Các hãng xe điện rơi vào cuộc chiến giá

...

Khi miếng bánh to lên, các hãng xe điện trên toàn cầu đang gấp rút đánh chiếm thị phần. Điều này có thể đẩy họ vào cuộc chiến giá và làm giảm biên lợi nhuận.

Các hãng xe điện rơi vào cuộc chiến giá
Doanh số xe điện đã cán mốc 10 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Theo Reuters, con đường tăng trưởng của các công ty sản xuất ôtô không còn bằng phẳng. Hãng xe 10 tỷ euro Renault (Pháp) tưởng như đã xoay chuyển tình thế thành công sau đại dịch.

Doanh thu của hãng xe Pháp tăng trưởng 30% trong quý I lên 11,5 tỷ euro, vượt dự báo của giới quan sát. Nhu cầu xe điện tăng vọt đã đẩy số đơn đặt hàng lên mức cao chưa từng có. Renault có thể tăng giá bán sản phẩm.

Nhưng lợi thế đó có thể không kéo dài. Tuần trước, CEO Tesla Elon Musk cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh số hơn lợi nhuận. Và điều này có khả năng đẩy ngành công nghiệp toàn cầu vào cuộc chiến giá.

Cuộc đua nóng lên

Theo báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố hôm 25/4, doanh số xe điện đã vọt lên 10 triệu chiếc vào năm ngoái. Riêng Trung Quốc chiếm khoảng 60% thị trường.

"Doanh số ôtô điện - gồm cả BEV (xe thuần điện chạy hoàn toàn bằng pin) và PHEV (xe lai sạc điện) - đã vượt 10 triệu chiếc vào năm ngoái, tăng 55% so với năm 2021", báo cáo của IEA cho biết.

Con số này cao hơn tổng lượng xe được bán ra trên toàn Liên minh châu Âu (EU), khoảng 9,5 triệu chiếc. Trong khi đó, tại Trung Quốc, ôtô điện chiếm gần một nửa doanh số bán xe năm 2022.

IEA định nghĩa "doanh số bán hàng" trong báo cáo của mình là "ước tính về số lượng phương tiện mới chạy trên đường". Theo cơ quan này, 26 triệu xe điện đang được sử dụng trong năm 2022, tăng 60% so với năm 2021.

Sự tăng trưởng bùng nổ này đồng nghĩa với việc thị phần xe điện trên thị trường ôtô nói chung đã tăng từ khoảng 4% trong năm 2020 lên 14% vào năm 2022, và dự kiến tăng lên 18% trong năm nay

Cơ quan Năng lượng Quốc tế

IEA ước tính trên toàn cầu, doanh số bán hàng sẽ đạt gần 14 triệu xe vào năm 2023. "Sự tăng trưởng bùng nổ này đồng nghĩa với việc thị phần xe điện trên thị trường ôtô nói chung đã tăng từ khoảng 4% trong năm 2020 lên 14% vào năm 2022, và dự kiến tăng lên 18% trong năm nay", IEA lạc quan.

"Ở châu Âu, thị trường lớn thứ 2, doanh số bán ôtô điện đã tăng hơn 15% vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là cứ 5 chiếc xe được bán ra thì 1 xe chạy điện", báo cáo cho biết.

Khi miếng bánh to lên, các hãng xe đang gấp rút đánh chiếm thị phần. Dữ liệu của Refinitiv chỉ ra với cuộc chiến giá cả do Tesla khởi xướng, những hãng xe châu Âu như Renault có thể thiệt hại nặng nề.

Các hãng xe này được dự báo sẽ ghi nhận biên lợi nhuận hoạt động thấp trong năm nay. Trong khi đó, với biên lợi nhuận cao hơn, Tesla giành được thế mạnh trong cuộc chiến này.

Giám đốc tài chính của Renault, ôngThierry Piéton cho rằng công ty của ông sẽ không phải giảm giá mạnh. Nhưng nếu kế hoạch của Musk thành công, Renault và các công ty cùng ngành không còn lựa chọn nào khác.

Như vậy, bữa tiệc dành cho các hãng sản xuất ôtô EV của châu Âu có thể kết thúc ngay khi nó bắt đầu.

Thị trường tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức

Ngành công nghiệp xe điện toàn cầu vẫn còn những thị trường tiềm năng khác bên cạnh Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. IEA cho rằng các khu vực khác trên thế giới cũng là những thị trường hứa hẹn.

"Bên ngoài các thị trường lớn, doanh số xe điện nhìn chung vẫn thấp. Nhưng 2022 là một năm tăng trưởng của Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia", IEA nhận định. Doanh số bán xe điện ở các nước này đã tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2021, đạt 80.000 chiếc.

Trong đó, Indonesia đã vạch ra kế hoạch trợ cấp để khuyến khích người dân mua xe điện và thúc đẩy đầu tư. Chẳng hạn, chính phủ nước này dự định trợ cấp 80 triệu rupiah (5.130 USD) cho mỗi giao dịch mua xe điện được sản xuất trong nước.

Khoản trợ cấp đối với mỗi chiếc xe lai là 40 triệu rupiah, xe máy điện là 8 triệu rupiah và xe máy chuyển đổi sang động cơ điện 5 triệu rupiah.

Một số nước trên thế giới cũng đã lên kế hoạch thúc đẩy ôtô điện. Chẳng hạn, Anh muốn dừng bán ôtô con, xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel mới kể từ năm 2030. Nước này cũng sẽ yêu cầu đến năm 2035, mọi phương tiện mới đều không phát thải.

Liên minh châu Âu cũng đã tìm cách giảm lượng khí thải từ giao thông đường bộ. Còn ở Mỹ, bang California đang cấm bán các phương tiện giao thông chạy bằng xăng mới kể từ năm 2035.

oto dien anh 2
Cơ sở hạ tầng đến nay vẫn là thách thức đối với việc loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Bloomberg.

Dĩ nhiên, việc loại bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vẫn còn thách thức. Chẳng hạn, vẫn còn những lo ngại về việc với tiếng ồn thấp hơn, xe điện có thể gây trở ngại cho những người gặp vấn đề liên quan đến thị lực trong tham gia giao thông.

Sự chênh lệch về kỹ năng vận hành các phương tiện cũng làm dấy lên lo ngại về chi phí và sự an toàn. Hơn nữa, không phải quốc gia nào cũng có thể nhanh chóng đảm bảo cơ sở hạ tầng, để mọi người dùng có thể sạc pin cho xe điện khi cần thiết.

Thảo My / Zing News