Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận quý 1: Một ngành vượt mặt Bất động sản trở thành "ngôi sao" tăng trưởng mạnh nhất

...

Đây được xem là quý gây thất vọng của nhóm DN Thép, Hóa chất và Chứng khoán, tổng 3 nhóm này kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm 13,5 điểm % trong Q1/2023.

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận quý 1: Một ngành vượt mặt Bất động sản trở thành "ngôi sao" tăng trưởng mạnh nhất
Photo by Austris Augusts / Unsplash

Tăng trưởng lợi nhuận ròng Q1/23 tiếp tục gây thất vọng. Theo ước tính của VNDirect, tổng lợi nhuận ròng Q1/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn  giảm 18,1% so với cùng kỳ, mức giảm thấp hơn so với Q4/2022 giảm 31,9%.

Nhóm BĐS, du lịch trở thành điểm sáng

Đây được xem là quý gây thất vọng của nhóm DN Thép, Hóa chất và Chứng khoán, tổng 3 nhóm này kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm 13,5 điểm % trong Q1/2023.

Cụ thể, lợi nhuận ròng các doanh nghiệp thép niêm yết khi giảm 93,3% so với cùng kỳ. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với 2 quý lỗ ròng trước đó nhờ (1) giá bán thép phục hồi và (2) hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Ngành Hóa chất kéo dài xu hướng kém tích cực với lợi nhuận ròng giảm 71,9% so với cùng kỳ do giá phốt pho và phân bón giảm sâu. Các công ty Chứng khoán cũng ghi nhận LN ròng giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ do thanh khoản thị trường giảm 63,1% trong Q1.

Ngược chiều, trong giai đoạn khó khăn, nhóm DN phát triển Bất động sản "toả sáng" với mức tăng trưởng LN ròng 28,3% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đóng góp của VHM (+162,5%) nhờ ghi nhận các giao dịch bán buôn số lượng lớn. Tuy nhiên, nếu loại trừ VHM, LN ròng của các nhà phát triển BĐS đã giảm 40,4% so với cùng kỳ trong Q1/23.

Tuy nhiên, "quán quân" tăng trưởng lợi nhuận quý này là nhóm ngành y dược với mức tăng 34,9% so với cùng kỳ. Qua đó, đóng góp 0,2% cho thị trường chung.

Đáng chú ý, ngành Du lịch và Giải trí đã dần quay trở lại đúng quỹ đạo, lần đầu tiên ghi nhận LN ròng dương hơn 200 tỷ đồng kể từ sau dịch Covid-19. Kết quả này phần lớn được đóng góp bởi việc HVN lỗ 103,6 tỷ đồng trong Q1/23 (so với khoản lỗ 2.613 tỷ đồng trong Q1/22).

Nhóm vốn hoá vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề

Xét theo nhóm vốn hóa, VNDirect đánh giá kết quả kinh doanh các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong Q1/2023. Tổng lợi nhuận ròng các doanh nghiệp VN30 trong Q1/23 giảm 11,1% so với cùng kỳ, tích cực hơn so với nhóm vốn hóa lớn giảm 12,4%. Lợi nhuận của nhóm vốn hóa lớn sụt giảm nhiều hơn so với VN30 chủ yếu là do DPM (- 87,7%), DCM (-84,9%) và VGI (-68,8%).

Lợi nhuận Q1/23 của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ giảm mạnh lần lượt 39,8% so với cùng kỳ và 38,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với Q4/22 do tỷ giá hối đoái ổn định và lãi suất thấp hơn.

Đối với nhóm VN-30, lợi nhuận Q1 ghi nhận giảm 11,1%. Trong đó, 14 doanh nghiệp trong VN30 có tăng trưởng LN ròng khả quan "gọi tên" VRE (+171%), VHM (+162%) và PLX (+155%).

Ngược lại, trong Q1/23, LN ròng của MWG giảm mạnh 98,5% so với cùng kỳ, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng giảm trong bối cảnh lãi suất cao và việc một vài công ty tài chính tiêu dùng bị điều tra.

Mặc dù LN ròng Q1/23 của HPG sụt giảm 95,2% svck nhưng HPG vẫn cho tín hiệu tốt khi LN ròng dương sau 2 quý bị lỗ trước đó nhờ (1) giá thép phục hồi và (2) hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đáng chú ý, NVL ghi nhận khoản lỗ 337 tỷ đồng trong Q1/23 (Q1/22: +1.079 tỷ đồng) do các yếu tố thị trường khiến doanh thu chuyển nhượng bất động sản suy yếu (-70,6%).

Biên lợi nhuận gộp của thị trường báo hiệu sự cải thiện

Dựa trên ước tính của VNDirect, biên lợi nhuận gộp của thị trường (không bao gồm ngân hàng) trong Q1/2023 đã tăng lên 15,5% từ mức 15,4% trong Q4/2022. Nhóm ngành chứng kiến mức tăng biên LN gộp cao nhất so với Q4/22 bao gồm: Du lịch & Giải trí, Thép, Xây dựng & Vật liệu. Trong khi đó, các nhóm ngành Bất động sản, Hóa chất và Bán lẻ bị ảnh hưởng bởi việc biên LN gộp giảm mạnh nhất.

Mặt khác, chi phí nợ giảm trong khi đòn bẩy tăng. Tỷ lệ đòn bẩy toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng) lần đầu tiên tăng lên kể từ Q1/2022 do tổng nợ ngắn hạn tăng 2,3% trong khi tổng vốn chủ sở hữu giảm 2% so với  Q4/22.

Chi phí lãi vay trung bình trên thị trường giảm từ 6% xuống 5,9% do (1) lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 2 từ mức đỉnh vào tháng 1 đầu năm nay và (2) NHNN cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt là 1% điểm và 0,5% điểm vào tháng 3 năm nay.