Tính kinh tế theo quy mô là gì?

...

Tính kinh tế theo quy mô mô tả lợi thế về chi phí mà một công ty đạt được khi tăng quy mô sản xuất.

Tính kinh tế theo quy mô
💡
Tăng sản xuất và giảm chi phí dẫn đến hiệu quả kinh tế theo quy mô vì các chi phí cố định không tăng theo quy mô sản xuất, do đó tổng chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ tăng ít hơn.

Tính kinh tế theo quy mô có tầm quan trọng trong quản trị vì chúng giúp mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Tính kinh tế theo quy mô có thể được chia thành hai loại khác nhau, đó là tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh và nội sinh.

Tính kinh tế theo quy mô là gì?

Tính kinh tế theo quy mô - economies of scale là lợi thế về chi phí mà doanh nghiệp có được khi tăng sản lượng đầu ra. Nếu doanh nghiệp sản xuất với quy mô càng lớn, thì chi phí và giá thành trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, làm gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.

Lợi thế này có được nhờ mối quan hệ nghịch giữa chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm với tổng số lượng sản phẩm được làm ra. Nói một cách đơn giản, khi sản lượng càng tăng thì chi phí cố định bình quân trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm.

Ngoài ra, tính kinh tế theo quy mô còn đóng vai trò giảm thiểu “biến phí” trung bình khi tăng sản lượng. Điều này xảy ra nhờ vào sự tối ưu hiệu quả vận hành giữa các bộ phận, đến từ việc tăng quy mô sản xuất.

Nguyên nhân xuất hiện tính kinh tế theo quy mô

Thứ nhất, do các chi phí cố định không tăng theo quy mô sản xuất. Vì vậy khi sản lượng tăng, doanh nghiệp sẽ đạt được lợi thế do các chi phí cố định này được phân bổ cho nhiều sản phẩm đầu ra hơn, dẫn đến tổng chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống.

Ví dụ: Tiệm bánh ABC có chi phí thuê mặt bằng là 20 triệu mỗi tháng, hiện tại tiệm có doanh số bán khoảng 1.000 bánh / tháng. Như vậy chi phí thuê mặt bằng được phân bổ trên mỗi cái bánh bán ra sẽ là 20.000 đồng (20 triệu / 1.000 cái bánh). Giả sử, do áp dụng hiệu quả chiến dịch quảng cáo, doanh số tiệm bánh được đẩy lên 4.000 cái bánh mỗi tháng. Lúc này chi phí thuê mặt bằng phân bổ cho mỗi cái bánh được giảm xuống  đáng kể, chỉ còn 5.000 đồng / cái bánh.

Thứ hai, do tính chuyên môn hóa. Một số doanh nghiệp nhỏ, mỗi nhân sự phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Nhưng khi quy mô công ty phát triển, có nhiều nguồn lực hơn để thuê thêm lao động, thì mỗi người lao động có thể tập trung vào một công việc cụ thể và giải quyết chúng hiệu quả hơn. Như vậy, với cùng khoảng thời gian và cùng một khoản chi phí nhân công, công ty sẽ được hưởng lợi nhiều hơn do hiệu quả làm việc của người lao động đã được cải thiện.

Thứ ba, giảm chi phí nhờ vào việc chiết khấu từ nhà cung cấp. Nếu tăng quy mô sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải mua nhiều hàng hóa hơn từ nhà cung cấp. Với các đơn đặt hàng số lượng lớn có thể giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế đàm phán, nhờ đó dễ dàng đạt được các thỏa thuận ưu đãi hơn như chiết khấu, giảm chi phí vận chuyển,...

Các loại hình của tính kinh tế quy mô

Tính kinh tế theo quy mô nội sinh - Internal economies of scale

Tính kinh tế theo quy mô nội sinh chỉ xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp, đây có thể là kết quả của các chiến lược quản trị riêng của doanh nghiệp đó. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí nhờ vào quy mô doanh nghiệp lớn, hoặc nhờ vào việc áp dụng công nghệ độc quyền cho phép doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất với mức chi phí thấp hơn. Các doanh nghiệp lớn hơn thì càng có lợi thế tận dụng tính kinh tế theo quy mô nội sinh. Bởi vì họ có khả năng thu mua tài nguyên theo số lượng lớn, có bằng sáng chế hoặc các công nghệ đặc biệt, hoặc vì họ có lợi thế về tài chính hơn do có thể dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn lớn.

Tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh - External economies of scale

Tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh xảy ra nhờ vào các yếu tố bên ngoài, hoặc các yếu tố có ảnh hưởng đến phần lớn các công ty trong ngành. Điều này có nghĩa là phần lớn các đối thủ cạnh tranh cũng có khả năng tận dụng các yếu tố này. Tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh xảy ra khi xuất hiện một nguồn cung ứng lao động chất lượng cao, các chính sách ưu đãi ngành như một khoản trợ cấp hoặc các ưu đãi về thuế, quan hệ đối tác và liên doanh. Nói tóm lại, chúng là tất cả mọi thứ có thể giúp các doanh nghiệp trong cùng ngành giảm thiểu chi phí.