Định Giá Doanh Nghiệp #2: GMV là gì? Vì sao GMV được sử dụng để định giá các startup thương mại điện tử?

...

Trong chương trình Shark Tank, Shark Bình đã đề cập khi nói về một startup bị cho là “ngáo giá”: “Hệ số định giá một công ty ecommerce (thương mại điện tử) dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm”. Vậy thì định giá theo GMV là gì và startup cần biết gì về nó để chuẩn bị cho việc gọi vốn?

Định Giá Doanh Nghiệp #2: GMV là gì? Vì sao GMV được sử dụng để định giá các startup thương mại điện tử?
Photo by CardMapr.nl / Unsplash

Làm thế nào để định giá một startup?

Trong các phương pháp định giá công ty, chiết khấu dòng tiền (DCF) được xem là phổ biến nhất. Tuy nhiên, đối với các công ty khởi nghiệp, phương pháp này không mang lại hiệu quả. Bởi lẽ đối với các công ty chưa có nền tảng kinh doanh ổn định thì các yếu tố dự báo về lợi nhuận và dòng tiền trong tương lai không đáng tin cậy. Do đó, phương pháp định giá dựa trên tài sản và phương pháp so sánh sẽ được ưu tiên sử dụng. Đặc biệt đối với startup trong lĩnh vực e-commerce thì phương pháp so sánh lại cho thấy nhiều ưu điểm hơn, do đặc thù các công ty này thường không có nhiều tài sản cố định. Tài sản lớn nhất mà công ty có thường là các tài sản vô hình như tên miền, website, dữ liệu khách hàng...

Với phương pháp so sánh, các chỉ số cơ bản của công ty cần định giá sẽ được đem so sánh với doanh nghiệp tương tự, cùng ngành hoặc có cùng đặc điểm kinh doanh. Các chỉ số cơ bản thường được lấy là chỉ số P/E, P/B, EV/EBITDA,... hoặc các chỉ số khác tùy theo đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, chỉ số GMV thường được sử dụng làm chỉ tiêu định giá.

Định Giá Doanh Nghiệp #1: Để không bị “ngáo giá” - 3 phương pháp định giá công ty mà chủ doanh nghiệp cần biết
Định giá doanh nghiệp thường là chủ đề được thảo luận thường xuyên trên các diễn đàn tài chính. Việc định giá doanh nghiệp thường được tiến hành khi một công ty tiến hành gọi vốn hoặc thực hiện các thương vụ M&A.

GMV là gì?

GMV là viết tắt của Gross Merchandise Value, là tổng giá trị của tất cả các đơn hàng ở tất cả các tình trạng giao hàng trên một nền tảng online trong một khoảng thời gian. Các tình trạng đơn hàng gồm có:

  • Delivered: Giao hàng thành công;
  • Canceled: Đơn hàng bị hủy;
  • Failed Delivered: Khách hàng từ chối nhận hàng (còn gọi là bom hàng);
  • Return: Khách trả lại hàng.

GMV trong các công ty thương mại điện tử là giá trị các đơn đặt hàng được đặt trên nền tảng online. Ví dụ: trong tháng 6, một công ty thương mại điện tử có 10 đơn hàng, trong đó có 3 đơn hàng được giao thành công, 6 đơn hàng đang trong quá trình vận chuyển và 1 đơn hàng bị hủy. Giá trị mỗi đơn hàng là 100 nghìn đồng, như vậy, GMV trong tháng 6 của công ty là 1 triệu đồng.

GMV không phải là doanh thu. Trên thực tế, doanh thu của doanh nghiệp có thể đến từ nhiều nguồn, và doanh thu từ thương mại điện tử chỉ được ghi nhận khi các đơn hàng được giao thành công. Như ở ví dụ trên, công ty chỉ có 3 đơn hàng giao thành công và 6 đơn hàng đang trên đường giao. Như vậy, nếu 6 đơn hàng này cũng được giao thành công thì doanh thu của công ty cũng chỉ được tính dựa trên 9 đơn hàng. Trong trường hợp công ty bạn chỉ đóng vai trò trung gian như Tiki, Shopee, thì doanh thu sẽ càng ít hơn do được tính dựa trên hoa hồng từ các đơn hàng này.

