Mạng xã hội và hội chứng FOMO khiến bạn tiêu tiền như thế nào?

...

Hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out) ngày càng phổ biến cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Hội chứng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, đồng thời cũng có tác động tiêu cực đến khía cạnh tài chính.

Mạng xã hội và hội chứng FOMO khiến bạn tiêu tiền như thế nào?
Nguồn ảnh: dole777 / Unsplash

Hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out) ngày càng phổ biến cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Hội chứng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, đồng thời cũng có tác động tiêu cực đến khía cạnh tài chính. Trong bài viết này, ProFin sẽ giải thích sự tác động của mạng xã hội và hội chứng FOMO đến túi tiền của bạn.

Định nghĩa về hội chứng FOMO

FOMO được viết tắt từ cụm từ Fear Of Missing Out: nghĩa là nỗi sợ bị bỏ lỡ những xu hướng đang được mọi người bàn tán xôn xao. Việc này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nó thôi thúc tâm trí chúng ta phải luôn túc trực trên mạng xã hội để cập nhật thông tin. Không chỉ vậy, hội chứng này còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, trong bài viết này, ProFin sẽ chỉ đề cập đến tác động của nó đối với khía cạnh tài chính cá nhân.

Theo một nghiên cứu từ hơn 700 triệu lượt mua sắm từ hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến toàn cầu của tổ chức RichRelevance: người dùng Pinterest chi trung bình 170 USD cho một đơn đặt hàng. Con số này cao hơn rất nhiều lần so với người dùng Facebook và Twitter. Qua đó có thể thấy rằng, phương tiện truyền thông và hội chứng FOMO thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen mua sắm của mọi người ngày nay.

Hội chứng FOMO bắt đầu phổ biến cùng với sự phát triển của mạng xã hội. Nguồn ảnh: freepik

Vậy hội chứng FOMO và mạng xã hội tác động thế nào đến việc bạn tiêu tiền?

Theo khảo sát của Allianz Life - một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới tại Đức: 55% các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi FOMO khi có thói quen mua những món đồ nhìn thấy trên mạng xã hội, dù họ chưa từng có ý định mua chúng trước đó. Kết quả phân tích của nhà khoa học hành vi và nhà tâm lý học cho biết: con người có xu hướng xác định bản thân dựa vào giá trị của người khác đang có. Trong khi đó, mạng xã hội khiến mọi người thường chăm chăm cập nhật những hình ảnh sang trọng và hoàn hảo quá mức. Điều đó vô tình khiến một số bộ phận còn lại vì cảm thấy tự ti nên không ngừng mua sắm những món đồ cao cấp, mục đích để chứng tỏ cuộc sống mình không thua kém số đông.

Không chỉ thế, sự xuất hiện dày đặc của các nhãn hàng lớn nhỏ, thương mại điện tử đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng. Điều này có tác động vô cùng mạnh mẽ, thậm chí có vô số người trẻ bị rơi vào cảnh nợ nần do nghiện mua sắm. Theo một bài viết của Bloomberg, hơn 36 triệu thanh niên Trung Quốc rơi vào cảnh vỡ nợ vì vay tiền tín dụng để mua hàng trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch, tình hình này lại ngày càng nghiêm trọng. Nhiều bạn trẻ có quan điểm “còn trẻ mà, cứ hưởng thụ”, vì vậy họ luôn chạy theo xu hướng đám đông mà không quan tâm đến việc quản lý ngân sách hay tiết kiệm.

Mạng xã hội và hội chứng FOMO tác động mạnh mẽ đến khía cạnh tài chính hơn là bạn nghĩ. Nguồn ảnh: cottonbro từ Pexels

Một số lời khuyên để thoát khỏi hội chứng FOMO

Cách tốt nhất đó chính là hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội. Vì hội chứng FOMO bắt đầu xuất hiện kể từ khi Facebook, Instagram,... ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có nhiều lời khuyên rằng bạn nên xóa các ứng dụng này ra khỏi điện thoại, tuy nhiên điều này không thật sự hữu ích và ít ai làm được. Vì mạng xã hội không chỉ là nơi cập nhật xu hướng, nó còn là công cụ liên lạc với người thân và bạn bè, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Thay vì gỡ cài đặt các ứng dụng mạng xã hội, bạn nên tắt thông báo của các ứng dụng mua sắm trực tuyến khỏi điện thoại. Các ứng dụng này đều thường xuyên thông báo các tin khuyến mãi, giảm giá có thể khiến bạn nảy sinh ý định chi tiền vào những món chưa thật sự cần thiết. Bạn hãy vào khi thật sự có món đồ cần mua, như vậy bạn sẽ ít bị thu hút bởi tin nhắn khuyến mãi của các trang thương mại điện tử.

Để tránh việc bị cám dỗ bởi hội chứng FOMO và mạng xã hội, bạn nên tìm cho mình một hoạt động khác. Ví dụ như đi học một ngôn ngữ mới, kỹ năng mới, tập thể dục,... Những điều này không chỉ giúp bạn thoát khỏi tình trạng nợ nần do mua sắm vô tội vạ, nó còn có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng chuyên môn và nâng cao sức khoẻ.

Hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội để dành cho các hoạt động lành mạnh khác. Nguồn ảnh: freepik