Mua trước, trả sau (BNPL): Xu hướng thanh toán mới sẽ thay thế thẻ tín dụng trong tương lai?

...

Dịch vụ “mua trước, trả sau” có gì đặc biệt mà thu hút được nhiều sự quan tâm đến thế?

Mua trước, trả sau (BNPL): Xu hướng thanh toán mới sẽ thay thế thẻ tín dụng trong tương lai?

Vài năm gần đây, mô hình thanh toán mua trước, trả sau ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại sự kiện thường niên WWDC 2022, hãng công nghệ Apple đã công bố tính năng Apple Pay Later, đã ra mắt vào tháng 9/2022 cùng với bản cập nhật iOS 16. Ở Việt Nam, dù vẫn còn khá mới, song đã có khá nhiều cái tên nhảy vào, tiêu biểu có thể kể đến Fundiin, Home PayLater (thuộc Home Credit), PayLater (thuộc Lotte Finance), Movi, Kaypay,... Như vậy, dịch vụ “mua trước, trả sau” có gì đặc biệt mà thu hút được nhiều sự quan tâm đến thế?

Giải thích về hình thức “buy now, pay later” (mua trước, trả sau)

Mua trước, trả sau (tên tiếng Anh: buy now, pay later, viết tắt: BNPL) là một hình thức cho vay tài chính ngắn hạn. Các công ty cung cấp dịch vụ này cho phép người tiêu dùng mua hàng trả trước một khoản tiền, sau đó dần dần xử lý khoản còn lại. Khung thời gian quy định thường là từ 15 - 90 ngày, trong khi một số công ty BNPL hỗ trợ khung thời gian dài hơn.

Theo kết quả một thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch, hơn 60% người Mỹ cho biết họ đã sử dụng dịch vụ BNPL để mua hàng trực tuyến. Có thể thấy, hiện tại hình thức “mua trước, trả sau” này đang rất đang được ưa chuộng tại Mỹ và các nước khu vực châu Âu. Tại Việt Nam, theo thống kê được công bố vào tháng 8/2022 bởi Research and Markets, hình thức thanh toán BNPL được kỳ vọng tăng trưởng 79% hàng năm.

Làm thế nào để thanh toán bằng dịch vụ này?

Hiện tại, có nhiều công ty cung cấp hình thức thanh toán này, vì vậy sẽ có những sự khác biệt nhất định trong cách sử dụng. Tuy nhiên, nhìn chung người mua sẽ phải thực hiện 3 bước sau:

  • Tại trang web mua hàng, bạn bỏ một món hàng vào giỏ và chọn hình thức thanh toán “mua trước, trả sau”.
  • Sau khi được duyệt, bạn cần thanh toán trước một khoản tiền, ví dụ như 25% giá trị món hàng.
  • Tiếp theo, bạn trả hết số tiền còn lại (không có lãi suất) trong khoản thời gian quy định. Bạn có thể thanh toán bằng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản ngân hàng.

Ưu, nhược điểm của hình thức BNPL

profin.vn-mua-truoc-tra-sau-buy-now-pay-later

Về bản chất, hình thức này khá giống với loại hình mua trả góp đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ưu điểm lớn của “mua trước, trả sau” là không có lãi suất hoặc thấp hơn nhiều so với thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, thủ tục duyệt vay nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều so với mua trả góp thông thường hoặc qua thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, trong trường hợp quên trả tiền đúng hạn, bạn phải đóng một khoản phí phạt trễ và điều đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng.

Một bất tiện khác là vấn đề trả hàng và hoàn tiền. Bạn cần phải thông báo cho nơi bán trước, sau đó đợi họ duyệt yêu cầu hoàn trả. Trong lúc chờ đợi, bạn vẫn phải tiếp tục thanh toán cho công ty cung cấp dịch vụ BNPL.

Điều gì khiến BNPL được kỳ vọng sẽ thay thế thẻ tín dụng?

Bên cạnh những ưu điểm đã liệt kê ở trên, đây mới chính là yếu tố khiến nhiều người cho rằng BNPL sẽ thay thế thẻ tín dụng:

Hình thức “mua trước, trả sau” áp dụng các mặt hàng có giá trị thấp hơn, chẳng hạn như đồ gia dụng, tạp hóa,... Điều này hoàn toàn khác với thẻ tín dụng - vốn chỉ hỗ trợ mua các mặt hàng có giá trị cao cùng với mức lãi suất không hề thấp, có thể lên đến 20,35%/năm, theo thống kê của The Balance.

Chính vì vậy, các cửa hàng bán lẻ như Target, Amazon, Walmart đã thu được “quả ngọt” nhờ nhanh chóng hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ BNPL như Affirm, Sezzle và Klarna. Vào thời điểm sắp bước vào kỳ nghỉ dài tại Mỹ, hình thức “mua trước, trả sau” được nhiều người tiêu dùng áp dụng để mua đồ trang trí, tạp hóa, thức ăn, quà tặng...

Không chỉ vậy, theo kết quả cuộc khảo sát 6,500 người trưởng thành từ Cardify trong năm 2020, 48% người tham gia nói rằng hình thức BNPL khiến họ chi tiêu nhiều hơn 10-20% so với thẻ tín dụng. Có thể thấy, hình thức thanh toán BNPL đã góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng cao hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng.

