Dân Tài chính học gì #1: CMA - Bậc thang đầu tiên để đến gần hơn với vị trí CFO

...

Nếu đang có dự định nâng cao chuyên môn để tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính - kế toán, hoặc trở thành CFO trong tương lai, chứng chỉ hành nghề quốc tế CMA là một công cụ có thể giúp bạn hiện thực hóa điều đó.

Dân Tài chính học gì là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về các chứng chỉ hành nghề quốc tế, khóa học dành cho sinh viên và nhân sự trong lĩnh vực kế toán - tài chính.

Để mở đầu cho chuỗi bài này, hãy cùng ProFin.vn tìm hiểu về chứng chỉ CMA. Qua bài viết này, ProFin hy vọng bạn đọc sẽ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của CMA đối với định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Chứng chỉ CMA là gì? Mức độ phổ biến và uy tín ra sao?

CMA (Certified Management Accountant) là chứng chỉ hành nghề được công nhận trên toàn cầu, và là bằng chứng biểu thị trình độ chuyên sâu ở lĩnh vực kế toán tài chính và quản trị chiến lược (hoặc còn gọi là kế toán quản trị).

Chứng chỉ CMA được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA: Institute of Management Accountants). Đây là tổ chức toàn cầu được thành lập từ năm 1919, tính đến năm 2022, IMA đã có hơn 140.000 thành viên đến từ 150 quốc gia trên toàn cầu.

Hàng năm, IMA sẽ tổ chức các đợt thi CMA Testing Window vào các mốc thời gian sau (Việt Nam cũng áp dụng lịch thi này):

  • Tháng 1 + Tháng 2
  • Tháng 5 + Tháng 6
  • Tháng 9 + Tháng 10

IMA được ra đời nhằm tạo điều kiện nâng cao kỹ năng chuyên môn, cũng như mang lại cơ hội nghề nghiệp cho các nhân sự kế toán - tài chính. Không chỉ cấp chứng chỉ CMA, tổ chức này còn xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp cho các thành viên là những người đã vượt qua kỳ thi CMA. Khi tham gia mạng lưới này, các thành viên sẽ được nhận tạp chí, bản tin (newsletters) độc quyền từ IMA và những tài liệu hữu ích khác. Đây cũng là một trong những ưu thế khi sở hữu chứng chỉ CMA mà bạn nên cân nhắc.

CMA là bậc thang đầu tiên để đến gần với vị trí CFO và những lợi ích khi tham gia cộng đồng IMA

#1: Mở rộng cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực tài chính

Theo quan điểm của Bill Hanna - chủ sở hữu kênh YouTube The Financial Controller, chứng chỉ CMA thích hợp cho những ai có mục tiêu trở thành CFO (Chief Financial Officer), hoặc làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn. Hai nguyên nhân anh đưa ra là: chương trình học của CMA tập trung chủ yếu vào khía cạnh chiến lược; cùng với mức độ công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Do đó, chứng chỉ CMA phù hợp với những ai có định hướng sự nghiệp trở thành CFO, hoặc làm việc ở các tập đoàn có nhiều chi nhánh trên thế giới.

Sự khác biệt giữa chứng chỉ CPA và CMA: Nên luyện thi chứng chỉ nào?
Nếu đang phân vân không biết nên luyện thi chứng chỉ CPA (Certified Public Accountant: Kế toán viên được chứng nhận) hay CMA (Certified Management Accountant: Kế toán viên quản lý được chứng nhận), thì video này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Nguồn: The Financial

Ben Mulling - CEO của TENTE Casters (trước đó, ông đã có 9 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí CFO) chia sẻ, trước đó ông đã sở hữu chứng chỉ CPA (Certified Public Accountant), tuy nhiên ông thấy chương trình học của CPA không cung cấp đủ kiến thức cần thiết liên quan đến quản trị tài chính. Do đó, ông đã lựa chọn thi chứng chỉ CMA để có thêm kiến thức, đồng thời tiến xa hơn trên hành trình sự nghiệp.

