Du học Tài chính #1: Đinh Lê Nam Anh @ University of Virginia – Chinh phục văn bằng đôi trên đất Mỹ

...

Ở bài viết đầu tiên của chuỗi bài Du học Tài chính, hãy cùng ProFin đến với những chia sẻ của anh Nam Anh, người đã tốt nghiệp cử nhân cùng lúc hai chuyên ngành Tài chính và Quản trị tại Mỹ.

Du học Tài chính #1: Đinh Lê Nam Anh @ University of Virginia – Chinh phục văn bằng đôi trên đất Mỹ
Giới thiệu series:
Du học Tài chính là chuỗi bài thuật lại những trải nghiệm thăng trầm khi đi du học của các chuyên gia người Việt trong lĩnh vực Tài chính.

Ở bài viết đầu tiên của chuỗi bài này, ProFin đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với anh Đinh Lê Nam Anh. Anh tốt nghiệp cử nhân 2 chuyên ngành Tài chính và Quản trị tại University of Virginia - ngôi trường được xếp thứ 3 trong hệ thống trường công tốt nhất và xếp thứ 25 trong hệ thống trường đại học tốt nhất của Mỹ theo bình chọn của U.S News năm 2022.

Anh có thể chia sẻ thêm về quyết định du học của mình được không? Vì sao anh chọn Mỹ là quốc gia để du học?

Tôi đã được gia đình định hướng du học từ trước, tuy nhiên, cho đến giữa năm nhất Đại học tại Việt Nam, tôi mới thực sự sẵn sàng để bắt đầu hành trình khám phá tri thức ở Mỹ.

Có hai lý do tôi chọn Mỹ làm điểm đến. Thứ nhất, tôi muốn theo học ngành Tài chính vì Mỹ là quốc hội tụ nhiều trường đại học uy tín, cũng như có chất lượng giảng dạy về Tài chính và Kinh doanh hàng đầu thế giới. Thứ hai, tôi có người thân sinh sống ở đây nên việc hòa nhập vào môi trường văn hóa mới sẽ được thuận lợi hơn.

Khuôn viên trường University of Virginia. Nguồn ảnh: University of Virginia.

Anh có thể chia sẻ thêm lý do lựa chọn University of Virginia? Đâu là điều cần lưu ý khi nộp đơn ứng tuyển vào đại học này?

University of Virginia có chương trình đào tạo cấp bậc cử nhân được xếp hạng cao trong số các chương trình ở Mỹ nên tôi chọn theo đuổi chương trình này.

Từ kinh nghiệm cá nhân tôi xin chia sẻ như sau, do tôi là người chọn du học tự túc và cũng chưa rõ khả năng xin được học bổng là như thế nào nên tôi cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn trường Đại học, nhằm phù hợp với ngân sách và chất lượng giảng dạy được đảm bảo. Các đại học hàng đầu của Mỹ (bao gồm University of Virginia) đều có điều kiện xét tuyển tương đối khó và tỉ lệ chọi rất cao. Một hồ sơ ứng tuyển bao gồm kết quả học tập bậc phổ thông (GPA cao hơn 3.6/4.0 thì mới có khả năng cạnh tranh), các giải thưởng, thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa, điểm SAT và các bài luận tiếng Anh theo nhiều chủ đề, thư giới thiệu của giáo viên. Nếu tôi nộp trực tiếp vào chương trình 4 năm của University of Virginia, hồ sơ của tôi phải cạnh tranh với rất nhiều hồ sơ khác của học sinh bản xứ. Hơn nữa, việc thuyết phục trường về năng lực và thành tích học tập tốt của bạn tở chương trình trung học phổ thông Việt Nam là điều không dễ dàng vì những lý do sau đây:

  • Các trường phổ thông tại Việt Nam hiếm khi có chương trình được công nhận quốc tế.
  • Cách cho điểm và độ khó của chương trình cũng không được chuẩn hóa.

