Lược sử Big4 #1: PwC - Hành trình vươn mình từ một công ty kế toán nhỏ tại Anh trở thành Big4 toàn cầu

...

Từ một công ty dịch vụ kế toán có quy mô nhỏ tại Anh, PwC đã làm gì để có thể trở thành một trong bốn đối tác tư vấn dịch vụ kiểm toán lớn nhất toàn cầu?

Lược sử Big4 là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quát về 4 tập đoàn đối tác kiểm toán lớn nhất trong ngành Tài chính đang hoạt động tại Việt Nam dành cho các bạn sinh viên sắp ra trường thuộc khối ngành Kinh tế - Tài chính, hoặc những người đi làm nhiều năm có ý định dấn thân vào Big4.

Ở bài viết đầu tiên trong chuỗi bài này, tôi sẽ giới thiệu về PwC, 3 cái tên còn lại là E&Y, Deloitte và KPMG sẽ lần lượt xuất hiện ở các bài viết tiếp theo. Trước khi chính thức ra đời vào năm 1998, dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành PwC:

  • Năm 1849, Samuel Lowell Price, người đặt nền móng đầu tiên cho PwC, đã thành lập công ty dịch vụ kế toán tại Luân Đôn.
  • Năm 1854, William Cooper, người đặt viên gạch tiếp theo, đã thành lập công ty dịch vụ kế toán tại Luân Đôn.
  • Năm 1865, Samuel Lowell Price hợp tác với William Hopkins Holyland và Edwin Waterhouse để thành lập Price, Holyland & Waterhouse.
  • Năm 1874, Holyland quyết định rời đi, và công ty đổi tên thành Price, Waterhouse & Co.
  • Năm 1898, Robert H. Montgomery, William M. Lybrand, Adam A. Ross Jr. và anh trai T. Edward Ross thành lập Lybrand, Ross Brothers & Montgomery.
  • Năm 1957, Cooper Brothers & Co (Anh), McDonald, Currie and Co (Canada) và Lybrand, Ross Bros & Montgomery (Mỹ) hợp nhất để thành lập Coopers & Lybrand.
  • Năm 1982, Price Waterhouse World Firm được thành lập.

Chặng đường thâu tóm và sáp nhập để lớn mạnh của PwC

Cho đến tháng 9/1998, tiền thân của PwC là PricewaterhouseCoopers được thành lập từ việc sáp nhập hai công ty kế toán Pricewaterhouse và Coopers & Lybrand. Dù được biết đến rộng rãi với cái tên PwC, logo và tên giao dịch pháp lý của họ là PricewaterhouseCoopers. Mãi đến khi tái định vị thương hiệu vào năm 2010, logo và tên giao dịch mới chính thức được đổi thành PwC như các bạn đã biết.

Logo và tên giao dịch pháp lý của PwC qua các giai đoạn.

Quay trở lại lịch sử hình thành, sau khi sáp nhập, bên cạnh dịch vụ kế - kiểm toán, PricewaterhouseCoopers quyết định mở thêm dịch vụ tư vấn quản lý cho doanh nghiệp. Do vậy, tập đoàn gặp nhiều khó khăn về mặt chi phí lẫn nguồn lực  khi phải vận hành cùng lúc hai mảng tư vấn doanh nghiệp và dịch vụ kế - kiểm toán.

Trong giai đoạn đó, các tập đoàn đa quốc gia ưa chuộng việc triển khai hệ thống quản lý doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning). Dẫu vậy, vì vấn đề chi phí lẫn nguồn lực, PricewaterhouseCoopers quyết định không cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế và triển khai hệ thống ERP cho các khách hàng kiểm toán. Điều đó khiến thị phần tư vấn của tập đoàn này dần dần hẹp lại.

Tình hình ngày càng căng thẳng khi Ernst & Young là cái tên đầu tiên trong Big4 bán đi mảng tư vấn cho công ty dịch vụ công nghệ Capgemini vào năm 2000, với mức giá 11 tỷ USD.

