Unicorn là gì?

...

Startup kỳ lân (Unicorn) là một thuật ngữ được sử dụng trong ngành đầu tư mạo hiểm dùng để mô tả một công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD.

Unicorn
💡
Unicorn là cách mà Aileen Lee – nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture gọi tên những công ty khởi nghiệp hay những doanh nghiệp tư nhân được định giá trên một tỷ USD.

Lý do chọn kỳ lân để làm biểu trưng có lẽ do độ hiếm của các startup tỷ đô vào thời điểm đó, khi Aileen Lee chỉ tìm ra 39 doanh nghiệp đủ điều kiện.

Ngày nay, người ta thường dùng những thuật ngữ có liên quan đến unicorn để chỉ những startup nổi bật, ví dụ như Minicorn là những startup được định giá trên 1 triệu USD và có triển vọng trở thành Unicorn.

Startup kỳ lân là gì?

Startup kỳ lân (Unicorn) là một thuật ngữ được sử dụng trong ngành đầu tư mạo hiểm dùng để mô tả một công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD.

Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên trong một bài báo được đăng trên TechCrunch vào năm 2013. Đây là cách mà Aileen Lee – nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture gọi tên những công ty khởi nghiệp hay những doanh nghiệp tư nhân được định giá trên một tỷ USD.

Lý do chọn kỳ lân để làm biểu trưng có lẽ do độ hiếm của các startup tỷ đô vào thời điểm đó, khi Aileen Lee chỉ tìm ra 39 doanh nghiệp đủ điều kiện. Và những công ty này chỉ chiếm 0.07% tổng số các công ty khởi nghiệp theo số liệu được ghi nhận vào năm 2013.

Thuật ngữ liên quan

Minicorn: là những công ty được định giá hơn 1 triệu USD và đang trên đà phát triển để trở thành một startup kỳ lân.

Decacorn - siêu kỳ lân: là thuật ngữ để chỉ những startup kỳ lân được định giá trên 10 tỷ USD.

Hectocorn - kỳ lân trăm sừng: là thuật ngữ chỉ những startup kỳ lân được định giá trên 100 tỷ USD.

Các startup kỳ lân tại Đông Nam Á

Từ con số khiêm tốn chỉ có ba kỳ lân vào năm 2014 tại Đông Nam Á, hệ sinh thái hiện nay được cải thiện rõ rệt và tinh thần khởi nghiệp tràn ngập các startup tỷ đô. Dưới đây là danh sách các kỳ lân Đông Nam Á dựa trên dữ liệu tổng hợp bởi e27.

1. Ajaib

Ajaib là một nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến ở Indonesia. Theo thông tin từ Bloomberg, công ty đã đạt được mức định giá 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn 153 triệu USD do DST dẫn đầu.

  • Năm thành lập: 2019
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 4/10/2021

2. Ascend Money

Ascend Money vận hành nền tảng dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số TrueMoney. Theo giới thiệu của công ty, nền tảng này phục vụ hơn 50 triệu người dùng thông qua ứng dụng ví điện tử và 88.000 đại lý TrueMoney.

  • Năm thành lập: 2013
  • Trụ sở chính: Thái Lan
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 9/2021

3. Bitkub

Bitkub là một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử cùng tên có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan. Công ty cung cấp các dịch vụ, bao gồm trao đổi tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số, giải pháp blockchain và dịch vụ tư vấn ICO, giáo dục và các công ty đầu tư. Công ty khởi nghiệp này nhằm mục đích thúc đẩy hệ sinh thái tiền điện tử và blockchain, hướng tới việc áp dụng rộng rãi ở Thái Lan.

  • Năm thành lập: 2018
  • Tổng số tiền huy động được: Không tiết lộ
  • Trụ sở chính: Thái Lan
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 3/11/2021

4. Blibli

Trong khi công ty chưa chính thức công bố thông tin, Kusumo Martanto - Giám đốc điều hành của Blibli - tiết lộ rằng công ty đã đạt được vị thế kỳ lân. Blibli.com là một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến đầu tiên ở Indonesia.