Tiềm năng phát triển trong tương lai

Vào năm 2020, theo báo cáo từ Grand View Research, phương thức thanh toán BNPL đã tăng lên mạnh mẽ do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Thời gian qua, những thông tin liên quan đến những cái tên trong lĩnh vực này được nhiều người biết đến hơn, chẳng hạn như Klarna - một công ty dịch vụ BNPL được định giá 45 tỷ USD, hoặc Square đã mua lại Afterpay với giá 29 tỷ USD.

Bên cạnh những cái tên mới nổi, các ông lớn lâu năm đều chuẩn bị dấn thân vào mảng này. Mastercard sắp ra mắt dịch vụ “mua trước, trả sau” có tên Mastercard Installments, Apple bắt tay với Goldman Sachs để chuẩn bị trình làng Apple Pay Later, Amazon hợp tác với Affirm cho phép người tiêu dùng tại Mỹ có thể sử dụng phương thức thanh toán BNPL cho hóa đơn có giá trị từ 50 USD trở lên.

Dẫu vậy, đối với các nhà đầu tư đang quan tâm về lĩnh vực này, có nhiều điều cần phải cân nhắc. Đặc biệt là về vấn đề pháp lý, hiện tại chính phủ vẫn chưa có nhiều các loại quy định cụ thể đối với BNPL. Vì vậy, các doanh nghiệp sớm bước chân vào mảng này đã tăng trưởng nhanh chóng và không mất nhiều chi phí vận hành. Đến khi các quy định nghiêm ngặt được đưa ra, lợi nhuận có thể sẽ giảm đi và nhiều vấn đề khác sẽ phát sinh.

Doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi như thế nào khi hình thức BNPL ngày càng phổ biến?

Theo một báo cáo từ trang Grand View Research, đối tượng khách hàng chính của hình thức BNPL phần lớn thuộc độ tuổi từ 22 - 44 (thuộc thế hệ Millennial và Gen Z).

Như ProFin đã đề cập ở trên, hình thức “mua trước, trả sau” hỗ trợ cho cả các mặt hàng có giá trị từ thấp đến trung bình như đồ điện tử, đồ dùng gia đình và tạp hóa. Điều này giúp họ có cơ hội mua được những món đồ yêu thích dễ dàng hơn.

Dẫu vậy, hiện tại có nhiều cảnh báo cho rằng hình thức BNPL sẽ khiến nhiều người rơi vào cảnh nợ nần còn nghiêm trọng hơn cả thẻ tín dụng. Theo kết quả cuộc khảo sát do Pipslay thực hiện với 30,880 người tham gia, 24% người tham gia nói rằng họ dùng BNPL vì không có đủ tiền mua món đồ đó, 37% thừa nhận rằng vì món hàng đó nằm ngoài ngân sách chi tiêu của họ.

Qua đó, có thể thấy dù hình thức BNPL khá hữu ích, nhưng nó cũng góp phần thúc đẩy hành vi chi tiêu bốc đồng và hiện tượng lạm phát lối sống.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng có giá trị thấp hoặc trung bình, mô hình “mua trước, trả sau” mang lại khá nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có chi phí cao hơn, hình thức BNPL có thể không phù hợp, bởi vì bản chất của nó chỉ là hình thức tài chính ngắn hạn.

Gia tăng doanh số bán hàng, dễ dàng thu hút khách hàng mới: Hình thức “mua trước, trả sau” sẽ giúp một số người tiêu dùng đang phân vân mua hàng sẽ đưa ra quyết định thanh toán nhanh hơn. Ngoài ra, thẻ tín dụng chủ yếu được sử dụng bởi người trưởng thành, hình thức BNPL có thể tiếp cận tệp đối tượng rộng hơn, ví dụ như những người e ngại dùng thẻ tín dụng vì thủ tục phức tạp sẽ có hứng thú với BNPL do ưu điểm tạo tài khoản và vay vốn nhanh chóng.

Giữ chân khách hàng cũ: Phương thức thanh toán này có thể khiến khách hàng “nghiện cảm giác mua sắm” vì rơi vào tình trạng mua sắm bốc đồng và lạm phát lối sống như ProFin đã đề cập ở phần trên. Do vậy, nhiều khả năng họ sẽ sẵn sàng trở lại vào những lần sau.

profin.vn-mua-truoc-tra-sau-buy-now-pay-later
Hình thức “mua trước, trả sau” giúp doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ dễ tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Nguồn ảnh: Vecteezy / veronica nerissa.

Nếu muốn sử dụng tại Việt Nam, có doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ thanh toán này không?

Tại Việt Nam, đã có không ít cái tên dấn thân vào miếng bánh béo bở này. Một số cái tên có thể kể đến như Fundiin; Kredivo – công ty con của FinAccel (Singapore) hợp tác với VietCredit; Home PayLater (Home Credit) hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Tiki; Paylater của Lotte Finance hợp tác với VnTrip để giúp khách du lịch trước và thanh toán sau. Nhiều chuyên gia dự báo, có thể một thời gian không lâu nữa, dịch vụ “mua trước, trả sau” sẽ ngày càng phổ biến tại Việt Nam, len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của người tiêu dùng, tương tự như Momo và Zalo Pay hiện nay.