Mặt khác, trường phổ thông tôi theo học là trường Phổ thông Năng Khiếu ĐHQG, nơi vốn hội tụ nhiều học sinh xuất sắc và yêu cầu đối với học sinh cũng cao, nên điểm số thường sẽ không có điểm 9, 10. Vì vậy, tôi đã vạch ra lộ trình đến với University of Virginia thông qua chương trình 2+2 với 2 năm đầu tiên học tại trường Cao đẳng cộng đồng (community college), 2 năm sau mới chuyển tiếp lên Đại học.

Để đủ điều kiện xét tuyển để chuyển tiếp lên University of Virginia, tôi cần chứng minh năng lực thông qua điểm GPA tại trường cao đẳng cộng đồng. Chương trình học tại đây khá “dễ thở” so với chương trình đại học, thậm chí dễ hơn so với chương trình phổ thông của Việt Nam nên việc đạt GPA ở mức cao thậm chí tuyệt đối 4.0 là điều hoàn toàn khả thi. Khó khăn lớn nhất đến từ các môn cần có trình độ tiếng Anh tốt, chẳng hạn như English Composition (sáng tác bằng tiếng Anh).

Một chương trình học tương đối nhẹ nhàng cũng giúp tôi có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường và của vùng, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các giáo sư để có được thư giới thiệu (recommendation letter) chất lượng. Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, các bạn có thể cân nhắc con đường học chuyển tiếp qua các trường cao đẳng cộng đồng để giảm áp lực và đến gần hơn với mục tiêu học tại các trường đại học danh giá ở Mỹ.

Hình ảnh hoạt động ngoại khóa thi đấu bóng rổ tại University of Virginia. Nguồn ảnh: ProFin.vn được cung cấp bởi anh Đinh Lê Nam Anh.

Anh có gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển tiếp lên University of Virginia không?

Quá trình tôi nộp hồ sơ chuyển tiếp lên University of Virginia khá căng thẳng vì phải viết nhiều bài luận cũng như xin thư giới thiệu từ các giáo sư. Trong quá trình viết bài luận, bạn nên biết được mức độ tương thích giữa giá trị của bản thân với giá trị cốt lõi của trường nhằm nâng cao khả năng được nhận. Bài luận cũng cần được đánh giá bởi nhiều người khác nhau nhằm phát hiện các lỗi chính tả, ngữ pháp hay lập luận.

Đối với thư giới thiệu, bạn nên lựa chọn các giáo sư biết rõ về năng lực của bạn để nhờ sự trợ giúp. Bạn có thể làm điều đó bằng cách năng nổ phát biểu trong lớp học, tham gia các câu lạc bộ hoặc trợ giúp trong các dự án của giáo sư đó. Bên cạnh đó, để đảm bảo vào được một ngôi trường tốt, tôi sẽ nộp cùng lúc 4 đến 5 trường đại học hàng đầu khác nhau. Mỗi trường có yêu cầu khác nhau về hồ sơ và chủ đề bài luận. Ngoài ra, một số trường cũng yêu cầu điểm SAT, do vậy, khoảng 6 tháng trước khi đến hạn nộp hồ sơ, tôi cũng dành thời gian ôn tập lại để đạt điểm SAT tốt.

Anh đã đặt ra mục tiêu gì khi bắt đầu quá trình học tại University of Virginia?

Nguyện vọng của tôi sau khi tốt nghiệp tại Mỹ là có thể tìm được công việc trong lĩnh vực tài chính có thể giúp tôi gia hạn visa. Vì vậy, tôi cần đạt được GPA cao để chứng minh năng lực và tăng tính cạnh tranh cho CV.

Anh có thể chia sẻ thêm về tổng quan và những điều thú vị về chương trình học tại University of Virginia?

Tại University of Virginia, tôi lựa chọn thử thách bản thân với hai chuyên ngành Tài chính và Quản trị.