  • Năm thành lập: 2010
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 6/8/2021

5. Bukalapak

Được thành lập bởi 3 người bạn, Bukalapak là một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công đáng chú ý nhất của Indonesia. Bukalapak - có nghĩa là 'mở gian hàng' trong tiếng Indonesia – đã giúp hàng triệu cửa hàng bán lẻ nhỏ tại địa phương bán hàng trực tuyến. Tháng 8 năm nay, công ty này đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

  • Năm thành lập: 2010
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Tổng số tiền huy động được: 784 triệu USD
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 10/1/2018

6. Carousell

Hồi tháng 9, công ty kinh doanh rao vặt trực tuyến Carousell (đơn vị chủ quản của Chợ Tốt) công bố huy động thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, do STIC Investments của Hàn Quốc dẫn đầu. Startup có trụ sở tại Singapore hiện được định giá 1,1 tỷ USD và trở thành kỳ lân của Đông Nam Á.

  • Năm thành lập: 2012
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 15/9/2021

7. Carro

Hồi tháng 6, startup Carro công bố huy động thành công 360 triệu USD với mức định giá hơn 1 tỷ USD và gia nhập câu lạc bộ kỳ lân Đông Nam Á. Vòng gọi vốn này dẫn đầu bởi SoftBank Vision Fund 2 - quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Nhật Bản SoftBank. Carro cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc sở hữu ôtô, từ mua bán, các giải pháp tài chính đến dịch vụ sau bán hàng.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 15/6/2021

8. Carsome

Carsome là kỳ lân đầu tiên của Malaysia. Bên cạnh thị trường quê nhà, công ty này đã có mặt tại Indonesia, Thái Lan và Singapore. Carsome cho biết công ty đạt doanh thu hàng năm 800 triệu USD và đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD trong năm nay. Công ty cung cấp các giải pháp từ đầu đến cuối cho người tiêu dùng và các đại lý ôtô đã qua sử dụng - từ kiểm tra xe, chuyển quyền sở hữu đến vay vốn.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Malaysia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 13/7/2021

9. Flash Group

Flash Group – công ty cung cấp các dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, bao gồm cả dịch vụ giao hàng Flash Express, đã trở thành kỳ lân đầu tiên của Thái Lan sau khi huy động thành công 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D + và E. Startup này được định giá hơn 1 tỷ USD.

  • Năm thành lập: 2017
  • Trụ sở chính: Thái Lan
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 2/1/2021

10. Gojek

Trước khi cùng với Tokopedia sáp nhập thành GoTo, Gojek là một trong những startup giá trị nhất Đông Nam Á. Từ một ứng dụng gọi xe ôm ra đời năm 2010, công ty đã phát triển thành một hệ sinh thái cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng: từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, mát-xa tại nhà cho đến thanh toán di động.

  • Năm thành lập: 2010
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 5/8/2016

11. Grab

Grab là ứng dụng gọi xe do Anthony Tan và Hooi Ling sáng lập năm 2012 tại Malaysia với tên gọi ban đầu MyTeksi. Tháng 8/2013, startup này đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi. Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore. Đầu năm 2016, công ty đổi tên thành Grab. Công ty này dự kiến IPO tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt).

  • Năm thành lập: 2012
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: tháng 5/2015

12. J&T Express

Theo dữ liệu ghi nhận vào tháng 4 của hãng phân tích CBInsight, công ty chuyển phát nhanh J&T Express có mức định giá lên đến 7,8 tỷ USD và là một trong những kỳ lân giá trị nhất Indonesia.

Công ty này ra đời năm 2015, được sáng lập bởi ông Jet Lee - cựu CEO OPPO Indonesia và ông Tony Chen - người sáng lập OPPO. Các nhà đầu tư của startup này bao gồm Hillhouse Capital Management, Boyu Capital, Sequoia Capital China... Bên cạnh Indonesia, J&T Express hiện hoạt động tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia...

