Cập nhật KQKD Quý II.2022: Yeah1, Hoàng Anh Gia Lai, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Vinamilk, Vietnam Airline, Vietjet,...

...

Yeah1 báo lãi trong quá trình tái cấu trúc toàn diện. Lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ chịu tác động đáng kể bởi biến động tỷ giá, lạm phát, trong quý II. Doanh nghiệp hàng không ghi nhận phục hồi.

Cập nhật KQKD Quý II.2022: Yeah1, Hoàng Anh Gia Lai, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Vinamilk, Vietnam Airline, Vietjet,...

Yeah1 báo lãi dù doanh thu giảm 77%

Sau khi đổi chủ, tập đoàn Yeah1 lần đầu công bố kết quả kinh doanh được cải thiện. Cụ thể, tuy doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm sút 77% YoY, chỉ đạt 72 tỷ đồng, nhưng lãi gộp đã cải thiện lên mức dương 20 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với âm 36 tỷ ở cùng kỳ năm trước. Kết quả, công ty đã ghi nhận lãi hơn 7 tỷ đồng trong quý II, cũng là quý thứ ba liên tiếp công ty ghi nhận lãi trở lại sau giai đoạn khó khăn trước đó.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Yeah1 cũng ghi nhận giảm 77% YoY, còn 139 tỷ đồng. Mảng tư vấn truyền thông và tổ chức sự kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 56% doanh thu, tuy nhiên mảng này cũng ghi nhận giảm 83% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm cũng có nhiều cải thiện, đạt 8 tỷ, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lỗ 197 tỷ.

Kết quả kinh doanh khả quan diễn ra trong bối cảnh Yeah1 đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện. Sau sự cố Youtube và ảnh hưởng bởi đại dịch, quý II 2022 là quý đầu tiên công ty ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh chính. Trước đó, quý IV 2021 và quý I 2022 công ty ghi nhận lãi chủ yếu từ bán tài sản.

Xem thêm tại đây

Hoàng Anh Gia Lai doanh thu thuần gấp đôi so với cùng kỳ

Trong quý II, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.233 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ trái cây chiếm hơn 50% tỷ trọng doanh thu, đạt 643 tỷ đồng, tăng 223% YoY. Doanh thu từ bán thịt heo cũng tăng 36% YoY, mang về cho công ty 259 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 10,2% quý II.2021 lên 22% trong quý II năm nay.

Trái ngược với doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, doanh thu tài chính của công ty có sự sụt giảm 17,8%; chỉ còn 106,4 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước do trích lập dự phòng khoản đầu tư vào HAGL Agrico, đồng thời ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá tăng cao. Điểm sáng trong báo cáo quý II là khoản hoàn nhập dự phòng lại 823 tỷ đồng, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ ghi nhận âm 782,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, lãi sau thuế của công ty trong quý II tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 273,3 tỷ đồng.

Tuy kết quả kinh doanh khả quan, nhưng số lỗ lũy kế của công ty tại thời điểm cuối quý II vẫn còn khá cao, khoảng 3.946 tỷ đồng.

Xem thêm tại đây

Lợi nhuận Thế Giới Di Động giảm 7% quý II

Riêng quý II, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu đạt 34.337 tỷ đồng, tăng 8,8% YoY. Lợi nhuận sau thuế giảm 6,6% YoY, đạt 1.131 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 70.804 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.576 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt là 13% và 1% YoY. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chiếm tỷ trọng khá cao, 80,5%; tăng 17% YoY nhờ gia tăng thị phần điện thoại và điện máy.

Chuỗi Bách Hóa Xanh cũng góp 18,1% trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, tương đương khoảng 12.800 tỷ đồng. Công ty cho biết, tuy đã đóng 251 cửa hàng trong tháng 5 và 6, nhưng doanh thu mảng này không giảm cho thấy tín hiệu tốt từ chiến dịch tái cơ cấu toàn diện.

