Ưu đãi thuế là gì?

...

Ưu đãi thuế được hiểu là việc Nhà nước áp dụng các điều kiện có lợi về thuế cho đối tượng nộp thuế.

Ưu đãi thuế
💡
Ưu đãi thuế được áp dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế,...

Về cơ bản có thể chia các chính sách ưu đãi thuế thành 2 nhóm chính, đó là: ưu đãi thuế trực tiếp và ưu đãi thuế gián tiếp.

Ưu đãi thuế có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Ưu đãi thuế suất, ưu đãi thời gian, giảm thuế, khấu hao nhanh, chuyển lỗ.

Ưu đãi thuế (Tax incentives) được hiểu là việc Nhà nước áp dụng các điều kiện có lợi về thuế cho đối tượng nộp thuế (chủ yếu là doanh nghiệp). Ưu đãi thuế là một trong những chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề nhất định có cơ hội phát triển, thu hút đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Mục đích của việc ưu đãi thuế

Ưu đãi thuế có thể được áp dụng với nhiều mục đích khác nhau, như:

  • Thu hút nguồn vốn từ bên ngoài;
  • Thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên;
  • Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế;
  • Khuyến khích triển vùng và tạo việc làm;
  • Thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng năng lực sản xuất nội địa;
  • Phát triển khoa học - công nghệ;
  • Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Khuyến khích, thúc đẩy bảo vệ môi trường, sản xuất và tiêu dùng xanh.

Các hình thức ưu đãi thuế

Có nhiều hình thức ưu đãi thuế khác nhau. Về cơ bản có thể chia chúng làm 2 nhóm chính là: ưu đãi thuế trực tiếp và ưu đãi thuế gián tiếp.

Ưu đãi thuế trực tiếp

Thuế suất ưu đãi: Nhà nước áp dụng mức thuế suất thấp hơn thuế suất hiện hành đối với các ngành, nghề hoặc các khu vực nhất định.

Ví dụ: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng chung là 20%, nhưng đối với những doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm đầu.

Ưu đãi về thời gian: Nhà nước chấp thuận gia hạn thời gian nộp thuế hoặc đưa ra quy định miễn thuế cho một số đối tượng nộp thuế trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ: Miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa.

Giảm thuế: là việc Nhà nước cho phép doanh nghiệp được đóng ít hơn so với số thuế đáng ra phải nộp.

Ví dụ: Dự thảo về hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid có nội dung: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.

Khấu hao nhanh: Nhà nước cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao tài sản cố định cao hơn mức khấu hao cho phép. Vì thế số thuế phải nộp sẽ thấp hơn do chi phí khấu hao được loại ra khỏi thu nhập chịu thuế.

Chuyển lỗ: Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế.

Ưu đãi thuế gián tiếp

Hình thức ưu đãi thuế gián tiếp chủ yếu là miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, và thuế tiêu thụ đặc biệt trong một số trường hợp.