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 16/4/2021

13. Lazada

Lazada trở thành kỳ lân sau khi được gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba mua lại với giá 1 tỷ USD. Hiện nay, Lazada là một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Thương hiệu này đã có mặt tại sáu quốc gia trong khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

  • Năm thành lập: 2012
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố kỳ lân: ngày 12/4/2016

14. Mynt

Mynt, một công ty giải pháp tài chính kỹ thuật số hàng đầu ở Philippines và là chủ sở hữu của ứng dụng thanh toán di động GCash, vừa huy động được hơn 300 triệu USD trong một vòng gọi vốn do Warburg Pincus dẫn đầu.

Các nhà đầu tư khác tham gia vòng này còn có Insight Partners, Itai Tsiddon, Amplo Ventures, Globe Telecom và Ayala Corporation, bên cạnh nhà đầu tư hiện tại Bow Wave Capital. Vòng gọi vốn mới nâng mức định giá của Mynt lên hơn 2 tỷ USD, đưa startup này thành kỳ lân fintech đầu tiên của Philippines.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Philippines
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 2/11/2021

15. Nium

Công ty khởi nghiệp thanh toán cho doanh nghiệp Nium đạt mức định giá 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn Series D trị giá 200 triệu USD do Menlo Park, Riverwood Capital có trụ sở tại California dẫn đầu. Những nhà đầu tư khác bao gồm Temasek, Visa, Vertex Ventures, Beacon Venture Capital và Rocket Capital. Quỹ tài sản GIC Pte của Singapore cũng tham gia vòng huy động vốn này.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 7/2021

16. OVO

Ví điện tử OVO là kỳ lân thứ năm của Indonesia và được định giá hơn 2,9 tỷ USD vào năm 2019. Theo thông tin của Nikkei vào đầu tháng 10, Grab đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Bumi Cakrawala Perkasa - công ty mẹ của OVO lên 90% sau khi mua lại cổ phần từ Tokopedia và Lippo Group.

  • Năm thành lập: 2017
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 8/10/ 2019

17. Patsnap

Tháng 3 năm nay, PatSnap – một doanh nghiệp phát triển phần mềm của Singapore – thông báo huy động thành công 300 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SoftBank và Tencent. Với vòng gọi vốn này, PatSnap được định giá hơn 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân.

Jeffrey Tiong thành lập PatSnap vào năm 2007 sau khi nhìn thấy những khó khăn trong việc phân tích các bằng sáng chế trong thời gian ông thực tập tại một công ty khởi nghiệp y tế ở Mỹ. PatSnap thu thập thông tin bằng sáng chế từ gần 120 quốc gia và chuyển đổi các dữ liệu thành đồ họa trực quan.

  • Năm thành lập: 2007
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 17/3/2021

18. Razer

Được thành lập cách đây 16 năm, Razer là một trong những kỳ lân đời đầu ở Đông Nam Á. Có trụ sở chính tại Singapore và Mỹ, Razer cũng là một trong những nhà tài trợ đầu tiên cho các tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp trên thế giới. Công ty này đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.

Hoạt động kinh doanh ban đầu của Razer là sản xuất các thiết bị chơi game (như chuột và bàn phím) nhưng sau đó đã mở rộng sang điện thoại di động và thanh toán.

  • Năm thành lập: 2005
  • Trụ sở chính: Singapore / Mỹ
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 10/2014

19. Revolution Precrafted

Công ty chuyên phát triển nhà ở dựng sẵn Revolution Precrafted là startup kỳ lân đầu tiên của Philippines. Công ty được thành lập bởi Robbie Antonio - xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, startup này gần đây đã phải đối mặt với cáo buộc lôi kéo một số doanh nhân và bỏ trốn với 150 triệu PHP (3,1 triệu USD) trong các giao dịch đáng ngờ.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Philippines
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 23/10/2017

20. Sea

Trước đây có tên là Garena, Sea là công ty thương mại điện tử và game hàng đầu của Singapore. Công ty đã niêm yết tại Mỹ, đưa 3 nhà đồng sáng lập thành tỷ phú. Sea sở hữu Shopee, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất và phổ biến nhất tại Đông Nam Á và AirPay, một dịch vụ thanh toán kỹ thuật số đã có mặt ở một số quốc gia trong khu vực.

