Recap Làm tài chính, chọn du học: 3 yếu tố để bứt phá sự nghiệp tài chính hậu du học

...

Theo đúc kết từ sự kiện Grow with AECC #10, có 3 yếu tố quan trọng cần lưu ý để gặt hái thành công trong ngành tài chính sau khi kết thúc quá trình du học.

Recap Làm tài chính, chọn du học: 3 yếu tố để bứt phá sự nghiệp tài chính hậu du học

Sự kiện Grow with AECC #10 do AECC Global tổ chức có sự đồng hành và chia sẻ của 2 diễn giả:

  • Anh Thọ Trần, hiện đang là Tax Director tại Deloitte Vietnam. Anh có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và Úc ở các công ty đình đám như: kiểm toán (E&Y, Deloitte), thuế (Samsung Vina Electronics, Suntory PepsiCo Vietnam) và chứng khoán (Tân Việt).
  • Anh Việt Nguyễn, hiện đang là Head of Technology Investment tại Vietnam Investment Group (VIG). Anh nằm trong Hội đồng Đầu tư và Quản trị của một số tên tuổi nổi bật như Finhay, Citics, Galaxy Media & Entertainment, Elsa, The Online Management Training company, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Teko, KidsPlaza, Beta Group. Bên cạnh đó, anh cũng có 12 năm kinh nghiệm cố vấn cho chương trình SEO-V.

Dưới đây 3 đúc kết đáng giá và hữu ích từ sự kiện Grow with AECC #10:

Du học chỉ là một lựa chọn về mặt giáo dục, không phải là chìa khóa vạn năng

Theo nhận định của anh Thọ Trần và anh Việt Nguyễn, điều quan trọng hàng đầu đó là bạn cần có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như bạn muốn làm công việc tài chính hay là làm trong ngành tài chính. Bạn có thể làm công việc tài chính ở nhiều ngành nghề khác nhau, chẳng hạn như thời trang, hàng tiêu dùng, bán lẻ. Trong khi đó, nếu muốn làm trong ngành tài chính, bạn có thể lựa chọn làm việc tại các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hoặc quỹ đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với những bạn đã đi làm muốn theo học những chương trình sau đại học, chẳng hạn như MSc (Master of Science), bạn cũng nên đặt ra mục tiêu cụ thể. Anh Việt chia sẻ, trước khi đăng ký học MSc, đầu tiên, bạn nên xác định mục tiêu của bản thân là nâng cao chuyên môn cho công việc đang làm hay là bổ sung thêm kiến thức về một nghiệp vụ khác trong ngành tài chính. Khi đã xác định được mục tiêu ban đầu thì việc lựa chọn chương trình học MSc phù hợp sẽ dễ dàng hơn.

Anh Việt nói thêm, bạn cũng nên xác định mục tiêu sau khi hoàn tất chương trình học, chẳng hạn như bạn sẽ làm việc ở nước ngoài hay là Việt Nam.

Nếu có ý định trở về Việt Nam làm việc, bạn nên chú ý đến yếu tố transferable skills (kỹ năng có thể chuyển đổi được) và non-transferable skills (kỹ năng không thể chuyển đổi). Cụ thể hơn, một số kiến thức và kỹ năng mà bạn học được ở môi trường quốc tế có thể không phổ biến hoặc không được áp dụng tại Việt Nam, ví dụ như hai môn học Fund Management (quản lý quỹ) và Derivatives (chứng khoán phái sinh) của The University of ADELAIDE. Trong khi đó, anh Việt đánh giá rằng hai môn học Risk Management và Wealth Management in Asia của trường này lại khá thú vị, đồng thời có thể áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Do vậy, khi không có mục tiêu và định hướng rõ ràng, lựa chọn du học sẽ không phải là một chiếc chìa khóa vạn năng giúp bạn thăng tiến và có được sự nghiệp vững vàng. Du học nên được xem như một khoản đầu tư. Vì lẽ đó, bạn nên xác định bản thân sẽ nhận được những gì sau khi hoàn tất quá trình du học.

Du học nên được xem là một khoản đầu tư, do đó bạn nên có định hướng và mục tiêu rõ ràng để đạt được kết quả tốt nhất. Nguồn ảnh: Abby Chung / Pexels.