Tất nhiên, chứng chỉ CMA sẽ không giúp bạn có thể đảm nhiệm vị trí CFO ngay lập tức. Tuy nhiên, đó sẽ là bậc thang đầu tiên trên hành trình sự nghiệp với đích đến là chức vụ CFO. Ken Boyd - Giáo sư Đại học, đồng thời là tác giả sách Accounting All-In-One for Dummies cho biết, dưới đây là bốn vị trí việc làm phổ biến (không tính CFO) mà các thí sinh lựa chọn sau khi đạt được chứng chỉ CMA:

  • Corporate controller (kiểm soát viên): Nhiệm vụ chính là lên kế hoạch và chỉ đạo trực tiếp phòng ban kế toán của một tổ chức, đồng thời đảm bảo tính chính xác của các báo cáo tài chính.
  • Financial analyst (phân tích tài chính): Vị trí này sẽ không tập trung nhiều vào công tác kế toán mà chủ yếu phân tích, dự đoán doanh thu, chi phí và các yếu tố quan trọng khác của doanh nghiệp.
  • Cost accountant (kế toán chi phí): Nhiệm vụ của kế toán chi phí là xác định chi phí tiêu chuẩn của nguyên - vật liệu, đội ngũ lao động và chi phí chung để tạo ngân sách.
  • Risk manager (quản trị rủi ro): Vị trí này sẽ có nhiệm vụ đo lường, giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý.
Đạt được chứng chỉ CMA sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính - kế toán. Nguồn ảnh: Thirdman / Pexels.

Thực chất, lượng kiến thức của CMA liên quan khá nhiều đến công việc thực tế của bốn vị trí làm việc trên (bạn có thể xem kỹ hơn tại phần Cấu trúc bài thi và Tỷ lệ thi đậu ở phần tiếp theo của bài viết này). Bên cạnh đó, những vị trí này chính là bước đệm tốt nhất để đến gần hơn với chức vụ CFO. Do vậy, nếu có định hướng trở thành CFO hoặc các vị trí có liên quan, CMA sẽ là chứng chỉ mà bạn nên sở hữu.

#2: Những lợi ích khi tham gia cộng đồng IMA

Như ProFin đã đề cập ở phía trên, một trong những lợi ích khi vượt qua kỳ thi CMA đó là mạng lưới chuyên nghiệp toàn cầu của IMA. Bên cạnh bản tin và tạp chí, các thành viên có thể đăng ký các khóa học miễn phí và trả phí; các nghiên cứu và báo cáo. Không chỉ vậy, bạn có thể tham khảo những vấn đề liên quan đến chuyên môn, cũng như lời khuyên về cơ hội thăng tiến. Đây cũng là nơi thích hợp để bạn kết nối, mở rộng mối quan hệ với các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, khi đạt được chứng chỉ CMA, bạn có thể cân nhắc học thêm chứng chỉ CSCA (Certified in Strategy and Competitive Analysis). Đây là một chứng chỉ hành nghề quốc tế khác do IMA cấp. Mục đích của CSCA là cung cấp kiến thức nâng cao về khía cạnh chiến lược và quy trình lập kế hoạch.

Để tham dự kỳ thi CSCA, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

  • Thành viên tích cực của IMA và đã hoàn thành một trong hai phần thi của chứng chỉ CMA.
  • Có bằng cử nhân từ một trường cao đẳng - đại học được công nhận ở phạm vi toàn cầu.
  • Giữ vững tinh thần tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của IMA.
  • Tích lũy thêm 2 năm kinh nghiệm làm việc thực tế liên quan đến kế toán quản trị hoặc quản trị tài chính.

Cấu trúc bài thi CMA bao gồm những nội dung gì?

Theo trang web chính thức của IMA, bài thi của CMA gồm có hai phần, với tỷ lệ phần trăm cụ thể của những chủ đề xuất hiện trong đề thi như dưới đây.

Phần 1: Lập kế hoạch tài chính, hiệu suất và phân tích (Financial Planning, Performance, and Analytics)

  • 15%: Các quyết định đối với báo cáo tài chính bên ngoài (External Financial Reporting Decisions)
  • 20%: Lập kế hoạch, ngân sách và dự báo (Planning, Budgeting, and Forecasting)
  • 20%: Quản trị hiệu suất hoạt động (Performance Management)
  • 15%: Quản lý chi phí (Cost Management)
  • 15%: Kiểm soát nội bộ (Internal Controls)
  • 15%: Công nghệ và phân tích (Technology and Analytics)

Phần 2: Quản trị chiến lược tài chính (Strategic Financial Management)