  • Năm thành lập: 2009
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: Năm 2014

21. Tiket

Tiket là kỳ lân du lịch thứ hai của Indonesia và đang tìm cách sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Là một trong những OTA (Đại lý Du lịch Trực tuyến) lớn nhất đất nước, Tiket cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho các hệ thống đặt và mua vé trực tuyến.

  • Năm thành lập: 2011
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 18/5/2021

22. Tokopedia

Sàn thương mại điện tử Tokopedia là một trong những kỳ lân đầu tiên của Indonesia. Công ty này đã sáp nhập với Gojek để tạo thành startup giá trị nhất đất nước GoTo. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của GoTo bao gồm dịch vụ gọi xe, dịch vụ tài chính và thương mại điện tử. GoTo vừa công bố nhận được 1,3 tỷ USD trong đợt đầu tiên của vòng gọi vốn trước khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

  • Năm thành lập: 2009
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 22/11/2018

23. Traveloka

Được thành lập bởi các cựu kỹ sư của Thung lũng Silicon, Traveloka cung cấp quyền truy cập cho người dùng để khám phá và tiếp cận các dịch vụ vận tải, chỗ ở, phong cách sống và dịch vụ tài chính. Công ty cho biết ứng dụng của mình đã có hơn 60 triệu lượt tải xuống. Tính đến tháng 7 năm ngoái, Traveloka đã huy động được tổng cộng 1,2 tỷ USD.

  • Năm thành lập: 2012
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 16/3/2018

24. Trax

Với khách hàng tại hơn 90 quốc gia, Trax cung cấp các giải pháp khoa học dữ liệu giúp chuyển đổi cách thức thu thập, xem và phân tích dữ liệu bán lẻ tại cửa hàng. Với Trax, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thể cải thiện tính sẵn có của sản phẩm, giảm khoảng cách phân phối, xác định các cơ hội về danh mục và tăng doanh số bán hàng của họ.

  • Năm thành lập: 2010
  • Trụ sở chính: Singapore
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 22/7/2019

25. VNG

VNG là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam và một trong những kỳ lân sớm nhất Đông Nam Á. VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính & Thanh toán và Dịch vụ đám mây.

  • Năm thành lập: 2004
  • Trụ sở chính: Việt Nam
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: Năm 2014

26. VNPay

Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 của Google, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) là một trong số những kỳ lân của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sau VNG, Việt Nam đã có startup thứ hai được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

VNPay được liệt kê vào danh sách kỳ lân nhờ vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore vào năm ngoái.

  • Năm thành lập: 2007
  • Trụ sở chính: Việt Nam
  • Ngày công bố/ghi nhận thành kỳ lân: 7/12/2020

27. Xendit

Tháng 9 năm nay, Xendit, một startup chuyên về cơ sở hạ tầng thanh toán có trụ sở tại Indonesia, công bố huy động thành công 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C do quỹ đầu tư mạo hiểm Tiger Global dẫn đầu.

Bên cạnh các nhà đầu tư hiện tại như Accel Partners, vòng gọi vốn vừa qua còn ghi nhận sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới là công ty đầu tư mạo hiểm Amasia và Goat Capital thuộc sở hữu của nhà đồng sáng lập Twitch Justin Kan. Vòng gọi vốn này cũng đưa Xendit gia nhập câu lạc bộ startup tỷ USD.

  • Năm thành lập: 2015
  • Trụ sở chính: Indonesia
  • Ngày kỳ lân: 22/9/2021.