Ngay từ khi còn học ở trường cao đẳng cộng đồng, tôi đã tra cứu thông tin về các môn học có thể được chuyển tiếp hoặc được công nhận tương đương ở University of Virginia. Đây là mô hình Đại học gồm nhiều Trường Đại học nên mặc dù học chính ở Trường McIntire School of Commerce, tôi vẫn có thể đăng ký học các lớp ở các trường khác thuộc University of Virginia như Tài chính Hành vi, Lý thuyết Trò chơi, Kinh tế Vi mô nâng cao, Kinh tế học Lao động, hoặc Lịch sử văn hóa Nhật Bản (thuộc College of Arts and Sciences),…

Bên cạnh đó, với mong muốn có được một trải nghiệm học tập xứng đáng nên tôi đã đăng ký học với các giảng viên giỏi. Những giảng viên này thường giao nhiều bài tập và bài luận cho sinh viên nghiên cứu. Thông thường, tôi tra cứu đánh giá giáo sư trên trang RateMyProfessor để lựa chọn những giảng viên và những lớp mà tôi cho là nên học.

Mặc dù chỉ là cấp bậc cử nhân, cấu trúc chương trình học của University of Virginia khá tương đồng với cấp bậc MBA. Chúng tôi có các lớp bắt buộc phải học và những lớp này liên quan chặt chẽ với nhau và có những bài tập, dự án đòi hỏi kết hợp kỹ năng có được từ 2-3 lớp khác nhau. Tôi cũng có 1 nhóm học tập xuyên suốt từ học kỳ đầu cho tất cả các lớp và 1 dự án/ bài kiểm tra cuối kỳ chung với nhóm này.

Ảnh chụp chung của anh Nam Anh và các bạn cùng lớp tại buổi bảo vệ luận án cuối kỳ. Nguồn ảnh: ProFin.vn được cung cấp bởi anh Đinh Lê Nam Anh.

Chương trình học có sự tham gia giảng dạy bởi các doanh nghiệp đối tác, và lớp của tôi thì đối tác là Rolls-Royce, nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu trên thế giới. Đề bài dự án cuối kỳ của chúng tôi được đối tác công bố ở đầu học kỳ. Nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đối tác và chúng tôi có nhiệm vụ giúp họ giải quyết vấn đề về khía cạnh thị trường hoặc chiến lược. Buổi bảo vệ dự án cuối kỳ của chúng tôi có sự tham gia của lãnh đạo Rolls-Royce với cương vị giám khảo, với vai trò trực tiếp đặt câu hỏi và chấm điểm cùng với giáo sư của các lớp.

Trải nghiệm của anh khi học cùng lúc 2 văn bằng như thế nào? Anh có thể chia sẻ về bí quyết học tập của mình?

Quá trình học ở University of Virginia của tôi khá áp lực. Nguyên nhân là vì tôi vẫn đăng ký 20 tín chỉ trên một học kỳ giống như khi đi học ở trường cao đẳng cộng đồng. Việc duy trì điểm GPA 4.0 cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với các môn học khó. Không chỉ vậy, có một số môn ngoài chương trình học chính tôi đăng ký thêm bị điểm C và D. Tôi đã khá tham vọng khi muốn lấy thêm bằng phụ (minor) môn Kinh tế học ngoài bằng đôi Tài chính và Quản trị.

Lịch trình đăng ký tín chỉ môn học dày đặc của anh Nam Anh khi học ở trường cao đẳng cộng đồng. Nguồn ảnh: ProFin.vn được cung cấp bởi anh Đinh Lê Nam Anh.

Khi nhìn lại quá trình học của mình, lời khuyên của tôi là bạn nên cân đối tỷ lệ các môn học có độ khó cao trong chương trình để bảo toàn điểm GPA. Các môn học càng khó càng đòi hỏi mức độ nghiên cứu và làm bài tiểu luận nhiều. Thế nên, khi trong một học kỳ mà bạn lựa chọn nhiều môn khó sẽ làm tăng áp lực về thời gian và điểm số.

Mục tiêu của anh sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ là gì?

Tôi có định hướng sẽ ở lại Mỹ để làm việc trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp (consulting). Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi mức độ cạnh tranh đầu vào khá cao. Các công ty như McKinsey, BCG, Bain hay hoặc một số ngân hàng đầu tư lớn sẽ lựa chọn các sinh viên có điểm GPA thuộc hàng top của trường và được các giáo sư giới thiệu. Ngoài thành tích cá nhân, các công ty tài trợ cho visa H1B còn ưu tiên các ứng viên có mức độ tương đồng về mặt văn hóa, ngôn ngữ để có thể thực hiện dịch vụ tư vấn cho các công ty bản địa hiệu quả hơn.

Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại Mỹ khoảng một năm để làm việc và tiếp tục tìm kiếm công ty có thể đảm bảo cho visa của mình. Tôi làm công việc quản lý tài chính dự án nghiên cứu khoa học và quản lý tài chính của khoa thuộc trường đại học George Washington. Nhiệm vụ chính của tôi liên quan đến việc phân bổ, theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn tài trợ cho các dự án của các giáo sư thuộc các khoa của trường. Trong quá trình làm việc, tôi có phát hiện ra các thiếu sót trong quá trình sử dụng tài trợ và giúp các giáo sư sử dụng nguồn tài trợ hiệu quả hơn.

Hình ảnh lễ tốt nghiệp tại University of Virginia của anh Nam Anh. Nguồn ảnh: ProFin.vn được cung cấp bởi anh Đinh Lê Nam Anh.

Với đóng góp trong quá trình làm việc, nhà trường đã đồng ý bảo lãnh hồ sơ xin visa H1B của tôi. Tuy nhiên, việc xét duyệt hồ sơ H1B phụ thuộc vào chỉ tiêu hàng năm từ Sở Di trú. Nếu số lượng hồ sơ được nhận nhiều hơn chỉ tiêu, hồ sơ sẽ được chọn theo hình thức xổ số. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng bạn không được chọn cấp visa và buộc phải về nước cao hơn. Tiêu chí đánh giá để nhận H1B thay đổi theo từng năm nhưng không được công bố cụ thể. Hồ sơ của tôi không được chấp nhận.

Thời điểm tôi nộp hồ sơ xét duyệt thì ngành IT đang lên ngôi, các vị trí tester có khả năng được chấp nhận cao hơn. Nếu tôi muốn tiếp tục ở lại tôi phải học thêm các chứng chỉ IT để làm trái ngành. Có khá nhiều các công ty outsourcing, staffing nhân lực IT cho các cơ quan chính phủ đề nghị đào tạo tôi để trở thành tester hay các mảng khác của ngành IT. Thế nhưng, vì các doanh nghiệp này sẽ đứng ra bảo lãnh hồ sơ, và thu 40% tiền lương sau thuế nên tôi không muốn lãng phí thời gian, cũng như làm giàu cho người khác và quyết định về nước. Từ kinh nghiệm của tôi, có thể thấy việc bạn có xin được visa hay không còn phụ thuộc vào độ “chịu chơi” của bạn và cả yếu tố may mắn nữa.

Nếu có lời khuyên cho các sinh viên chuẩn bị du học Mỹ, anh sẽ chia sẻ điều gì từ kinh nghiệm và trải nghiệm bản thân?

Các bạn nên có định hướng càng sớm càng tốt về ngành học và ngôi trường mình muốn học. Sau đó tìm hiểu các điều kiện tuyển sinh của trường thật kỹ lưỡng, nhằm đặt ra chiến lược hiệu quả để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của trường. Khi bạn có điểm GPA cao và nằm trong top sinh viên có thành tích nổi bật ở trường thì CV của bạn sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Từ đó, cơ hội được làm việc ở các tập đoàn lớn với mức lương cạnh tranh ngay sau khi tốt nghiệp cũng sẽ tăng lên.

Bên cạnh việc học, bạn nên dành nhiều thời gian để mở rộng mối quan hệ, chẳng hạn như tham dự các sự kiện, hội thảo của các giáo sư, các hoạt động dành cho cựu sinh viên (alumni) của trường,... Điều đó giúp bạn nâng cao sự tự tin và mở ra cơ hội để bạn kết nối với các cựu sinh viên khác. Nếu may mắn, đây là sẽ là những người giới thiệu bạn với các công ty mà họ có kết nối cơ hội làm việc, thậm chí là người cho bạn công việc đầu tiên ở Mỹ.

Xin cảm ơn những chia sẻ từ anh Nam Anh!

Theo: Lý Ngọc Phương / ProFin.vn