  • 20%: Phân tích báo cáo tài chính (Financial Statement Analysis)
  • 20%: Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance)
  • 25%: Phân tích quyết định (Decision Analysis)
  • 10%: Quản trị rủi ro (Risk Management)
  • 10%: Quyết định đầu tư (Investment Decisions)
  • 15%: Đạo đức nghề nghiệp (Professional Ethics)

Mỗi phần thi sẽ có thời gian làm bài là 4 giờ. Trong đó, 3h giờ đồng hồ dành cho 100 câu hỏi trắc nghiệm và 1 giờ đối với 2 câu tự luận. Như vậy, phần thi trắc nghiệm chiếm khoảng 75% số điểm và phần tự luận là 25%. Phần tự luận sẽ bao gồm bài thi viết và tính toán dựa trên tình huống được đặt ra. Do đó, bạn sẽ phải giải thích một khái niệm cụ thể và thực hiện phép tính có liên quan.

Số điểm tối thiểu thí sinh cần đạt được ở cả hai phần để nhận được chứng chỉ CMA là 360/500. Một lưu ý nhỏ là không bắt buộc phải đăng ký thi hai phần theo thứ tự, thí sinh được quyền lựa chọn phần nào bản thân thấy dễ trước, phần còn lại có thể thi sau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoảng thời gian để hoàn thành cả hai phần thi là 12 đến 18 tháng. Do đó, nếu thi đậu một trong hai phần, bạn cần nhanh chóng đăng ký phần thi còn lại trong quãng thời gian quy định. Nếu quá thời hạn 18 tháng, kết quả thi của một phần sẽ bị hủy và bạn sẽ phải đăng ký thi lại cả hai phần.

Bên cạnh điểm thi, thí sinh cần phải đáp ứng được một số yêu cầu về học vấn và kinh nghiệm làm việc. Cụ thể hơn, thí sinh cần có bằng cử nhân hoặc cao hơn và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực tài chính - kế toán.

Lấy chứng chỉ CMA có dễ hay không? Tỷ lệ thi đậu CMA là bao nhiêu?

Khi xem xét về tỷ lệ thi đậu, có thể thấy việc vượt qua kỳ thi CMA không hề dễ dàng. Theo công bố từ IMA, trong hơn 5.000 thí sinh đăng ký tham gia hai phần của CMA vào tháng 1 và tháng 2/2020, tỷ lệ thi đậu bình quân của cả hai phần là 45%.

Dựa trên kết quả một thống kê khác, mặc dù tỷ lệ thi đậu kỳ thi CMA đã tăng lên sau khi thay đổi cấu trúc kỳ thi vào năm 2020, tỷ lệ thi đậu CMA những năm vừa qua vẫn không vượt quá 50%. Bạn có thể xem thông tin chi tiết tại bảng dưới đây.

Nguồn ảnh: Pass The CMA Exam

Một số lời khuyên hữu ích để chinh phục kỳ thi CMA

Theo gợi ý từ IMA, các thí sinh nên dành ra 150 - 170 giờ học cho mỗi phần để đạt được kết quả tốt nhất. Trong khi đó, theo chia sẻ từ Ben Mulling, điều quan trọng là có lịch trình học rõ ràng và sự nghiêm túc. Bên cạnh đó, đừng quên ôn tập lại các chương cũ trước khi học tiếp bài mới. Nếu cố gắng ôn tập đúng theo lộ trình đã vạch ra, công sức của bạn chắc chắn sẽ được đền đáp.

Theo Lon Searle - CFO tại Artisan Labs, bạn nên tìm cách vận dụng kiến thức đã học được vào thực tế. Điều đó sẽ giúp bạn ghi nhớ bài học lâu hơn, đồng thời biết cách áp dụng vào những tình huống thực tế khác nhau. Searle gợi ý thêm một mẹo nhỏ khác, đó là anh sẽ nghe đi nghe lại audio ghi âm lại nội dung bài học cho đến khi thuộc lòng. Đó chính là phương pháp giúp anh chinh phục kỳ thi CMA.

Nhìn chung, nếu có định hướng trở thành CFO hoặc tiến xa hơn trong ngành tài chính - kế toán, chứng chỉ CMA là bậc thang đầu tiên mà bạn nên bắt đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ thi đậu những năm qua cho thấy rằng không dễ dàng để lấy được chứng chỉ CMA. Vì thế, bạn cần có kế hoạch học tập rõ ràng và cam kết tuân theo lịch trình đặt ra để đạt được kết quả tốt nhất.

Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn tổng hợp