Zombie company là gì?

...

Zombie company là thuật ngữ chỉ các công ty chỉ đang cố gắng tồn tại một cách tạm bợ, kiếm đủ tiền để duy trì hoạt động, có thể trang trải lãi vay định kỳ nhưng không có khả năng trả nợ gốc.

Zombie company
💡
Thuật ngữ này bắt nguồn từ Nhật Bản, xuất hiện sau sự sụp đổ của bong bóng tài sản ở quốc gia này vào cuối năm 1991.

Các “xác sống” thường phụ thuộc vào các sự hỗ trợ của các ngân hàng hay các chủ nợ để có thể tiếp tục tồn tại.

Có nhiều lý do khiến một doanh nghiệp trở thành một công ty xác sống, tuy nhiên, lãi suất rẻ do chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm mới là nguyên do chính.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), “zombie company” - Zombie Co. - tức công ty xác sống, thây ma là một công ty đại chúng có tuổi đời ít nhất 10 năm và có khoản thanh toán lãi cho các khoản vay vượt quá thu nhập trước lãi suất và thuế. Nói cách khác, nó cần được hỗ trợ tài chính liên tục để duy trì hoạt động.

Xác sống đơn giản là một cơ thể không sống cũng không chết. Hình tượng này được áp dụng để ám chỉ các công ty chỉ đang cố gắng tồn tại một cách tạm bợ, kiếm đủ tiền để duy trì hoạt động, có thể trang trải lãi vay định kỳ nhưng không có khả năng trả nợ gốc. Các công ty dạng này chỉ kiếm được đủ doanh thu để đáp ứng chi phí cơ bản, như lương nhân công, tiền thuê mặt bằng, trả lãi vay,... và không có thặng dư để thúc đẩy tăng trưởng.

Các công ty xác sống thường phải chịu chi phí lãi vay cao hơn do họ thường có xếp hạng tín nhiệm thấp, và có thể chỉ cần một biến động nhỏ như gián đoạn thị trường, hoặc giảm doanh thu trong trong một quý, cũng đủ để họ rơi vào tình trạng tình trạng mất khả năng thanh toán. Các “xác sống” thường phụ thuộc vào các sự hỗ trợ của các ngân hàng hay các chủ nợ để có thể tiếp tục tồn tại.

Nguồn gốc của các công ty Zombie

Thuật ngữ “công ty xác sống” bắt nguồn từ Nhật Bản. Sau sự sụp đổ của bong bóng tài sản ở quốc gia này vào cuối năm 1991, các ngân hàng Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các công ty yếu kém thay vì để họ phá sản. Điều này đã góp phần tạo nên “thập kỷ mất mát”, một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử. Thuật ngữ "xác sống" được sử dụng lại vào năm 2008 để ám chỉ các công ty nhận gói cứu trợ của chính phủ Hoa Kỳ trong “Chương trình cứu trợ tài sản - TARP”.

Nguyên nhân sinh ra các công ty xác sống

Có nhiều lý do khiến một doanh nghiệp trở thành một công ty xác sống. Nó có thể là do sự thay đổi thị trường, xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới hoặc do sự quản lý yếu kém. Tuy nhiên, lãi suất rẻ do chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm mới là nguyên do chính. Lãi suất thấp tạo cơ hội dễ dàng cho các công ty tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, khuyến khích doanh nghiệp vay nợ. Tuy nhiên, khi các chính sách được thắt chặt, lãi suất tăng lên sẽ khiến các công ty yếu kém bộc lộ rõ các vấn đề tiềm ẩn. Lúc này các ngân hàng lại không thể dứt khoát cho các công ty yếu kém “chết” vì lo ngại sẽ gia tăng nợ xấu, do đó họ tiếp tục hỗ trợ các công ty này duy trì hoạt đột bằng cách liên tục tái cấu trúc nợ, tiếp tục bơm máu cho các công ty này duy trì sự sống. Với sự hỗ trợ của ngân hàng, các công ty này mắc nợ ngày càng nhiều, và đến một lúc nào đó, một ngân hàng có quá nhiều khách hàng “xác sống” cũng sẽ bị lây bệnh và biến thành “zombie bank”.

Ảnh hưởng của các công ty xác sống đối với nền kinh tế

Các công ty xác sống được coi là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, vì sự tồn tại của các công ty yếu góp phần làm giảm năng suất chung. Các nhà kinh tế cho rằng các công ty này gây bất lợi cho xã hội. Chúng chiếm thị phần, nguồn nhân lực và tài lực và sử dụng chúng một cách kém hiệu quả, lãng phí. Trong khi các nguồn lực này nếu được đặt trong một công ty lành mạnh sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Khi số lượng “xác sống” đủ nhiều, nó sẽ trở thành đại dịch zombie cho cả nền kinh tế. Nền kinh tế lúc này chỉ sống nhờ vào vốn vay, bán tài nguyên và không có động lực tăng trưởng, rất dễ bị sụp đổ.

Mặc dù các công ty này ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng một số công ty được cho là có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế. Ví dụ, một công ty xác sống có thể được chính phủ cứu trợ chỉ vì công ty đó sử dụng một số lượng lớn người lao động. Nếu công ty này phá sản, tình trạng mất việc làm diện rộng có thể gây bất ổn xã hội.