Số liệu GMV thường được sử dụng như một thước đo tài chính để so sánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Việc định giá startup ecommerce bằng GMV thường được các quỹ đầu tư sử dụng trong các vòng gọi vốn. Phương pháp này cũng thường được nhắc đến trong chương trình Shark Tank như là một phương pháp tính nhanh giá trị hợp lý của startup khi gọi vốn.

Định giá startup bằng GMV được thực hiện như thế nào?

Việc tính giá trị công ty bằng GMV được thực hiện theo ba bước sau:

Bước 1: Xác định các doanh nghiệp tương tự

Việc xác định các công ty tương tự là bước cơ bản và quan trọng nhất trong phương pháp định giá so sánh. Các công ty tương tự được hiểu là những doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực, có cùng mô hình và cùng thị trường kinh doanh. Ví dụ các công ty tương tự trong lĩnh vực e-commerce tại Đông Nam Á bao gồm: Tiki, Sendo, Lazada, Shopee,... Trong đó, rất cần lưu ý về sự tương đồng về quy mô cũng như mô hình kinh doanh (“business model”) của các doanh nghiệp lựa chọn để so sánh.

Bước 2: Tính hệ số định giá

Trong phương pháp định giá so sánh, hệ số định giá có ý nghĩa là so sánh giữa công ty cần định giá với công ty tương tự hoặc với trung bình của ngành. Đối với phương pháp định giá theo P/E, hệ số định giá chính là mức P/E trung bình của ngành.

Đối với phương pháp GMV, hệ số định giá được tính dựa trên chỉ số trung bình giữa tỷ số vốn hóa và GMV một năm của các công ty trong ngành. Ví dụ hệ số định giá GMV của các công ty thương mại điện tử ở thị trường Đông Nam Á được tính như sau:

* Lưu ý: các số liệu về GMV và vốn hóa của các công ty thương mại điện tử thường không công khai. Các số liệu này có thể được thu thập gián tiếp thông qua các thông tin trên báo chí trong các đợt gọi vốn, thương vụ M&A hoặc IPO.

Bước 3: Tính giá trị công ty

Khi đã xác định được hệ số định giá, bước cuối cùng chỉ cần áp dụng nhân hệ số định giá với GMV trong 1 năm của doanh nghiệp. Ví dụ GMV một năm gần đây của công ty bạn là 1 triệu USD (khoảng 22,7 tỷ đồng) thì định giá công ty bạn theo GMV sẽ là:

Giá trị công ty = Giá trị GMV một năm x Hệ số định giá GMV = 22,7 tỷ x 2,4 lần = 54,48 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ số định giá này chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên các công ty tương tự. Nếu công ty của bạn có những lợi thế kinh doanh đặc thù hơn hẳn các mô hình khác thì bạn có thể thuyết phục các nhà đầu tư một mức định giá cao hơn mức trung bình.

Những điểm cần lưu ý khi định giá bằng GMV

Các phương pháp định giá công ty khởi nghiệp thường thiếu chính xác do không đủ số liệu đáng tin cậy, kể cả số liệu về tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp lẫn số liệu thị trường. Đặc biệt đối với các công ty khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn mới thì việc định giá lại càng khó. Do đó, các con số định giá đối với startup thường chỉ chỉ mang tính chất tham khảo, là cơ sở để thuyết phục các nhà đầu tư trong các vòng gọi vốn. Nhìn chung các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ không cố “ép giá” các startup, thay vào đó, họ sẽ cố gắng đánh giá một cách công bằng nhất có thể để “giữ lửa” các founders.

Đối với định giá bằng GMV, đây là phương pháp thường được áp dụng để ước lượng giá trị của startup thương mại điện tử trong các vòng gọi vốn vì cách tính khá đơn giản. Tuy nhiên để có được các số liệu tính hệ số định giá đòi hỏi startup phải tìm hiểu, nghiên cứu sâu về thị trường và các đối thủ cạnh tranh.

Cuối cùng, phải thừa nhận rằng GMV sẽ không cho kết quả chính xác nếu chỉ dựa vào một phương pháp này, vì nó không xem xét dựa trên kết quả kinh doanh thực tế. GMV thực chất không đại diện cho doanh thu mà chỉ là giá trị các đơn hàng được đặt trên hệ thống thương mại điện tử. Do đó phương pháp này cần được áp dụng cùng với các phương pháp định giá khác như P/E, P/B hay EV/EBITDA để tăng tính chính xác và hiệu quả.

Theo: Nguyễn Dương /ProFin