Xem thêm tại đây

Masan Group báo lãi ròng quý II tăng 24% so với cùng kỳ

Trong quý II, tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.834 tỷ đồng, giảm 16% YoY. Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán giảm mạnh 21,4% giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 22,8% lên 28,8%. Về doanh thu tài chính, quý II ghi nhận đạt 585 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 12,9%; 9,9% và 12,9% YoY. Kết thúc quý II, công ty thu về 1.215 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15,4% YoY. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 980,9 tỷ đồng, tăng 24% YoY.

Tổng kết nửa đầu năm, tập đoàn Masan đạt được 36.023 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,6% YoY; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.576 tỷ đồng; gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II đạt 125.260 tỷ đồng, giảm 833 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng khoản mục “tiền và tương đương tiền” giảm 57% so với đầu năm do thực hiện tăng vốn tại The CrownX và Phúc Long Heritage.

Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Người Đồng Hành

Xem thêm tại đây

Lợi nhuận Vinamilk quý II về mức thấp nhất 5 năm

Trong BCTC hợp nhất, Vinamilk ghi nhận doanh thu quý II đạt 14.930 tỷ đồng, giảm 5% YoY. Đây cũng là quý hiếm hoi Vinamilk ghi nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng ghi nhận giảm 11% YoY, xuống còn 6.076 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 43,6% trong quý II.2021 xuống 40,7% tại quý II.2022. Kết quả, công ty chỉ thu về 2.102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận thuần của công ty đạt 28.990 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,2% và 19,7% YoY. Kết thúc quý II, ông lớn ngành sữa chỉ mới hoàn thành khoảng 45% cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của năm 2022.

Phía công ty cho biết, hai nguyên nhân chính khiến doanh thu nội địa bị sụt giảm trong quý II đó là: (i) lạm phát tăng cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm, (ii) có nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa khiến cạnh tranh gia tăng.

Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Người Đồng Hành

Xem thêm tại đây

FPT Retail lãi trước thuế 6 tháng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 với doanh thu đạt 13.999 tỷ đồng, tăng 55% YoY, hoàn thành 55% kế hoạch năm. Riêng chuỗi Long Châu đóng góp 4.008 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 30/06/2022, Long Châu sở hữu 678 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 278 nhà thuốc so với đầu năm.

Kết quả lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm của FPT Retail ghi nhận tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 263 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch lợi nhuận.

Riêng quý II, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 6.214 tỷ đồng và 59 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% va 59% YoY, tốc độ tăng trưởng này có phần giảm so với 2 quý trước đó. Doanh nghiệp có biết, kết quả kinh doanh vừa qua thể hiện nỗ lực của toàn công ty trong bối cảnh ngành bán lẻ gặp khó khăn khi nhu cầu mua sắm giảm.

Kết quả kinh doanh của FPT Retail trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Tin nhanh chứng khoán

Xem thêm tại đây

Vietnam Airline giảm lỗ, vốn chủ sở hữu vẫn âm gần 5.000 tỷ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Vietnam Airline ghi nhận lỗ ròng 2.570 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với mức lỗ 4.451 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lỗ ròng đạt 5.254 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 28.900 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 4.914 tỷ đồng.

Cũng trong quý này, công ty đã hoàn thiện đề án tái cơ cấu, theo đó ban lãnh đạo đưa ra 4 nhóm giải pháp chính khắc phục tình trạng thua lỗ:

  • Một là cải thiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
  • Hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
  • Cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, Vietnam Airlines phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua như lần tăng vốn năm 2021.

Xem thêm tại đây

Vietjet ghi nhận doanh thu tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước

Trong quý II, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% YoY nhờ nhu cầu đi lại đang phục hồi mạnh. Đặc biệt các chuyến bay nội địa ghi nhận tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 181 tỷ đồng, thấp hơn so với quý đầu năm nhưng cao hơn 40 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 426 tỷ đồng do chi phí xăng dầu tăng cao trong kỳ.

Trong nửa đầu năm, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, hãng bay đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay, thực hiện 52.500 chuyến bay với 9 triệu lượt hành khách. Riêng quý II, hãng đã khai thác gần 33.000 chuyến bay với 6 triệu lượt hành khách, tăng cao hơn so với thời điểm trước đại dịch.

Xem thêm tại đây