nhân của suy thoái kinh tế

Những nguyên nhân đích thực của suy thoái kinh tế là đối tượng tranh luận sôi nổi giữa các nhà lý thuyết và những người làm chính sách. Mặc dù phần lớn đều thống nhất rằng các đợt suy thoái kinh tế đều được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố bên trong (nội sinh) theo chu kỳ và các cú sốc từ bên ngoài (ngoại sinh).

Nhìn chung, các yếu tố “ngoại sinh”, phát sinh từ môi trường bên ngoài như giá dầu, chiến tranh, thiên tai,… là nguyên nhân tất yếu dẫn đến suy thoái kinh tế nhất thời.

Trường phái kinh tế học Áo cho rằng lạm phát chính là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chính những thời kỳ suy thoái này lại chính là động lực để điều chỉnh, thay đổi những vấn đề còn chưa hiệu quả trong quá trình phát triển – tăng trưởng kinh tế.

Các mô hình suy thoái kinh tế

Các nhà kinh tế học hay miêu tả kiểu suy thoái kinh tế theo hình dáng của đồ thị tăng trưởng theo quý, cụ thể như:

Suy thoái hình chữ V: Đây là kiểu suy thoái diễn ra với tốc độ nhanh; đồng thời tốc độ phục hồi cũng nhanh.

Suy thoái hình chữ V, như trường hợp suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ năm 1953. Nguồn: Wikipedia.

Suy thoái hình chữ U: Đây là kiểu suy thoái mà pha phục hồi xuất hiện rất chậm. Nền kinh tế sau một thời kỳ suy thoái mạnh tiến sang thời kỳ vất vả để thoát khỏi suy thoái. Trong thời kỳ thoát khỏi suy thoái, có thể có các quý tăng trưởng dương và tăng trưởng âm xen kẽ nhau.

Suy thoái hình chữ U, như trường hợp suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ trong các năm 1973-1975. Nguồn: Wikipedia.

Suy thoái hình chữ W: Đây là kiểu suy thoái liên tiếp. Nền kinh tế vừa thoát khỏi suy thoái được một thời gian ngắn lại tiếp tục rơi vào đợt suy thoái mới.

Suy thoái hình chữ W, như trường hợp suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ đầu thập niên 1980. Nguồn: Wikipedia.

Suy thoái hình chữ L: Trong mô hình này, nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng suốt một thời gian dài. Một số nhà kinh tế học gọi tình trạng suy thoái “không lối thoát” này là “khủng hoảng kinh tế”.

Suy thoái hình chữ L, như trường hợp Thập kỷ mất mát (Nhật Bản)Nguồn: Wikipedia.