Lúc bấy giờ, thị trường tài chính toàn cầu đang chấn động bởi bê bối kiểm toán của tập đoàn năng lượng Enron, cùng với sự giải thể của một trong năm tập đoàn kiểm toán và kế toán lớn nhất thế giới: Arthur Andersen. Đây cũng là thời điểm đánh dấu các tập đoàn Big5 trong giới kế - kiểm toán chỉ còn lại là Big4 cho đến nay. Sau sự kiện xảy ra với Enron, Đạo luật Sarbanes-Oxley (hoặc còn gọi là Đạo luật Sarbox) dành cho ngành kế toán, kiểm toán được Hoa Kỳ ban hành vào năm 2002. Đạo luật này ra đời nhằm mục đích bảo vệ lợi ích khi nhà đầu tư vào các công ty đại chúng, buộc các công ty phải công khai báo cáo tài chính và những thông tin liên quan khác.

Sự ra đời của Đạo luật Sarbanes-Oxley đã tác động lớn đến các tập đoàn tư vấn kế - kiểm toán. Nguồn ảnh: Mikael Blomkvist / Pexels.

Với sự xuất hiện của Đạo luật Sarbanes-Oxley, mối liên kết giữa dịch vụ tư vấn quản lý và kiểm toán đảm bảo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, PwC quyết định tách riêng mảng tư vấn thành một công ty độc lập là PwC Consulting, thay vì là một phòng ban trong tập đoàn như trước.

Tuy nhiên, vào giai đoạn này, mục tiêu hàng đầu của PricewaterhouseCoopers là tăng trưởng và mở rộng quy mô. Do vậy, tập đoàn đã lên kế hoạch bán mảng dịch vụ tư vấn cho Hewlett Packard với giá 17 tỷ USD vào năm 2002. Thế nhưng, thương vụ này đã không thành công.

Cho đến năm 2009, PwC lên kế hoạch xây dựng lại mảng dịch vụ tư vấn bằng cách mua lại và sáp nhập với hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn nhỏ thuộc mảng tư vấn quản lý doanh nghiệp. Mở đầu là thương vụ sáp nhập với tập đoàn tư vấn Paragon và mảng kinh doanh dịch vụ thương mại của BearingPoint tiến hành vào năm 2009.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, PwC tiếp tục lần lượt tiến hành các thương vụ thâu tóm các công ty tư vấn lớn nhỏ khác là Booz & Company, Diamond, PRTM, Logan Tod & Co, Ant's Eye View, BGT Partners và NSI DMCC.

Tháng 4/2013, PwC đã đổi tên Booz & Company thành Strategy&, hoạt động dưới cương vị là tổ chức tư vấn chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh các thương vụ thâu tóm, PwC cũng không ngừng hợp tác với các tập đoàn lớn khác để mở rộng quy mô. Năm 2016, PwC thông báo trở thành đối tác chiến lược với nền tảng ứng dụng kỹ thuật số InvestCloud để tập trung phát triển các tính năng tài chính mới mẻ. Vào tháng 11/2017, PwC trở thành công ty tư vấn dịch vụ đầu tiên trong Big4 chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. Đến tháng 2/2020, PwC bắt tay với công ty công nghệ ThoughtRiver ra mắt LawTech, dòng sản phẩm vận hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm chuẩn hóa các dịch vụ của PwC dành cho các khách hàng luật ở Anh.

Vào tháng 6/2021, PwC công bố chiến lược toàn cầu mới của họ là The New Equation, chủ yếu tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực quan trọng như môi trường, xã hội và quản trị (ESG: Environmental, Social and Governance), mua bán và sáp nhập (Merge and Acquisition), chuyển đổi số (Digital Transformation), đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ kiểm toán liên quan mà không chỉ gói gọn trong báo cáo tài chính.

Hành trình xây dựng niềm tin gần 20 năm của PwC Việt Nam

Sau một hành trình khá dài để ngày càng lớn mạnh, giờ đây PwC đã có mặt tại 156 quốc gia, với hơn 295.000 nhân viên trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, PwC chính thức mở văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội kể từ năm 1994. Tính đến thời điểm hiện tại, PwC Việt Nam có hơn 1.000 nhân sự trong nước và quốc tế có kiến thức chuyên sâu, cùng với năng lực chuyên môn cao. Các dịch vụ tư vấn chính PwC cung cấp tại Việt Nam bao gồm:

  • Kiểm toán báo cáo tài chính, soát xét thông tin tài chính và kiểm tra các thủ tục thỏa thuận trước.
  • Thương vụ mua bán và sáp nhập, chiến lược rút vốn và thị trường vốn.
  • Các hoạt động vận hành của doanh nghiệp như chuyển đổi số, phân bổ chi phí, quản lý rủi ro và quản lý nhân sự.
  • Cung cấp giải pháp cho các vấn đề Thuế và Pháp lý của doanh nghiệp.
  • Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, PwC Việt Nam hợp tác với các khách hàng doanh nghiệp như Sacombank, Vietcombank, Smart Train, Merry Land, VNCERT, Bảo Việt, ABBANK,... Không chỉ vậy, PwC Việt Nam còn mở Công Ty Luật TNHH PwC Việt Nam với 100% vốn nước ngoài được Bộ Tư pháp cấp giấy phép, hiện có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và một chi nhánh tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, PwC Việt Nam thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo trực tuyến nhằm bàn về giải pháp cho những vấn đề nan giải doanh nghiệp đang phải đối mặt. Bạn có thể theo dõi trang FacebookLinkedIn của PwC Việt Nam để không bỏ lỡ các sự kiện hữu ích diễn ra sắp tới.

PwC Việt Nam thường xuyên tổ chức những sự kiện hữu ích dành cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, vào tháng 8/2022, dịch vụ đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn PwC’s Academy chính thức được ra mắt tại Việt Nam. Dịch vụ này ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng nhân viên của doanh nghiệp, cũng như mong muốn học hỏi các kỹ năng mới của người lao động Việt. PwC’s Academy đào tạo 6 chuyên ngành, bao gồm: Kỹ năng số, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Tài chính và Nghiệp vụ, Quản trị và kiểm soát rủi ro, Phát triển nhân sự và năng lực lãnh đạo, và Thuế. Các khóa đào tạo được cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau: Hội thảo chuyên môn, đào tạo nội bộ, đào tạo theo nhu cầu và đào tạo trực tuyến (eLearning).

PwC Việt Nam cũng phát hành các báo cáo, ấn phẩm hữu ích miễn phí dành cho cộng đồng kế - kiểm toán nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Bạn có thể truy cập vào trang https://www.pwc.com/vn/vn/publications.html để tìm đọc thêm các ấn phẩm của PwC Việt Nam. Một số ấn phẩm tiêu biểu PwC Việt Nam đã đăng tải bao gồm:

  • Sổ tay Thuế Việt Nam (được cập nhật hàng năm).
  • Hướng dẫn kinh doanh tại Việt Nam (được cập nhật hàng năm).
  • Báo cáo thực trạng chuyên ngành Kiểm toán nội bộ.
  • Nghiên cứu về hệ thống thuế Tiêu thụ đặc biệt.
  • Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022.

Cơ hội nghề nghiệp tại PwC Việt Nam

Trước khi ứng tuyển vào PwC, bạn nên xác định rõ đâu là lĩnh vực phù hợp, dựa trên năng lực chuyên môn và sở thích cá nhân. Ba nhánh chính của PwC là tư vấn chiến lược và giải pháp cho doanh nghiệp, nghiệp thuế và kiểm toán. Bạn có thể truy cập vào trang https://www.pwc.com/vn/vn/careers.html để tìm kiếm thêm thông tin chi tiết về các vị trí đang mở, cùng với những hoạt động, chương trình tuyển dụng dành riêng cho nhóm đối tượng phù hợp. Lộ trình thăng tiến tại PwC Việt Nam cũng khá rõ ràng, bạn có thể tham khảo ở ảnh dưới đây hoặc tìm hiểu thêm tại đây.

Lộ trình thăng tiến tại PwC.

Văn hóa làm việc và phúc lợi của PwC Việt Nam cũng có nhiều ưu điểm như sau:

  • Cơ hội luân chuyển sang làm việc tại các chi nhánh PwC trên toàn cầu.
  • Có nhiều cơ hội xây dựng mối quan hệ lâu dài với các chuyên gia trong ngành.
  • Được chăm sóc sức khỏe theo ba phương diện: Cơ thể, Trí óc và Trái tim.
  • Mức lương cạnh tranh và ghi nhận đóng góp theo thời gian thực thông qua nền tảng flexpoint (có thể đổi điểm thành quà tặng).

Bài viết về PwC Việt Nam xin được kết thúc tại đây. Qua bài viết này, tôi hy vọng bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quát về một trong bốn đối tác kế - kiểm toán lớn nhất toàn cầu, đồng thời có thêm tự tin để ứng tuyển vào PwC. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!