Không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng mềm để nâng cao lợi thế cạnh tranh

Anh Thọ Trần cho biết, trong quá trình du học, mỗi cá nhân nên có kế hoạch phát triển liên tục về mặt chuyên môn, cụ thể là non-transferable skills (kỹ năng không thể chuyển đổi). Anh Thọ nói thêm, khi làm việc trong ngành tài chính thì khó tránh khỏi những khoảnh khắc cảm thấy chán nản. Vì thế, non-transferable skills sẽ giúp bạn có thể áp dụng những kỹ năng đó vào những việc khác khiến bạn cảm thấy vui hơn.

Không chỉ vậy, anh Thọ nhấn mạnh, nếu muốn có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp thì kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này không chỉ giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ với những chuyên gia trong nghề, mà còn góp phần giúp bạn hiểu rõ bản thân và người khác hơn. Khi đó thì bạn mới có khả năng kết nối và duy trì được những mối quan hệ chất lượng, đồng thời tạo được ảnh hưởng đến họ.

Trong khi đó, theo chia sẻ của anh Việt Nguyễn, để xác định năng lực của bản thân thì bạn cần dựa vào những benchmark (điểm định chuẩn) khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố thị trường và thời điểm. Việc học dù mang lại kiến thức nhưng lại không có quá nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Do vậy, bạn nên học thêm các chứng chỉ hành nghề tài chính để củng cố kiến thức nền tảng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo thêm các case study từ thực tế, hoặc từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể. Việc học tập từ những người đi trước được xem như là một lối tắt, bởi vì những kiến thức mà họ truyền tải đến cho bạn đều đã được chắt lọc bởi kinh nghiệm làm việc dày dặn của họ rồi.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, những kỹ năng mềm cũng rất quan trọng, chẳng hạn như kỹ năng trí tuệ cảm xúc. Nguồn ảnh: Artem Podrez / Pexels.

Nên làm gì để phát triển sự nghiệp sau khi kết thúc hành trình du học?

Theo nhận định của anh Thọ Trần, dù là đi du học hoặc sở hữu các loại chứng chỉ hành nghề tài chính khác, thì đó vẫn chỉ mới là bước đầu tiên để đạt được thành công. Yếu tố quan trọng hơn là những giá trị bạn mang lại cho công ty, cũng như cho khách hàng. Giả sử như bạn là một senior và muốn thăng tiến lên làm Assistant Manager, bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ của mình, bạn cũng cần chứng minh cho cấp trên và stakeholders (những bên liên quan) rằng mình xứng đáng với vai trò này. Tuy nhiên, nhiều bạn có năng lực giỏi lại cũng có cái tôi quá lớn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng cộng tác với những bộ phận có liên quan. Thế nên, như anh Thọ đã đề cập ở phần trên, kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng. Ngoài ra, một kỹ năng mềm khác cũng quan trọng không kém là emotional intelligence (kỹ năng trí tuệ cảm xúc: khả năng thuyết phục, trình bày ý tưởng,... ).

Hơn thế nữa, điều quan trọng tiếp theo là khả năng thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ. Anh Việt Nguyễn chia sẻ, anh luôn tự hỏi bản thân rằng với sự xuất hiện của những xu hướng công nghệ, khách hàng sẽ cần những gì và chúng ta cần thay đổi như thế nào để thích nghi với điều đó. Theo anh Việt, những kỹ năng mà nhân sự làm việc trong ngành tài chính cần có là business acumen (biết cách hỗ trợ hợp lý với các bộ phận có liên quan như marketing, supply chain nhằm đem lại kết quả tốt nhất), collaboration (khả năng lắng nghe tốt để đưa những ra ý tưởng giúp mình và những stakeholders cùng nhau phát triển).

Giới thiệu về sự kiện

Với đặc tính liên kết chặt chẽ với thị trường toàn cầu của ngành tài chính, việc sở hữu những kỹ năng chuyên môn và tầm nhìn toàn cầu đang ngày càng quan trọng với những bạn trẻ có tham vọng phát triển trong ngành này. Do đó, AECC Global đã tổ chức sự kiện Grow with AECC #10 nhằm giúp các bạn trẻ đang có dự định du học thuộc khối ngành tài chính có được cái nhìn tổng quan, từ đó lập kế hoạch phát triển cho bản thân tốt hơn.
Theo: Phong Nguyễn / ProFin.vn