74% nợ của các hãng bay tại ACV là nợ xấu

...

Khoản nợ của các hãng bay với ACV quá hạn, bị xếp vào nhóm nợ xấu ngày càng nhiều, là một trong những gánh nặng chi phí của ACV trong năm 2022.

74% nợ của các hãng bay tại ACV là nợ xấu
Nợ xấu của các hãng hàng không tại ACV đồng loạt tăng trong năm 2022. Ảnh: Vietnamplus

2022 là năm ngành hàng không bắt đầu hồi phục sau hai năm đại dịch. Với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) - doanh nghiệp vận hành các sân bay dân sự tại Việt Nam, sự phục hồi của ngành mang đến cả những khoản nợ xấu, phần lớn là từ chính các hãng bay.

Nợ xấu tăng 2,6 lần sau một năm

Điểm nhấn trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của ACV là khoản nợ xấu (nợ phải thu quá hạn) lên tới 4.280 tỷ đồng vào cuối năm 2022, bằng 2,6 lần số dư đầu năm. ACV đã phải dự phòng 1.234 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu từ các hãng hàng không Việt Nam, tăng 749 tỷ đồng trong một năm. Về nguyên tắc, số tiền 749 tỷ đồng này sẽ được ghi nhận như một khoản chi phí của ACV trong năm 2022.

Đứng đầu là một hãng hàng không giá rẻ với khoản nợ xấu 1.840 tỷ đồng, gấp 3 lần so với số liệu đầu năm là 627 tỷ đồng. Nợ quá hạn tăng, ACV cũng tăng trích lập dự phòng với hãng này từ 177 tỷ đồng lên 212 tỷ đồng chỉ trong một năm.

Bamboo Airways và Vietnam Airlines đứng thứ tự tiếp theo với các khoản nợ xấu lần lượt 999 tỷ đồng và 704 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với Bamboo Airways, khoản nợ xấu của Vietnam Airlines tại ACV không được trích lập dự phòng. Việc không trích lập dự phòng với một khoản nợ xấu có thể do các nguyên nhân chính: Khoản nợ vừa mới quá hạn thanh toán (thời gian quá hạn ngắn) hoặc có cơ sở để đánh giá khoản nợ có thể thu hồi.

Nợ xấu của 4 hãng bay Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines... tại ACV chiếm tới 74% nợ phải thu từ các hãng bay này. Như vậy cứ 100 đồng nợ phải thu từ các hãng bay, có tới 74 đồng nợ quá hạn.

Tỷ trọng Nợ xấu (được tính bằng giá trị Nợ xấu/Nợ phải thu) của Pacific Airlines lớn nhất, đạt 98%, tiếp theo là Bamboo Airways với 81%. Tỷ trọng này tại Vietnam Airlines là 54% và hãng hàng không giá rẻ còn lại là 76%.

ACV đã cho các hãng bay Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Pacific Airlines... nợ tới 5.548 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, trong khi đầu năm số dư này chỉ ở mức 2.439 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách nợ ACV là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam với giá trị 2.431 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với con số đầu năm là 818 tỷ đồng. Xếp thứ 2 là Vietnam Airlines với 1.306 tỷ đồng. Tiếp đến là Bamboo Airways và Pacific Airlines với khoản phải thu lần lượt đạt 1.230 và 580 tỷ đồng.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trên nền tảng thấp của năm 2021

Năm 2022, doanh thu và lợi nhận của ACV tăng mạnh trên nền thấp của năm 2021. Cụ thể, doanh thu của Tổng công ty năm qua đạt 13.807 tỷ đồng, lợi nhuận vào khoảng 7.090 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,9 và 9 lần so với năm 2021.

Nguyên nhân dẫn đến doanh thu năm 2022 tăng vọt là khoản tiền thu về từ dịch vụ hàng không tăng từ 3.823 tỷ đồng lên 11.527 tỷ đồng, trong đó quá nửa là khoản thu từ phục vụ hành khách..

Nguồn: FiinPro

Báo cáo tổng kết năm 2022 của ACV cho biết công ty đã phục vụ 99 triệu lượt khách trong năm 2022, tăng 228% so với năm 2021. Sự bùng nổ nhu cầu đi lại của người dân sau giai đoạn dài bị phong tỏa do dịch bệnh (gần nửa năm 2021 đường bay nội địa gần như dừng hẳn) đã mang lại nguồn thu lớn cho ACV, trực tiếp cải thiện kết quả kinh doanh của công ty.

Tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của ACV trong năm 2022 thể hiện sự phục hồi của doanh nghiệp này sau đại dịch. Lợi nhuận năm 2022 của ACV đã tương đương 86% lợi nhuận đạt được trong năm 2019 - trước khi dịch Covid 19 xuất hiện, kéo dài và tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của công ty trong 2 năm 2020 và 2021.